Xuất hiện vật thể lạ làm gián đoạn hoạt động hàng không tại Trung Quốc
Ngày 16/2, một vật thể bay chưa xác định được phát hiện tại thành phố Thạch Gia Trang, khiến sân bay địa phương phải hoãn hàng loạt chuyến.
Một nhân viên tại Sân bay Quốc tế Chính Định Thạch Gia Trang cho biết các chuyến bay đến sân bay trong khoảng thời gian 11h-13h ngày 16/2 được yêu cầu chuyển hướng tới các sân bay khác tại những thành phố lân cận do phát hiện vấn đề trong không phận sân bay.
Sau đó, hoạt động tại sân bay ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc đã khôi phục bình thường.
Nền tảng theo dõi chuyến bay Feichangzhun của Trung Quốc cũng đưa ra thông tin tương tự khi cho biết một số chuyến bay tới Thạch Gia Trang đã chuyển hướng tới các sân bay khác vào khoảng trưa ngày 16/2.
Theo một nhân viên thuộc Cơ quan quản lý khu vực Bắc Trung Quốc của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, các chuyến bay tại Sân bay Quốc tế Chính Định Thạch Gia Trang được chuyển hướng do phát hiện một vật thể bay chưa xác định trong khu vực vào ngày 16/2. Nhân viên này cũng cho biết sân bay đã khôi phục hoạt động bình thường.
Tuy giới chức địa phương chưa công bố thông tin chi tiết về vật thể bay nhưng theo Global Times, vật thể được cho là một khí cầu.
Trước đó, ngày 12/2, một vật thể bay không xác định được phát hiện gần thành phố biển Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Sự việc xảy ra giữa lúc tình hình khí cầu và các vật thể bay không xác định liên tục xuất hiện trên bầu trời Bắc Mỹ và Trung Quốc và trở thành chủ đề gây căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ - Trung quốc thời gian gần đây.
Hôm 4/2, quân đội Mỹ bắn hạ khí cầu Trung Quốc tại vùng biển ngoài khơi bang South Carolina sau khi phương tiện này di chuyển khắp lục địa Mỹ trong vài ngày. Mỹ cáo buộc đây là khí cầu do thám của Trung Quốc trong khi Bắc Kinh khẳng định đây là khí cầu dân sự được sử dụng cho nghiên cứu khí tượng và khoa học, đi lạc vào không phận của Washington do tai nạn.
Washington cáo buộc Bắc Kinh thực hiện chương trình khí cầu do thám tầm cao để thu thập thông tin tình báo, vi phạm chủ quyền của Mỹ và hơn 40 quốc gia trên khắp 5 châu lục. Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định khí cầu tầm cao của Mỹ đã bay trái phép vào không phận của Bắc Kinh hơn 10 lần từ đầu năm 2022.