Xuất khẩu cá ngừ sang EU tăng 28%

Lũy kế từ đầu năm 2024 đến ngày 15/8, Việt Nam xuất khẩu cá ngừ sang EU tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 133 triệu USD.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện cá ngừ đóng hộp là sản phẩm chính xuất sang EU, chiếm gần 39% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này (lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/8).

Trong những tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường EU có sự tăng giảm đan xen. Sau khi tăng trưởng liên tục từ tháng 3 đến tháng 6, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang EU đã giảm tới 14% trong tháng 7.

VASEP tổng hợp ý kiến từ các doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân của sự sụt giảm xuất khẩu cá ngừ sang EU trong tháng gần đây là do hạn ngạch ưu đãi thuế quan đang dần hết và doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn cung cá ngừ vằn có xuất xứ thuần túy ở Việt Nam (nguyên liệu chủ lực của ngành chế biến và xuất khẩu cá ngừ đóng hộp).

Ảnh: VASEP

Ảnh: VASEP

Nghị định 37/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ 19/5/2024) quy định về kích cỡ chiều dài nhỏ nhất cho phép khai thác đối với cá ngừ vằn là 0,5m. Theo VASEP, quy định này đang khiến cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ không mua được nguyên liệu cá ngừ đúng theo quy định mới. Một số doanh nghiệp cá ngừ đã dừng hoàn toàn việc thu mua nguyên liệu cá ngừ vằn khai thác trong nước do không đảm bảo kích cỡ 100% đạt 0,5m trở lên. Hầu hết các cảng cá hiện nay đã ngừng xác nhận nguyên liệu (giấy S/C) cho các lô hàng cá ngừ vằn do kích thước cá khai thác nhỏ hơn quy định của Nghị định 37.

Ảnh: VASEP

Ảnh: VASEP

Trong khi đó, tại cuộc họp bàn về một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị định số 37/2024/NĐ-CP diễn ra ngày 30/8 tại Hà Nội vừa qua, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản Việt Nam Nguyễn Khắc Bát cho rằng, nguồn lợi hải sản biển Việt Nam từ năm 2005 đến nay đã giảm trên 30%, nhất là đối với nhóm cá đáy. Đối với cá ngừ vằn, nguồn lợi đã giảm 80% giai đoạn 2000 - 2005 đến nay.

Do đó, đại diện Viện Nghiên cứu Hải sản đề xuất cần có biện pháp quản lý nguồn lợi thủy sản hiệu quả. Thế giới hiện nay không chỉ áp dụng biện pháp quản lý đầu vào mà còn cả đầu ra đối với nguồn lợi thủy sản. Quản lý đầu vào gồm cường lực khai thác, số lượng tàu thuyền, bảo tồn, kích thước khai thác.... trong khi quản lý đầu ra bao gồm quản lý thông qua hạn ngạch khai thác, tổng sản lượng khai thác cho phép…

Dương Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/xuat-khau-ca-ngu-sang-eu-tang-28-33001.html