Xuất khẩu cá tra 'vượt sóng' Covid-19, bật tăng trở lại
Ngay sau khi bỏ giãn cách xã hội, chuyển từ 'Zero Covid' sang thích ứng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo tinh thần của Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, hoạt động sản xuất cá tra hồi phục nhanh chóng. Xuất khẩu cá tra năm 2022 sang các thị trường nhỏ dự báo có nhiều lạc quan.
Chiều 9/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển nuôi cá tra tháng cuối năm 2021 và kế hoạch triển khai năm 2022”.
Xuất khẩu cá tra năm 2021 sẽ cán đích khoảng 1,54 tỷ USD
Tại hội nghị, ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết trong các tháng 7, 8, 9/2021, hoạt động sản xuất, chế biến cá tra xuất khẩu đã bị ngừng trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, ngay sau khi bỏ giãn cách xã hội, chuyển từ “Zero Covid” sang thích ứng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, theo tinh thần của Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, hoạt động sản xuất cá tra hồi phục nhanh chóng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến (bên trái) chủ trì cuộc họp trực tuyến. Ảnh: Phúc Nguyên
“Sản lượng nuôi trồng thủy sản cả năm ước đạt 4,75 triệu tấn, tăng khoảng 4,17% so với năm 2020. Trong đó, sản lượng cá tra đạt khoảng 1,5 triệu tấn, bằng 100% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt trên 1,5 tỷ USD dù trong các tháng 7,8,9 mọi công đoạn sản xuất, chế biến bị ngưng trệ vì Covid-19” - ông Luân chia sẻ.
Hoạt động sản xuất tại các nhà máy chế biến cơ bản đã được khôi phục. Nhờ đó, hoạt động thả nuôi đã được đẩy mạnh góp phần thực hiện kế hoạch của ngành. Kim ngạch xuất khẩu cá tra tính đến 15/11/2021 đã đạt 1,3 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm VASEPPRO, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu cá tra bắt đầu tăng trưởng trở lại sau thời gian 3 tháng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bị tê liệt vì Covid-19.
Điển hình, thị trường Mỹ chiếm 22% tỷ trọng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường, nhu cầu nhập khẩu cá tra tăng mạnh sau chiến dịch tiêm vắc-xin và gói phục hồi kinh tế của quốc gia này. Thị trường Brazil và Mexico có tăng trưởng tích cực, bù đắp sụt giảm những thị trường chủ lực như Trung Quốc, châu Âu (EU).
“Dự báo xuất khẩu cá tra năm 2021 sẽ cán đích khoảng 1,54 tỷ USD, tăng nhẹ 3% so với năm 2020 và năm 2022 sẽ phục hồi nhẹ với mức tăng khoảng 7% đạt 1,65 tỷ USD” - bà Hằng nhận định.
Không để thiếu nguyên liệu xuất khẩu cá tra năm 2022
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2022, dự kiến sản lượng cá tra thương phẩm đạt trên 1,7 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD. Tuy nhiên, Tổng cục Thủy sản cũng nhận định, do diện tích thả nuôi cá tra trong tháng 7 - 9/2021 giảm mạnh nên từ tháng 1 - 3/2022, khả năng có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến và ảnh hưởng đến kế hoạch xuất khẩu cá tra...
Trước lo ngại này, nhiều doanh nghiệp đề nghị các tỉnh hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp với cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất về quy hoạch vùng nuôi.
"Nông dân, doanh nghiệp muốn nuôi cá tra thì địa phương yêu cầu quy mô 50ha trở lên mới làm được quy hoạch. Bởi vậy, chúng tôi đề nghị Bộ NN&PTNT cùng các địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân và doanh nghiệp để nuôi và mở rộng vùng nuôi cá tra" - ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Hùng Cá, đề nghị.
Để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu năm 2022, ông Trần Đình Luân cho hay, Tổng cục Thủy sản đang đẩy mạnh chỉ đạo tổ chức sản xuất giống, vật tư đầu vào phục vụ nhu cầu thả nuôi trong tháng 12/2021 và các tháng đầu năm 2022; đẩy mạnh thả nuôi để đảm bảo nguyên liệu chế biến năm 2022. Với diện tích thả nuôi cá tra trong tháng 12/2021 ước đạt 330ha, cần khoảng 200 triệu con giống.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu Tổng cục Thủy sản cần phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp để triển khai những giải pháp đồng bộ. Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuỗi đối với các cơ sở nuôi nhỏ lẻ nhằm đảm bảo ổn định sản xuất. Đồng thời, cơ quan chức năng ở địa phương phải vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ gắn với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí và cùng có trách nhiệm trong việc giám sát, theo dõi quá trình sản xuất.