Xuất hiện đào rừng dán tem truy xuất nguồn gốc trên phố Hà Nội
Hàng chục cành đào rừng được dán tem nguồn gốc ở huyện Vân Hồ (Sơn La) đầu tiên đã có mặt tại Hà Nội để phục vụ người dân chơi Tết.
Nhiều ngày sau quyết định cấm chặt phá đào rừng để chơi Tết và yêu cầu tăng cường công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng dịp tết Nguyên đán Tân Sửu, đã có hàng vạn cành đào rừng dám tem truy xuất nguồn gốc xuất hiện trên các con phố ở Hà Nội, nhiều nhất là trên đường Lạc Long Quân.
Những cành đào đầu tiên ở vùng cao được gắn tem “đào Vân Hồ” để xác nhận là đào trồng, không phải đào rừng đã được bày bán tại đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) để người dân thủ đô mua đón Tết Nguyên đán sớm.
Theo ghi nhận của PV, trong chiều 23/1, tại ngã tư Lạc Long Quân - Nguyễn Hoàng Tôn (Tây Hồ), có khoảng 20 gốc và cành đào được trồng ở vùng cao đã được bày bán tại đây. Tất cả các cành đào đều được dán tem.
Theo chủ nhân của số đào trên cho biết, đào được mua từ một hộ dân trồng đào tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La). Ngay sau khi đào được khai thác, chính quyền địa phương đến nhà dân để xác nhận đây chính xác là đào của dân trồng sau đó cấp lượng tem tương ứng để dán vào các cành đào, vì theo quy định mới của Thủ tướng Chính phủ, người dân không được chặt và buôn bán đào rừng.
Các tem có chữ "Đào Vân Hồ" được dán trên các cành cây.
Hiện tại, có khoảng 20 gốc và cành đào đang được bày bán trên đường Lạc Long Quân và tất cả đều được dán mẫu tem có nội dung: "Đào Vân Hồ"
Những gốc đào này đa số là đào phai, cao khoảng 2 – 3m, bán kính rộng từ 1,5 – 2m. Thân cây khúc khuỷu, có nhiều lớp địa y rêu xanh, chưa ra nhiều hoa và được người bán giới thiệu có tuổi thọ từ 5 – 15 năm tùy cây.
Trước đó, phát biểu tại hội nghị của ngành nông nghiệp chiều 24/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cấm việc chặt hoa đào, các loại cây khác của núi rừng nhất là núi rừng Tây Bắc mang về Hà Nội bán dịp Tết để giữ gìn nét đẹp nông thôn, miền núi.
Về việc khai thác đào rừng trồng bán vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, ngày 18/1, Bộ NN-PTNT đã có công văn yêu cầu các địa phương tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo một số người dân xem đào tại đây cho rằng, mọi người đều ủng hộ việc kiểm soát, buôn bán đào rừng để góp phần bảo vệ rừng: "Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc chính quyền tăng kiểm soát về buôn bán đào rừng để góp phần bảo vệ rừng. Nếu không kiểm soát thì việc chặt phá ồ ạt đào rừng để bán dịp Tết là vô cùng lãng phí, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường”.
Đào rừng được rao bán với mức giá trung bình từ 3 - 15 triệu đồng/cây, thậm chí có cây “khủng” giá khoảng 27 triệu đồng/cây. Ghi nhận tại đây, các gốc, cành cây đang được bán với giá dao động từ 500 nghìn đến 5 triệu đồng cho 1 cành, tùy cành to nhỏ.
Rất nhiều bông hoa đào rừng đã nở với 5 cánh hoa trên cành cây xù xì. Theo như chia sẻ của chủ nhân số đào này cho hay, hôm nay hoa đào mới nở, cũng bởi vì ở trên miền cao không khí, nhiệt độ khá lạnh nên hoa đào nở hoa chậm. Mới chỉ đưa xuống đây vài ngày, không khí ấm hơn nên các hoa đã bắt đầu nở.
Nhiều người dân thích thú với chất hoang dại lạ lùng được trồng tự nhiên trên miền cao này. Được biết, đào rừng 5 cánh hoa khi đã nở có thể duy trì trên 10 ngày.