Xuất khẩu cá tra năm 2023 ước đạt 1,8 tỷ USD
Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, diện tích thả nuôi cá tra Việt Nam cả năm 2023 ước đạt 5.7000 ha, giảm 2% so với năm 2022; sản lượng khoảng 1,61 triệu tấn, tương đương năm trước.
Tính đến hết tháng 11/2023, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,7 tỷ USD, thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trung bình xuất khẩu cá tra giảm ở các thị trường chính, đặc biệt tại Mỹ và Trung Quốc đã kéo giá trị xuất khẩu cá tra xuống thấp hơn so với năm 2022. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong năm 2023 ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2022.
Tại Hội nghị Tổng kết ngành hàng cá tra năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức ngày 15/12, các đại biểu tham dự cho rằng, xuất khẩu cá tra gặp khó do tình hình bất ổn và lạm phát toàn cầu khiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cá tra có xu hướng giảm, lượng hàng tồn kho lớn.
Một số quốc gia láng giềng cũng đã phát triển sản xuất cá tra; sản phẩm cá tra của Việt Nam còn đơn điệu; sản phẩm giá trị gia tăng chiếm tỉ trọng nhỏ nên chưa tạo ra sự cạnh tranh và giá trị thương mại lớn. Doanh nghiệp sản xuất cá tra còn bị ảnh hưởng bởi công đoạn giống, nuôi thương phẩm như thức ăn chiếm tỉ trọng lớn (70-80%) trong giá thành sản xuất.
Đánh giá về tình hình năm 2024, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, thị trường cá tra đang có tín hiệu tích cực hơn ở một số thị trường như Trung Quốc, Mexico, Canada, Brazil, Anh, tín hiệu này sẽ thể hiện rõ hơn trong quý 2/2024. Dự báo, sản lượng cá tra năm 2024 tăng 2,8% so năm 2023; sản lượng thu hoạch trong quý 1 và 2/2024 vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến, xuất khẩu.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, để đạt được mục tiêu sản lượng cá tra nuôi thương phẩm đạt 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2024, các địa phương vùng ĐBSCL, nhất là 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp cùng các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cần tập trung nâng cao chất lượng cá tra giống; đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, nhiệm vụ nghiên cứu về chọn tạo các tính trạng (khả năng kháng bệnh, tỷ lệ fillet, mùi vị sản phẩm, tỷ lệ đạm, mỡ trong sản phẩm, khả năng chịu mặn…) theo nhu cầu thị trường.
Doanh nghiệp, địa phương cần áp dụng công nghệ vaccine phòng bệnh, di truyền phân tử…, từ đó nâng cao chất lượng giống cá tra.
Thứ trưởng cũng khuyến khích xây dựng chuỗi liên kết từ khâu cung ứng giống, nuôi cá tra thương phẩm đến chế biến, xuất khẩu; cắt giảm chi phí sản xuất để tăng tính cạnh tranh. Doanh nghiệp và địa phương cùng có trách nhiệm trong việc giám sát, theo dõi quá trình thực hiện sản xuất; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu - nhà máy chế biến - cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin.
Các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm có giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm theo các phân khúc thị trường khác nhau, đặc biệt quan tâm sản phẩm chế biến sẵn…, để nâng cao giá trị từ cá tra.
Cùng với mở rộng thị trường, thực hiện các quy định liên quan đến Halal, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra cần quan tâm mở rộng thị trường trong nước, hướng tới các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT và các hiệp hội ngành hàng cần chủ động, kịp thời phối hợp cơ quan thẩm quyền các quốc gia nhập khẩu và các đơn vị liên quan để xử lý các rào cản kỹ thuật; tiếp tục quan tâm, kết nối, phát triển thị trường cho sản phẩm cá tra, nhất là khối thị trường Hồi giáo và thị trường Trung Quốc...