Xuất khẩu bền vững sang Hàn Quốc: Ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến

Các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật tiếp tục là những trở ngại, ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc.

Hướng tới cán cân kim ngạch thương mại cân bằng

Ông Phạm Khắc Tuyên - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cho rằng, trong năm 2024 các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) của Hàn Quốc tiếp tục là những trở ngại, ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam sang thị trường này.

Thông tin cụ thể về tình hình hợp tác thương mại giữa hai nước từ đầu năm 2024 đến nay, Thương vụ Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Hàn Quốc đạt 25,1 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Hàn Quốc đạt 8,2 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 6,6% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam đến thế giới. Chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc đạt 16,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 14,7% trong tổng nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới. Nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc có giá trị 8,6 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2023.

4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nhóm hàng nông thủy sản của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt kim ngạch 425 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Ảnh minh họa

4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nhóm hàng nông thủy sản của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt kim ngạch 425 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Ảnh minh họa

Trong 4 tháng đầu năm 2024, các nhóm hàng chủ lực mà Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc là: Nhóm hàng chế biến, chế tạo (6,9 tỷ USD, tăng 11%); nhóm nông, thủy sản (425 triệu USD, tăng 15%); nhóm vật liệu xây dựng (355,2 triệu USD, tăng 11%); nhóm nhiên liệu, khoáng sản (78,4 triệu USD, giảm 17,2%)...

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc gồm: Nhóm chế biến, chế tạo (14,7 tỷ USD, tăng 8%); nhóm nông, thủy sản (142,4 triệu USD, tăng 14,1%); nhóm nhiên liệu, khoáng sản (958,1 triệu USD, giảm 18,6%); nhóm vật liệu xây dựng (697 triệu USD, giảm 0,2%).

Về đầu tư, năm 2023 Hàn Quốc vẫn duy trì vị trí là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với 9.534 dự án và tổng vốn đầu tư lũy kế đạt gần 85,87 tỷ USD, chiếm gần 18,3% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tính đến cuối tháng 4/2024, tổng vốn đầu tư đăng ký của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 87 tỷ USD và tổng số dự án còn hiệu lực là 9,957 dự án. Nếu tính cả một số dự án doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư qua nước thứ 3 của Samsung, Hyosung thì tổng vốn FDI đăng ký Hàn Quốc tại Việt Nam đạt khoảng 90 tỷ USD.

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ 22 - 24/6/2023 củaTổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Yoon Suk Yeol đã trao đổi và thống nhất các giải pháp để thúc đẩy quan hệ hai nước trong các lĩnh vực chính trị - ngoại giao - quốc phòng - an ninh, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, lao động, khoa học công nghệ, giao lưu nhân dân và các lĩnh vực hợp tác khác.

Liên quan đến hợp tác kinh tế, thương mại, lãnh đạo hai nước thống nhất triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do song phương (VKFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), qua đó hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào thời gian sớm và hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững.

Ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông

Cũng theo ông Phạm Khắc Tuyên quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa khi cả hai nước cùng tham gia và hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Hơn nữa, cơ cấu xuất nhập khẩu của hai nước có tính bổ sung rõ nét và ít có sự cạnh tranh trực tiếp.

Để xuất khẩu hàng hóa bền vững sang thị trường Hàn Quốc, Thương vụ Việt Nam tại thị trường này khuyến cáo, doanh nghiệp cần ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc

Để xuất khẩu hàng hóa bền vững sang thị trường Hàn Quốc, Thương vụ Việt Nam tại thị trường này khuyến cáo, doanh nghiệp cần ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc

Phân tích rõ hơn, Tham tán Thương mại Phạm Khắc Tuyên cho biết, thị trường Hàn Quốc hiện có xu hướng thực phẩm giản tiện thay thế bữa ăn gia đình với các sản phẩm ăn liền, dễ nấu, dễ ăn đang tăng trưởng nhanh chóng tại Hàn Quốc, nhất là 5 năm trở lại đây. Cùng đó là sự lên ngôi của sản phẩm tốt cho sức khỏe, tăng sức đề kháng như sản phẩm organic, thực phẩm dành cho người già.

Bên cạnh đó là xu hướng tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt, bảo vệ môi trường với bao bì đóng gói hạn chế sử dụng nguyên liệu từ nhựa, mô hình quản trị ESG. Và những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định, quy trình kiểm dịch.

Để sản phẩm xuất khẩu tiêu thụ tốt tại Hàn Quốc, Tham tán Phạm Khắc Tuyên khuyến nghị, ngoài chất lượng, hương vị của các sản phẩm xuất khẩu thì doanh nghiệp nước nhà cũng cần chú trọng đến các yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết.

“Có các yếu tố này, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ thuận lợi trong đàm phán và giữ chân đối tác lâu dài” - Tham tán Phạm Khắc Tuyên thông tin và khuyến nghị, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cần dành thời gian nghiên cứu, phân tích thị trường Hàn Quốc để xác định rõ sản phẩm hướng tới phân khúc tiêu dùng nào, sản phẩm cần đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (hệ thống PLS) tại thị trường Hàn Quốc.

Ngoài ra, doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam có gửi thông tin sản phẩm, nhu cầu hợp tác thương mại, đầu tư với phía Hàn Quốc một cách thường xuyên, liên tục cho Thương vụ cũng như tham dự các hội chợ, hội thảo, hội nghị online/offline do Thương vụ tổ chức để Thương vụ có cơ sở trao đổi với phía Hàn Quốc và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam một cách hiệu quả nhất.

Đáng chú ý, để xuất khẩu bền vững sang thị trường Hàn Quốc, Thương vụ đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp chú trọng đến mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Gần đây nhất, trong tháng 1/2024, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) đã tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm xoài nhập khẩu đang được bán tại thị trường Hàn Quốc, trong đó có các sản phẩm xoài xuất xứ từ Việt Nam và Philippines có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật lần lượt là 0.08 và 0.05 vượt quá mức quy định của hệ thống PLS (0.01mg/g).

Các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) của Hàn Quốc tiếp tục là những trở ngại, ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản và thực phẩm chế biến của ta” - Tham tán Thương mại Phạm Khắc Tuyên nhận định và cho rằng, để nâng cao kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần đẩy mạnh hoạt động giao lưu, hợp tác giữa các hiệp hội ngành hàng trong nước với các hiệp hội ngành hàng của Hàn Quốc cũng như với các tập đoàn phân phối như như Lotte Mart, E-Mart, Home Plus, CJ Home Shoping.... nhằm tăng cơ hội bán hàng vào hệ thống các siêu thị và kênh phân phối tại Hàn Quốc.

Tham tán Thương mại Phạm Khắc Huy khẳng định, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cam kết, luôn đồng hành, và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá, bán sản phẩm tại các các trang thương mại điện tử lớn của Hàn Quốc như Coupang, Gmarket … nhằm từng bước thâm nhập thị trường thương mại điện tử Hàn Quốc.

Hoàng Giang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuat-khau-ben-vung-sang-han-quoc-on-dinh-trong-san-xuat-an-toan-trong-che-bien-323786.html