Xuất hiện 'khắc tinh' của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng
Các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi và chuyên nghiệp, trong đó chủ yếu qua phương thức tài khoản ngân hàng gây thiệt hại đến 390.000 tỉ đồng năm 2023, tương đương với 3,6% GDP.
Thông tin trên vừa được ông Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đưa ra tại Hội nghị “Triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN” về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức.
Thủ đoạn chiếm đoạt tài khoản ngân hàng ngày càng tinh vi
Tại đây, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết: Hiện nay, hoạt động của loại tội phạm mạng nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng diễn ra vô cùng phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội. Các đối tượng lừa đảo có rất nhiều thủ đoạn tinh vi, lợi dụng công nghệ deepfake để tiến hành các thủ đoạn, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết: Hiện các tổ chức tín dụng, trung tâm trung gian thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai công nghệ anti-deepfake để chống các đối tượng lừa đảo giả mạo khách hàng với mục đích chiếm đoạt tài sản. Đồng thời cần đảm bảo khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong chip của thẻ CCCD của khách hàng do cơ quan công an cấp.
Ông Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội nhấn mạnh: "Tội phạm lừa đảo trên không gian mạng hiện nay thực hiện các thủ đoạn hết sức tinh vi, chuyên nghiệp. Tập trung lừa đảo chủ yếu qua phương thức tài khoản ngân hàng gây thiệt hại nặng nề".
Do đó, ông Vũ Văn Tấn đề nghị các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh hoạt động làm sạch dữ liệu, đối chiếu thông tin khách hàng mở tài khoản thanh toán. Đồng thời rà soát các tài khoản ngân hàng có giao dịch dấu hiệu đáng ngờ, .
Ngân hàng ráo riết làm sạch dữ liệu khách hàng
Theo Quyết định 2345 của NHNN, kể từ ngày 1-7 tới đây, tất cả các khách hàng cá nhân khi thực hiện giao dịch có giá trị lớn và giao dịch liên ngân hàng ra nước ngoài đều yêu cầu phải xác thực với dấu hiệu sinh trắc học bằng vân tay hoặc khuôn mặt.
Cụ thể, một giao dịch chuyển tiền ngân hàng trong nước, nộp tiền vào ví điện tử có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền, thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu đồng, chủ tài khoản bắt buộc phải được xác thực bằng sinh trắc học.
Để thực thi quyết định 2345 của NHNN, hiện một số ngân hàng đang tiến hành làm sạch dữ liệu khách hàng. Đơn như như tại TPBank, khách hàng có thể dễ dàng cập nhật dữ liệu sinh trắc học của mình ở bất cứ đâu vì có tới 3 hình thức lựa chọn: qua App TPBank, điểm giao dịch tự động LiveBank 24/7 và tại quầy giao dịch của ngân hàng.
Được biết, chủ tài khoản ngân hàng chỉ mất khoảng 3 phút cho lần đăng ký đầu tiên và mỗi giao dịch cần xác thực chỉ tốn thêm thời gian tương đương một “cái chớp mắt”. Từ đó một lớp bảo vệ nâng cao đã được thiết lập cho giao dịch của khách hàng.
Hay như tại Agribank, nhằm đáp ứng yêu cầu của Quyết định 2345, nhà băng này đang triển khai giải pháp thu thập dữ liệu sinh trắc học và dữ liệu tích hợp trong thẻ CCCD gắn chip đối với khách hàng. Đồng thời tiến hành đối chiếu dữ liệu sinh trắc học thu thập được với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia do Bộ Công an quản lý. Và rà soát dữ liệu của khách hàng hiện hữu, cập nhật và làm sạch dữ liệu của khách hàng nhằm ngăn chặn rủi ro gian lận...
Cần giải pháp đồng bộ
Nói về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai quyết định 2345, ông Trần Công Huỳnh Lân – Chủ nhiệm Ủy ban Công nghệ Hiệp hội Ngân hàng nêu quan điểm: "Trong quá trình thực hiện, việc áp dụng công nghệ NFC để đọc dữ liệu từ CCCD gắn chip còn gặp nhiều khó khăn do thiết bị của nhiều khách hàng chưa hỗ trợ NFC. Các tổ chức tín dụng cũng phải đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chi phí dịch vụ xác thực, chi phí vận hành...".
THÙY LINH