Xuất hiện nhiều ổ dịch tả lợn châu Phi ở Quảng Ngãi
Ngay sau khi có thông tin xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, ngành chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Trong 2 ngày (9 – 10.7), trên địa bàn phường Trương Quang Trọng, tỉnh Quảng Ngãi chính quyền địa phương đã ghi nhận 10 ổ dịch nghi là tả lợn Châu Phi, chủ yếu tập trung tại các hộ gia đình chăn nuôi heo trên địa bàn tổ dân phố Độc Lập 1, phường Trương Quang Trọng.
Sau khi phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành xét nghiệm và kết quả cho thấy mẫu bệnh phẩm dương tính với bệnh dịch tả heo Châu Phi, địa phương đang khẩn trương tiêu hủy heo mắc bệnh theo quy định.

Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy heo bị dịch bệnh
Tính đến ngày 11.7, địa phương đã tiêu hủy hơn 140 con heo, với tổng trọng lượng lên đến hơn 4 tấn. Đồng thời, tiến hành tiêu độc, khử trùng để dịch không lây lan. UBND phường Trương Quang Trọng cũng đang tăng cường công tác thông tin về dịch tả lợn châu Phi để người dân trên địa bàn nắm rõ và chủ động có các biện pháp phòng dịch.
UBND xã Sơn Tịnh cũng thông tin về tình hình dịch tả lợn châu Phi tại 23 hộ dân trên địa bàn, với tổng khối lượng lợn tiêu hủy trên 7 tấn.
Ông Đặng Xuân Trung, Chủ tịch UBND xã Sơn Tịnh cho biết, ngay sau khi xác định lợn chết do dịch tả lợn châu Phi, chính quyền địa phương đã tiến hành tiêu hủy và thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch.
Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ, các cơ quan chức năng phối hợp với trưởng thôn, cung cấp các loại thuốc tiêu độc, khử trùng và hướng dẫn cho người dân tự tiêu hủy lợn. Đối với các đàn lớn, UBND xã thuê xe và nhân lực vận chuyển đến các vị trí xa khu dân cư để tiêu hủy theo quy định.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh rất phức tạp, có xu hướng lan rộng, song xã không có cán bộ, công chức có chuyên môn thú y nên công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn.
“UBND xã đã báo cáo Sở NN&MT để xin thêm vật tư như thuốc khử trùng. Đồng thời, cử cán bộ thú y xuống hỗ trợ địa phương trong công tác phòng dịch. Chúng tôi đã tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân vệ sinh chuồng trại, phun độc khử trùng để phòng dịch, không tự ý bán chạy lợn bệnh, lợn chết.
Đặc biệt, tuyên truyền cho 14 cơ sở giết mổ trên địa bàn không được giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn bị bệnh chết không rõ nguyên nhân và không rõ nguồn gốc”, ông Trung cho hay.