Xuất khẩu cá tra nhiều dấu hiệu khả quan hơn trong năm 2022

'Giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long đang bật tăng mạnh sau thời gian dài ở mức thấp. Tuy nhiên, những người bán chưa được hưởng lợi từ đợt tăng giá này. Mặc dù vậy, Xuất khẩu cá tra có nhiều dấu hiệu khả quan hơn trong năm 2022.'- ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam nhận định với phóng viên TBTCVN về thị trường giá cá tra thời điểm này.

PV: Từ Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, giá cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng liên tục. Theo ông, điều gì khiến giá cá tra tăng vọt như vậy và đợt tăng này có phải là “tăng nóng”?

Ông Dương Nghĩa Quốc: Giá ca tra tăng do nhu cầu thị trường nhập khẩu cá tra của Việt Nam đang có nhu cầu lớn, trong khi nguồn nguyên liệu bị đứt gãy do dịch Covid-19. Như vậy, thị trường xuất khẩu cần trong khi nguyên liệu thiếu đã thúc đẩy giá cá tra tăng cao.

Ông Dương Nghĩa Quốc

Thực tế, dịch Covid-19 đang từng bước được kiểm soát, xuất khẩu cá tra hoạt động ổn định nên lượng hàng hóa tại các doanh nghiệp (DN) chế biến cá tra tiêu thụ mạnh trở lại. Theo dự báo đợt tăng này sẽ kéo dài. Hiện giá cá tra của DN xuất khẩu sang Mỹ với cá loại 800g - 1kg là 30.000 đồng/kg, tăng 5.000 - 6.000 đồng/kg, khoảng 20% so với tháng trước. Khi thị trường Mỹ tăng kéo theo các thị trường khác cũng tăng.

PV: Nhiều hộ chăn nuôi cho rằng họ chưa thực sự được hưởng lợi từ đợt tăng này, ông có bình luận gì?

Ông Dương Nghĩa Quốc: Đúng vậy, đợt tăng giá này, những DN vừa có vùng nuôi riêng và vùng nuôi liên kết tốt và đặc biệt là những DN xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ được tăng nhiều về giá trị và sản lượng. Nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm cá thịt trắng, trong đó có cá tra Việt Nam vào Mỹ trong năm nay tăng trưởng tốt khi thị trường Mỹ hồi phục nhanh chóng ngay sau khi chính quyền mở cửa, người dân quay lại cuộc sống và trở lại thói quen trước dịch như ăn ở nhà hàng, du lịch... Nhờ vậy, giá xuất khẩu trung bình sản phẩm cá tra phile đông lạnh Việt Nam sang Mỹ tăng liên tục kể từ quý II/2021 tới nay.

Tuy nhiên, người nuôi cá chưa được hưởng lợi bởi tính từ cuối năm 2019, khi dịch Covid-19 xảy ra, đa phần các hộ nuôi thương mại hoặc các DN chuyên làm thương mại mà không có vùng nuôi thì vẫn bị thua lỗ và chưa thể hồi phục được.

PV: Ông nhận định như thế nào về thị trường xuất khẩu cá tra năm 2022?

Ông Dương Nghĩa Quốc: Năm 2022, nhu cầu cá tra tại các thị trường sẽ tiếp tục tăng. Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do tiếp tục là đòn bẩy xúc tiến thương mại sang nhiều thị trường. Giá trung bình xuất khẩu cá tra có thể sẽ tăng nữa.

“Năm 2022, tôi tin các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ mang về kim ngạch xuất khẩu 1,7 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2021. Thậm chí, nếu ngành cá tra nâng cao chất lượng hơn nữa, áp dụng công nghệ mới, sản xuất nhiều sản phẩm gia tăng (collagen, dầu ăn từ mỡ cá, đa dạng các sản phẩm chế biến...) thì không chỉ dừng ở con số 1,7 tỷ USD mà còn cao hơn nữa”. Ông Dương Nghĩa Quốc

Với thị trường Mỹ, dự báo xuất khẩu cá tra năm 2022 sẽ tăng; thị trường châu Âu và Anh cũng được dự báo tương tự; nước Mexico, Brazil, Colombia, Nga và Ai Cập là các thị trường có thể được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022.

Với thị trường Trung Quốc, trong năm 2022 sẽ ổn định trở lại bởi sự sụt giảm mạnh về nhập khẩu cá tra vào Trung Quốc trong năm 2021 chủ yếu do Trung Quốc tăng cường kiểm soát dịch Covid-19 với thủy sản đông lạnh nhập , gây ra tình trạng đình trệ kéo dài ở các cảng nhập khẩu. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cá tra ở thị trường Trung Quốc vẫn cao. Nếu thị trường Trung Quốc được ổn định hơn trong năm 2022, thì xuất khẩu cá tra nói chung sẽ có thêm cơ hội để tăng trưởng so với năm 2021.

PV: Như vậy, thị trường cá tra trong năm 2022 có rất nhiều lợi thế cho Việt Nam, tuy nhiên, ngành hàng cá tra vẫn đang còn rất nhiều khó khăn phải đối mặt. Để đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2022 là 1,7 tỷ USD và hướng tới phát triển bền vững, thì cần có chính sách gì để hỗ trợ DN, hộ chăn nuôi nói riêng và ngành cá tra nói chung?

Ông Dương Nghĩa Quốc: Để ngành cá tra phát triển bền vững thì trước tiên cần xây dựng các chuỗi liên kết để cùng chia sẻ lợi nhuận, khi có biến động về thị trường, các hộ nuôi, các DN sẽ vượt qua được khó khăn. Thời gian vừa qua đã cho thấy rõ điều đó, khi nơi nào tổ chức liên kết chuỗi tốt thì nơi đó người nuôi và DN giảm thiểu thiệt hại hơn.

Để đạt điều này, các DN ngoài vùng nuôi của mình cần có sự liên kết với các hộ nuôi một cách chặt chẽ bởi khi có sự liên kết như vậy thì DN sẽ có kế hoạch sản xuất và chế biến từng quý, năm.. và hạn chế được sản lượng dư thừa, đồng thời giữ giá ổn định. Ngoài ra, khi liên kết thì bắt buộc hộ nuôi phải nuôi theo đúng quy chuẩn, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của từng thị trường thì mới phát triển bền vững. Ngoài ra, phải liên kết giữa DN với người nuôi, liên kết giữa DN với DN, giữa các tỉnh có sản xuất cá tra với nhau.

Tuy nhiên, tâm lý hộ nuôi ai cũng muốn liên kết nhưng DN chưa chắc đã muốn liên kết. Do đó, nhà nước nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ để gia tăng sự liên kết. Ví dụ, DN nào liên kết với hộ nuôi tốt thì sẽ được hưởng điều kiện tăng tín dụng (định mức cho vay tăng) hoặc hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại, miễn, giảm các chi phí, lãi suất… để giúp cho DN thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, cần đầu tư xây dựng hệ thống phân phối tiêu thụ thị trường nội địa 100 triệu dân để dự phòng khi bất trắc xảy ra. Thông thường, khi xuất khẩu thành công thì bỏ quên thị trường nội địa, nhưng khi xuất khẩu có vấn đề, ùn ứ, tắc nghẽn thì quay về yêu cầu thị trường nội địa “giải cứu”. Vì thế, để phát triển ngành cá tra bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công thương cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tập trung xây dựng hệ thống phân phối cho thị trương nội địa.

Ngoài ra, giống cá tra vẫn là vấn đề nóng do thời gian qua, các cơ sở sản xuất giống thua lỗ. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho cơ sở ươm nuôi giống, nuôi giống bố mẹ tập trung để phục vụ cho nhu cầu năm 2022 về sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu. Cùng với đó, cần có chính sách để ổn định giá thức ăn, vật tư đầu vào; tiếp tục hỗ trợ cho DN, các tổ hợp tác các chính sách xây dựng kênh thương mại điện tử, thích ứng với tình hình sản xuất khi dịch Covid-19 vẫn được dự báo ảnh hưởng trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn ông!

Có thể xảy ra tình trạng thiếu cá nguyên liệu trong quý I/2022

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) một số địa phương đồng bằng sông Cửu Long, trong quý I/2022, dự báo nhu cầu nhập khẩu cá tra tại nhiều thị trường lớn trên thế giới tăng so với cùng kỳ. Do đó, có thể xảy ra tình trạng thiếu cá nguyên liệu trong quý đầu năm nay.

Trước đó, trong năm 2021, đại dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp và mạnh mẽ tới sản xuất cá tra nguyên liệu của Việt Nam. Hơn nữa, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nuôi trồng cá tra; giá thức ăn, cước phí vận chuyển quốc tế, giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục trong vài năm gần đây (trong đó giá dầu tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020) ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu. Trong khi đó, giá cá tra xuất khẩu trung bình tăng không đáng kể.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2021, diện tích thả nuôi cá tra Việt Nam tương đương với năm 2020 với 5.700 ha. Sản lượng nuôi cá đạt 1,48 triệu tấn, giảm 4,5% so với năm trước. Các địa phương có diện tích thả nuôi và thu hoạch cá tra lớn nhất Việt Nam vẫn là: Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang…

Trong năm qua, diện tích treo ao vẫn chủ yếu tập trung vào các cơ sở nuôi không còn vốn để tái sản xuất do thua lỗ từ các vụ nuôi trước; ao bị sạt lở nặng không thể tiếp tục sản xuất. Bên cạnh đó, giá thức ăn liên lục tăng cao, thời tiết thay đổi thất thường, nguồn con giống đạt chất lượng ngày càng khan hiếm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất…

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xuat-khau-ca-tra-nhieu-dau-hieu-kha-quan-hon-trong-nam-2022-100537.html