Xuất khẩu cao su Việt Nam vào EU đối mặt không ít khó khăn
Cùng với Quy định chống mất rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực vào đầu 2026 thì việc giảm thị phần xuất khẩu cao su và mức giá xuất khẩu của Việt Nam đang thấp nhất so với nhiều thị trường chủ lực khác cùng xuất khẩu vào EU đặt ra áp lực, thách thức không nhỏ với các hộ tiểu điền và doanh nghiệp Việt.

6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 693.826 tấn, trị giá 1,287 tỷ USD. Ảnh minh họa: ST
Thị phần giảm, sản lượng xuất khẩu giảm và giá giảm
Dẫn số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2024, EU đã nhập khẩu 2,3 triệu tấn cao su các loại từ thị trường ngoại khối, với trị giá 4,97 tỷ EUR (tương đương 5,18 tỷ USD), tăng 10,3% về lượng và tăng 13,2% về trị giá so với năm 2023.
Trong 5 tháng đầu năm 2025, EU cũng nhập khẩu cao su từ thị trường ngoại khối đạt 855.810 tấn, trị giá hơn 2 tỷ EUR (2,4 tỷ USD), giảm 18,1% về lượng và giảm 1,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Nêu lý do, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, nguyên nhân có thể là do giá mặt hàng này tăng cao và lượng tồn kho từ năm ngoái vẫn còn. Giá nhập khẩu cao su của EU trong 5 tháng đầu năm nay đạt bình quân 2.434 EUR/tấn, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2024.
Tiếp diễn trong 5 tháng đầu năm 2025, nhập khẩu cao su của EU từ hầu hết thị trường cung cấp chính cũng đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung cao su lớn nhất cho EU vẫn là Bờ Biển Ngà với khối lượng đạt 145.419 tấn, trị giá 305,4 triệu EUR, tuy giảm 5% về lượng, nhưng tăng 28,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024, chiếm 17% ttổng lượng cao su EU nhập khẩu từ các thị trường ngoài khối.
Việt Nam hiện đứng thứ 12 trong số các thị trường ngoại khối cung cấp cao su vào EU, với khối lượng đạt 20.105 tấn, trị giá 39,8 triệu EUR, giảm 33,4% về lượng và giảm 15,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương
Các thị trường cung cấp lớn tiếp theo là Thái Lan 115.182 tấn, Hoa Kỳ 105.139 tấn và Indonesia 80.345 tấn, giảm lần lượt là 20,4%, 8,1% và 22,7% so với cùng kỳ năm trước.
Thị phần cao su của Việt Nam trong tổng nhập khẩu cao su vào EU từ thị trường ngoại khối cũng giảm xuống còn 2,3%, từ mức 2,9% của cùng kỳ năm trước. Chưa kể, so với các đối thủ cạnh tranh khác như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, thị phần cao su của Việt Nam tại EU vẫn tương đối thấp.
Bên cạnh đó, dù rằng trong 5 tháng đầu năm 2025, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt bình quân 1.984 EUR/tấn, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2024, nhưng đây vẫn là mức giá thấp nhất trong nhóm các quốc gia xuất khẩu chủ lực vào khu vực này.

EU là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của cao su Việt Nam. Ảnh minh họa: ST
Dễ vượt “rào cản kỹ thuật” của EU, nhưng khó khăn từ nội tại
EU đã ban hành Quy định chống mất rừng (EUDR) và sẽ có hiệu lực vào đầu 2026. Trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU có mặt hàng cao su liên quan đến Quy định EUDR. Tuy nhiên, mới đây, Ủy ban châu Âu đã xếp Việt Nam vào nhóm “rủi ro thấp” về phá rừng theo EUDR.
Nhưng đối với mặt hàng cao su, bên cạnh thuận lợi nhờ đánh giá trên của Ủy ban châu Âu, thì Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, chuỗi cung ứng cao su trong nước khá phức tạp do 63% nguyên liệu được cung cấp từ các hộ tiểu điền, chỉ có 37% nguyên liệu được cung cấp từ diện tích đại điền.
Ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nêu rõ, đánh giá trên của Ủy ban châu Âu giúp giảm tần suất kiểm tra lô hàng xuất khẩu của Việt Nam xuống chỉ còn 1%, thay vì 3% hoặc 9% đối với các nhóm rủi ro cao hơn.
Lâu nay, nguồn cung cao su của Việt Nam tương đối đa dạng với hàng trăm doanh nghiệp và hơn 260.000 hộ tiểu điền. Bên cạnh đó còn có nguồn cung nhập khẩu từ Campuchia, Lào... Nhưng các hộ tiểu điền phần lớn có diện tích trồng cao su quy mô nhỏ, khó có thể trực tiếp thực hiện chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo yêu cầu của EU.
Khuyến nghị giải pháp, ông Lê Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng, để đáp ứng quy định EUDR, Việt Nam cần được triển khai đồng bộ từ đầu chuỗi cung ứng cao su, đặc biệt ở khâu các hộ tiểu điền và đại lý thu mua. Đây là những mắt xích quan trọng để cung cấp thông tin truy xuất và đảm bảo chứng minh sự hợp pháp của nguyên liệu. Nhưng các hộ tiểu điền phải đối mặt với nhiều thách thức do sản xuất còn mang tính tự phát, thiếu thông tin và chưa đủ điều kiện thực hiện truy xuất theo yêu cầu của EUDR.
Đối với các doanh nghiệp, thực tế cũng cho thấy, khả năng đáp ứng EUDR giữa các doanh nghiệp không đồng đều. Trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp nhà nước có lợi thế về truy xuất thông tin, nguồn gốc xuất xứ do chuỗi cung đơn giản và có hệ thống hỗ trợ thì các doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn hơn do phụ thuộc vào hộ tiểu điền và bản thân doanh nghiệp cũng thiếu nguồn lực đầu tư hệ thống hỗ trợ.
Theo Cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 693.826 tấn, trị giá 1,287 tỷ USD, giảm 4,6% về lượng nhưng tăng 16,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024, do giá cao hơn. Cụ thể, giá bình quân cao su xuất khẩu của Việt Nam tăng 21,85% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 1.856 USD/tấn.
Nhận định về thị trường những tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho rằng, xuất khẩu cao su được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực nhờ nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch mới. Bên cạnh đó, đà phục hồi mạnh mẽ của giá cao su trên thị trường thế giới cũng tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho ngành cao su trong thời gian tới./.