Xuất hiện tội phạm ma túy liên quốc tế với thủ đoạn vô cùng tinh vi thời 4.0
Lợi dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các tổ chức tội phạm sử dụng mạng internet để điều hành đường dây vận chuyển ma túy. Đặc biệt, mối liên hệ giữa ma túy, tội phạm và khủng bố ngày càng trở thành một hiện tượng đáng lo ngại.
Xuất hiện hàng trăm loại ma túy mới
Theo đánh giá của Cơ quan kiểm soát ma túy và tội phạm - Liên hợp quốc, tình hình ma túy trên thế giới và khu vực Đông Nam Á tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và gia tăng. Nhiều loại ma túy mới xuất hiện, không thuộc danh mục kiểm soát của 3 Công ước quốc tế về ma túy.
Ngày càng xuất hiện nhiều và đa dạng các tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia là người Trung Quốc, Đài Loan, Nam Mỹ, Tây Phi… tham gia sản xuất và vận chuyển ma túy từ châu Phi, Nam Mỹ hoặc Trung Đông vào khu vực với nhiều phương thức, thủ đoạn mới.
Lợi dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các tổ chức tội phạm sử dụng mạng internet để điều hành đường dây vận chuyển ma túy.
Đặc biệt, mối liên hệ giữa ma túy, tội phạm và khủng bố ngày càng trở thành một hiện tượng đáng lo ngại. Thế giới cũng đang chứng kiến xu hướng một số nước kêu gọi điều chỉnh chính sách kiểm soát ma túy toàn cầu, theo hướng hợp pháp hóa sử dụng một số chất ma túy.
Ở trong nước, do chịu tác động của tình hình ma túy trên thế giới và trong khu vực, trực tiếp là khu vực “Tam giác vàng”, tình hình tội phạm ma túy trong giai đoạn này tiếp tục diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.
Nguồn ma túy chủ yếu từ nước ngoài được mua bán, vận chuyển trái phép với số lượng ngày càng lớn về Việt Nam tiêu thụ, hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba, tập trung trên một số tuyến đường bộ, đường biển và đường hàng không…
Tội phạm ma túy ngày càng manh động, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, hầu hết được trang bị vũ khí nóng, cấu kết chặt chẽ với các đối tượng truy nã, đối tượng người nước ngoài, lập nên các đường dây, tổ chức tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, quốc tế. Tội phạm về ma túy thường liên kết với các loại tội phạm khác, nhất là tội phạm về hình sự, kinh tế, buôn lậu.
Tình hình mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp, nhất là ma túy tổng hợp dạng “đá” tăng mạnh.
Số lượng ma túy tổng hợp thu giữ trong năm 2018 tăng gấp 30 lần so với năm 2008. Đáng chú ý, kể từ năm 2006 đến nay đã phát hiện 35 vụ sản xuất ma túy tổng hợp từ các loại tân dược có chứa tiền chất.
Điển hình là vụ sản xuất trái phép ma túy với quy mô lớn tại TP. HCM do Văn Kính Dương cầm đầu và ở Kon Tum do các đối tượng quốc tịch Trung Quốc cầm đầu; vụ sản xuất ma túy từ thuốc thú y ở Hà Nội, Lạng Sơn...
Các loại ma túy mới xuất hiện ngày càng đa dạng với các tên gọi khác nhau như: cỏ Mỹ, tem giấy, nấm thức thần, nước xoài, nước vui, đông trùng… không chỉ ở các thành phố lớn mà còn lan rộng ra các vùng nông thôn.
Trong 15 năm qua, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ trên 30 chất ma túy mới chưa có trong danh mục quản lý của Chính phủ.
Xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp tăng nhanh, đang dần thay thế thuốc phiện, heroin. Ước tính khoảng 40-50% người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp. Một số địa phương phía Nam, người sử dụng ma túy tổng hợp chiếm tỉ lệ trên 80%.
Đáng lo ngại là một bộ phận giới trẻ chưa nhận thức được tác hại của ma túy, cho rằng sử dụng ma túy tổng hợp không gây nghiện, sử dụng ma túy tổng hợp là thời thượng, sành điệu.
Điều này không chỉ là tệ nạn xã hội mà còn gây rối loạn tâm thần (ngáo đá), dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng, các vụ án giết người, gây lo lắng, bất an trong xã hội
Nhiệm vụ then chốt trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy
Xây dựng lực lượng là công tác then chốt có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của cuộc đấu tranh chống tội phạm về ma túy. Ngày 2/3/2005, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C17). Ngày 29/9/2006, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã ký 6 Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của mình 6 đơn vị cấp Phòng thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy.
Nhằm hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy theo quy định của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy; Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, thuộc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tiếp đó, tháng 6/2014, Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định về việc thành lập mô hình, tổ chức bộ máy mới; theo đó, Văn Phòng thường trực phòng, chống ma túy (C56) sáp nhập vào Cục Tham mưu Cảnh sát (C42), thành lập Phòng Thường trực Chương trình quốc gia phòng, chống ma túy (Phòng 8/C42); hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy trở thành một bộ phận thuộc Phòng hợp tác quốc tế (Phòng 2/C42), tổ chức lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy ở cấp Cục đã có những thay đổi.
Sau 30 năm đổi mới và yêu cầu thực tiễn, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vào tháng 1/2016 xác định mục tiêu “tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, đây là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2021, đặt ra yêu cầu mới trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự.
Trước yêu cầu xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tứng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 15/3/2018 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đặc biệt, ngày 6/8/2018, Bộ Công an triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy mới theo Nghị định số 01/NĐ-CP của Chính phủ, bố trí lực lượng Công an theo hệ thống bốn cấp; sắp xếp đội ngũ cán bộ đảm bảo yêu cầu “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Theo đó, mô hình tổ chức của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy có nhiều thay đổi để đáp ứng yêu cầu.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định số 3994/QĐ-BCA-X01 về việc thành lập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy với mô hình tổ chức gồm các Phòng Tham mưu, Phòng Chính trị - hậu cần, Văn phòng Thường trực phòng chống ma túy và hợp tác quốc tế và 6 Phòng trinh sát, 1 Phòng điều tra). Đối với mô hình tổ chức của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an các địa phương chỉ có từ 3 - 4 đội. Đồng thời, quá trình triển khai mô hình Công an bốn cấp, nhiều lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tăng cường từ Bộ xuống tỉnh, từ tỉnh xuống huyện đã tăng cường lực lượng xuyên suốt từ Trung ương tới cơ sở.