Xuất hiện sâu keo mùa thu hại bắp

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra bắp trồng tại xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) bị sâu keo mùa thu tàn phá - Ảnh: LÊ TRÂM

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phát hiện sâu keo mùa thu gây hại bắp tại các huyện Đồng Xuân, Tây Hòa, Phú Hòa, Đông Hòa, Tuy An và Sông Hinh. Đây là loại sâu mới xâm nhập, gây hại nặng cho bắp và nhiều loại cây trồng, nên ngành Nông nghiệp triển khai biện pháp tiêu diệt nhanh, ngăn chặn sự lây lan gây hại.

Gây hại cả bắp non và bắp già

Tại huyện Đồng Xuân, sâu keo mùa thu xuất hiện gây hại 13ha bắp, tập trung tại các xã Xuân Sơn Bắc, Xuân Sơn Nam, Xuân Quang 1. Ông Bùi Văn Long, nông dân trồng bắp ở xã Xuân Sơn Bắc cho hay: Tôi trồng 1.000m2 bắp, sâu xuất hiện cắn nát đọt. Tôi chưa từng thấy con sâu nào cắn tàn phá bắp như loại sâu này. Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đồng Xuân kiểm tra nhận định đây là sâu keo mùa thu và hướng dẫn cách phòng trừ. Tôi phun 3 lần thuốc, sâu có giảm nhưng vẫn còn lượng lớn cắn phá.

Cạnh đó, đám bắp của bà Phan Thị Hiền bị sâu keo mùa thu tấn công đành cày phá bỏ. “Đám bắp nhà tôi vừa ra 6-7 lá non, sâu keo mùa thu xuất hiện ăn như bò gặm cỏ, tôi đành phá bỏ, gieo đậu xanh”, bà Hiền nói.

Ông Bùi Văn Tứ, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đồng Xuân cho hay: Hầu hết diện tích bắp trên địa bàn huyện, đặc biệt là giống bắp đỏ đều bị sâu keo mùa thu gây hại. Trạm hướng dẫn nông dân phun trừ, tuy nhiên đối với bắp nhỏ 6-7 lá thì việc phun trừ hiệu quả, còn bắp lớn gần trổ cờ thì khó tiêu diệt loại sâu này.

Còn tại huyện Tuy An, qua kiểm tra của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện thì sâu keo mùa thu gây hại 32ha bắp ven sông Cái thuộc các xã An Định, An Dân. Ông Phan Văn Long, nông dân trồng bắp ở vùng soi thôn Định Trung 2 (xã An Định) lo lắng: Bắp nhà tôi trồng chưa được tháng tuổi đã bị sâu cắn trụi lá. Nửa buổi sáng, tôi ra soi vạch trên lá không thấy sâu nhưng khi moi dưới gốc thì thấy sâu chui ẩn nấp dưới lớp đất cục.

Ông Nguyễn Tuấn Luân, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tuy An cho biết: Khi phát hiện sâu keo mùa thu, Trạm tổ chức đi thực tế hướng dẫn nông dân phòng trừ. Qua kiểm tra, quan sát kỹ trên ruộng bắp già thì dưới nách lá nằm rất nhiều sâu, chứng tỏ mật độ sâu xuất hiện rất dày.

Tiêu diệt nhanh

Tại các huyện Phú Hòa, Đông Hòa và Sông Hinh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng đã phát hiện sâu keo mùa thu gây hại bắp. Ông Nguyễn Minh ở xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) chia sẻ: Đám bắp nhà tôi xuất hiện sâu keo mùa thu, tôi phun thuốc diệt lứa trứng này lại nở ra lứa trứng khác, rất khó phòng trừ.

Theo nhận định của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, khác với các loài từng gây hại trước đây, sức ăn của sâu keo mùa thu rất mạnh, một cá thể sâu trưởng thành có thể ăn hết phần ngọn cây bắp trong vài ngày. Sâu tuổi nhỏ thường tập trung nhiều cá thể trên một cây với mật độ từ 4-8 con/m2.

Cây bắp nếu đã bị sâu này gây hại thì rất khó phục hồi, vì chúng thường cắn đứt ngọn. Giải pháp phòng trừ, phun thuốc đặc trị: HOPSAN 75EC được pha theo liều lượng 30-40ml/10 lít nước hoặc WELLOF 330 EC với hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl, Fipronil pha theo liều lượng 30ml/10 lít nước giúp tiêu diệt nhanh sâu keo mùa thu.

Ông Nguyễn Xuân Lãm, Trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật nội địa (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) cho biết: Qua tổng điều tra, sâu keo mùa thu đã xuất hiện, gây hại trên bắp mới gieo, bắp non tại các huyện Đồng Xuân, Tây Hòa, Phú Hòa, Đông Hòa, Tuy An và Sông Hinh với diện tích trên 56,3ha, mật độ 2-8 con/m2, tuổi sâu phổ biến 2-4 tuần tuổi. Trạm Kiểm dịch thực vật nội địa phối hợp với các địa phương tiến hành thống kê cụ thể diện tích bị hại theo từng mức độ, qua đó tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu keo mùa thu.

Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, theo ghi nhận của Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung thì sâu keo mùa thu gây hại trên cây bắp với diện tích nhiễm hơn 1.900ha. Tại Phú Yên, đầu tháng 6 vừa qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phát hiện sâu keo mùa thu gây hại bắp. Sở NN-PTNT đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với phòng chuyên môn các địa phương nhanh chóng xác định vùng gây hại của sâu keo mùa thu hại bắp ở các huyện để có biện pháp quản lý phòng trừ kịp thời và hiệu quả.

Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/222838/xuat-hien-sau-keo-mua-thu-hai-bap.html