Xuất hiện biểu tượng dơi khổng lồ trên lưng chiếc F-35B Mỹ

Những chiếc máy bay chiến đấu thường được trang trí rất đơn điệu để giảm sự phát hiện của đối phương, tuy nhiên chiếc máy bay này lại rất bắt mắt khi nhìn từ xa.

Một chiếc máy bay chiến đấu tàng hình F-35B của thủy quân lục chiến Mỹ bị bắt gặp mang một số dấu hiệu không theo tiêu chuẩn, đây cũng là dấu hiệu phô trương nhất từng được nhìn thấy trên một máy bay chiến đấu tấn công đang hoạt động của Mỹ.

Chiếc máy bay trên thuộc Phi đội máy bay chiến đấu tấn công 242 của thủy quân lục chiến (VMFA), phần lưng của máy bay được trang trí bằng họa tiết cách điệu có hình của một con dơi. Chiếc máy bay đặc biệt này đã được các nhiếp ảnh gia chụp tại căn cứ Căn cứ không quân thủy quân lục chiến Iwakuni ở tỉnh Yamaguchi, Nhật Bản.

Chiếc F-35B với biểu tượng con dơi trên lưng.

Chiếc F-35B với biểu tượng con dơi trên lưng.

Chiếc F-35 với biểu tượng “Dơi”

Theo các nhiếp ảnh gia, chiếc F-35B này có số sê-ri 169623, mang mã hiệu riêng DT-01. Trước đó, vào ngày 13/6, những bức ảnh chính thức của thủy quân lục chiến Mỹ về chiếc máy bay phản lực này cũng đã được công bố, mặc dù các dấu hiệu “dơi” chỉ được nhìn thấy ở khoảng cách xa, với rất ít chi tiết có thể nhìn thấy. Sự kiện này là chuyến bay cuối cùng của sĩ quan chỉ huy phi đội VMFA-242, trung tá Alexander Mellman tại Iwakuni.

Mellman đã thực hiện chuyến bay cuối cùng của mình sau 20 năm phục vụ trong Thủy quân Lục chiến Mỹ. Theo trang Facebook của phi đội, sĩ quan chỉ huy mới của phi đội “Dơi” 242 là trung tá Patrick D. Bergman.

Là một phần của phi đoàn máy bay thủy quân Lục chiến số 1, VMFA-242 là phi đội F-35B thứ hai của thủy quân lục chiến Mỹ được đưa vào hoạt động từ tháng 9/2021. Các máy bay F-35B đã thay thế cho các máy bay F/A-18D Hornets trước đó. Với vị trí đóng quân tại Nhật Bản, vì vậy đây là một trong những phi đội chiến đấu tiên phong của quân đội Mỹ.

Máy bay F-35B số sê-ri 169623 với biểu tượng con dơi trong chuyến bay tại căn cứ không quân thủy quân Lục chiến Iwakuni, Nhật Bản, 11/6.

Máy bay F-35B số sê-ri 169623 với biểu tượng con dơi trong chuyến bay tại căn cứ không quân thủy quân Lục chiến Iwakuni, Nhật Bản, 11/6.

Không rõ Phi đội 242 đã lên kế hoạch cho phù hiệu con dơi trong bao lâu, nhưng đây là lần trang trí quy mô nhất từng được nhìn thấy trên một chiếc F-35 đang trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu tại tiền tuyến.

Các máy bay F-35 khác của thủy quân lục chiến và hải quân Mỹ, đặc biệt là các đơn vị “soái hạm” cũng từng sử dụng những mảng màu sắc bắt mắt để trang trí, nhưng những dấu hiệu này thường bị hạn chế về kích thước và phạm vi.

Ảnh hưởng của những biểu tượng trên máy bay chiến đấu

Các máy bay chiến đấu thường sử dụng màu sắc đơn điệu để tăng khả năng tàng hình khi hoạt động, tuy nhiên các phi công vẫn muốn tạo nhưng dấu ấn đặc biệt lên chiếc máy bay của mình. Các phi công Mỹ thường sử dụng những chữ có màu nổi bật để trang trí trên máy bay, nhằm tạo dấu ấn riêng và giúp nâng cao tinh thần chiến đấu.

Bên ngoài quân đội Mỹ, một số quốc gia đang sử dụng F-35 đã lựa chọn quốc kỳ với nhiều màu sắc để tạo dấu ấn, mặc dù nhìn chung có kích thước nhỏ, nhưng vẫn là sự tùy ý của người trang trí chứ không phải là một dạng tiêu chuẩn.

Một chiếc F-35 mang các ký hiệu không theo tiêu chuẩn.

Một chiếc F-35 mang các ký hiệu không theo tiêu chuẩn.

Các chuyên gia cho biết, lớp phủ vật liệu hấp thụ radar (RAM) của F-35 đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu sự phát hiện của các loại radar, đặc biệt là radar liên quan đến kiểm soát hỏa lực. Chính vì lý do này mà bề mặt của máy bay rất hạn chế việc trang trí những dấu hiệu đặc biệt, không theo tiêu chuẩn.

Con dơi lớn được vẽ trên chiếc F-35 có sê-ri 169623 chắc chắn sẽ làm tăng khả năng nhận diện của máy bay khi có tình huống chiến đấu xảy ra, đặc biệt là trong một cuộc xung đột lớn. Các họa tiết vẫn có thể ảnh hưởng đến lớp phủ RAM, mặc dù nó sẽ không làm giảm bất kỳ đặc điểm tàng hình nào khác của máy bay, bao gồm cấu trúc tổng hợp và các cạnh được căn chỉnh cẩn thận, cùng các đường viền được thiết kế riêng để giảm thiểu sự phát hiện của radar của đối phương.

Các chuyên gia của The War Zone đang liên hệ với thủy quân lục chiến Mỹ để tìm hiểu thêm về việc sử dụng họa tiết con dơi trên chiếc F-35B này và liệu điều đó có ảnh hưởng gì đến cách vận hành máy bay hay không.

Hai máy bay F-35A của Mỹ mô phỏng máy bay J-20 Trung Quốc.

Hai máy bay F-35A của Mỹ mô phỏng máy bay J-20 Trung Quốc.

Quân đội Mỹ cũng đã sử dụng một số máy bay F-35A với màu sắc khác để mô phỏng máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc, những chiếc chiến đấu cơ này thuộc phi đội xâm lược số 65 (AGRS), đơn vị chuyên phục vụ cho huấn luyện chiến đấu.

Các chuyên gia The War Zone cũng đã xem xét những chương trình F-35 không theo tiêu chuẩn khác, được sử dụng những lớp phủ radar đặc biệt. Một số chiếc F-35, tùy thuộc vào góc nhìn, trông giống như những chiếc gương. Các lớp phủ tương tự cũng đã xuất hiện trên F-22 và F-117, mặc dù mục đích chính xác vẫn chưa được biết, nhưng có vẻ như chúng liên quan đến việc giảm tín hiệu hồng ngoại để giúp che giấu máy bay khỏi các hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST) của đối phương.

Gạt những thắc mắc trên sang một bên, sẽ rất thú vị nếu như có những đơn vị thủy quân lục chiến hoặc không quân Mỹ khác sử dụng F-35 và thực hiện theo cách làm của đơn vị VMFA-242 "Dơi".

Lê Hưng (Nguồn: The War Zone)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/xuat-hien-bieu-tuong-doi-khong-lo-tren-lung-chiec-f-35b-my-ar880880.html