Xuất khẩu cà phê tăng mạnh trên 17%: Hướng tới kỷ lục mới
Tình hình xuất khẩu cà phê đang tiếp tục khởi sắc khi giá cà phê trên thị trường thế giới neo ở mức cao. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam có đang có lợi thế.
Thị trường đã có nhiều đồn đoán trái chiều
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sau mức tăng mạnh kết thúc tháng 10, đóng cửa ngày 1/11, trên thị trường cà phê, giá Arabica đã quay đầu giảm mạnh 4,48% sau khi bật tăng trong phiên cuối cùng của tháng 10. Giá Robusta cũng đóng cửa thấp hơn mức tham chiếu 2,28%. Tâm lý lo ngại của giới đầu tư trước cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khiến giá biến động mạnh.
Bất chấp tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE giảm về mức 380.033 bao loại 60kg, mức thấp nhất trong 24 năm, giá cà phê vẫn quay đầu sụt giảm.
Thị trường đã có nhiều đồn đoán trái chiều về khả năng tăng lãi suất của FED trước khi cơ quan này quyết định giữ lãi suất ổn định ở mức 5,25 - 5,5% trong cuộc họp vào rạng sáng ngày 2/11 theo giờ Việt Nam.
MXV cho biết cà phê là mặt hàng không thiết yếu và chịu tác động lớn từ các biến động kinh tế vĩ mô cũng như dòng tiền trên thị trường. Điều này lý giải cho việc giá bất ngờ giảm sâu sau phiên bật tăng trước đó dù thông tin cơ bản vẫn hỗ trợ giá. Tuy nhiên, xu hướng này được dự báo sẽ không kéo dài lâu.
Cùng chung xu hướng thế giới, sáng nay trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ bất ngờ quay đầu giảm mạnh 1.200 đồng/kg, xóa đi hoàn toàn mức phục hồi trong ngày trước đó. Như vậy, giá thu mua cà phê trong nước đã giảm về mức 57.000 - 57.800 đồng/kg, theo báo Công Thương.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam tăng mạnh trên 17%
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 10/2023 đã tăng trở lại, đạt 60.000 tấn, tăng 17,7% so với tháng 9/2023, nhưng giảm 29,7% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu đạt 189 triệu USD, tăng 12,1% so với tháng 9, nhưng giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, lũy kế 10 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,313 triệu tấn, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch đạt 3,32 tỷ USD, giảm 0,2%.
Đáng chú ý, sau 7 tháng tăng liên tiếp, giá cà phê xuất khẩu trung bình trong tháng 10 quay đầu giảm, đạt 3.151 USD/tấn, giảm 4,8% so với tháng 9, nhưng vẫn tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 10 tháng năm 2023, giá cà phê xuất khẩu trung bình đạt 2.527 USD/tấn, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Việt Nam xuất khẩu cà phê đến hơn 80 quốc gia. Năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt trên 1,77 triệu tấn, với kim ngạch đạt trên 4,05 tỷ USD. Trong đó EU là thị trường tiêu thụ lớn, chiếm 38,3% trong tổng khối lượng xuất khẩu cà phê của cả nước.
Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về diện tích trồng cà phê, với hơn 700 nghìn ha (sau Brazil: 1,9 triệu ha; Indonesia: 1,2 triệu ha; các quốc gia Colombia, Ethiopia và Bờ Biển Ngà mỗi nước có trên dưới 800 nghìn ha). Tuy nhiên, nhờ năng suất cà phê của Việt Nam cao nhất thế giới, cao gấp 2,8 lần so với năng suất cà phê của Indonesia, nên Việt Nam đạt sản lượng cà phê thu hoạch hàng năm lớn thứ 2 thế giới, với 1,75-1,85 triệu tấn.
EU vẫn đang là thị trường nhập khẩu và tiêu dùng cà phê lớn nhất thế giới. Niên vụ 2022-2023 (tính từ tháng 10/2022 đến hết tháng 9/2023), EU nhập khẩu 47,5 triệu bao cà phê (mỗi bao 60 kg), tăng 3 triệu bao so với năm 2022; chiếm 40% tổng lượng cà phê nhân nhập khẩu của thế giới. Các nhà cung cấp cà phê hàng đầu cho EU gồm: Brazil chiếm 35%; Việt Nam chiếm 22%; Uganda chiếm 7%; Honduras chiếm 6%.
Đáng chú ý về thị trường, tốc độ nhập khẩu cà phê của Trung Quốc tăng bình quân hơn 25%/năm. Năm 2022, quốc gia này chi gần 50 triệu USD mua cà phê Việt Nam.
Tại Trung Quốc, cà phê hòa tan, cà phê chế biến sẵn đang chiếm thị phần lớn nhờ sự tiện lợi trong sử dụng. Đây được coi là yếu tố thuận lợi giúp các doanh nghiệp cà phê Việt Nam thúc đẩy tiêu thụ cà phê tại thị trường tỷ dân này.
Vừa qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội tiếp cận giới thiệu sản phẩm cà phê chế biến tại Hội chợ Trung Quốc - ASEAN tổ chức ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Doanh nghiệp đã tìm hiểu về thị hiếu tiêu dùng, xu hướng thị trường để xây dựng kế hoạch tiếp cận cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Hầu hết các doanh nghiệp cà phê vùng Tây Nguyên nhận định, Trung Quốc hiện đang là thị trường có nhiều tiềm năng với sức mua lớn. Tuy nhiên, đây không còn là thị trường dễ tính. Bởi người tiêu dùng quốc gia này khá khắt khe trong vấn đề phải được trải nghiệm những sản phẩm mới, sản phẩm cà phê chất lượng cao.
Nhìn nhận Trung Quốc là thị trường lớn, nhưng lại có tính cạnh tranh cao, nên các doanh nghiệp vùng Tây Nguyên đang nỗ lực đầu tư đa dạng hóa các sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chế biến, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sang thị trường tỷ dân theo hình thức chính ngạch.
Thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hướng tới các biện pháp mang tính bền vững hơn
Thời gian qua, tình trạng xuất khẩu thô với giá trị gia tăng thấp vẫn luôn là bài toán Việt Nam cần giải quyết vì sự phát triển lâu dài của ngành cà phê. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp sản xuất cà phê cần đầu tư cho khâu sản xuất, nhằm hướng tới xuất khẩu cà phê đã qua chế biến với giá trị cao, đồng thời chuyển dịch phương thức chế biến, rang xay phù hợp hơn với thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ và châu Âu.
Bên cạnh đó, định hướng phát triển cà phê đặc sản với mục tiêu xây dựng thương hiệu, từ đó khẳng định vị thế ngành cà phê Việt Nam đang nhận được sự quan tâm, thúc đẩy từ phía Nhà nước.
Theo báo Chính Phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt “Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030” với mục tiêu đến năm 2025 diện tích cà phê đặc sản của nước ta là 2% tổng diện tích, tương đương sản lượng ở mức 5.000 tấn và sẽ tăng lên tương ứng 3% và 11.000 tấn trong năm 2030.
Như vậy, xuất khẩu cà phê Việt Nam đang nhận được hỗ trợ tốt từ việc giá giao dịch và nội địa duy trì ở mức cao kỷ lục để hướng tới mục tiêu duy trì kim ngạch năm 2023 ở mức 4 tỷ USD. Đồng thời, chúng ta cần có những nhìn nhận lâu dài hơn vì sự phát triển bền vững của ngành.
Trúc Chi (t/h)