Sầu riêng Hải Nam (Trung Quốc) tăng trưởng 'thần tốc', sầu riêng Việt Nam sẽ ra sao?
Sản lượng sầu riêng tại Hải Nam (Trung Quốc) năm nay dự kiến đạt gần 2.000 tấn, cao hơn nhiều lần so với vụ thu hoạch đầu tiên vào năm 2023, điều này đang đặt ra thách thức không nhỏ cho các quốc gia xuất khẩu sầu riêng truyền thống như Việt Nam và Thái Lan.
Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sầu riêng Hải Nam đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc (nơi tiêu thụ hơn 85% sản lượng sầu riêng toàn cầu mỗi năm).
Sầu riêng Hải Nam sở hữu nhiều ưu điểm như độ chín tự nhiên, thời gian vận chuyển ngắn, cơm dày, vị ngọt và mùi hương nhẹ hơn so với sầu riêng nhập khẩu.
Tuy nhiên, ngành hàng này cũng đối mặt với không ít thách thức, bao gồm kỹ thuật canh tác chưa đồng đều, quy trình chế biến còn sơ sài và những rủi ro từ thiên tai như bão.
Đáng chú ý, Y.A một trong những doanh nghiệp tiên phong, đang tích cực áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, sử dụng phân bón hữu cơ và đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Mùa thu hoạch sầu riêng tại Hải Nam thường diễn ra từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, với các giống chủ lực là Monthong, Musang King, Kanyao và một lượng nhỏ sầu riêng gai đen.
Sản lượng sầu riêng tại Hải Nam năm nay dự kiến đạt gần 2.000 tấn, cao hơn nhiều lần so với vụ thu hoạch đầu tiên vào năm 2023.
Sự phát triển của sầu riêng Hải Nam đang đặt ra thách thức không nhỏ cho các quốc gia xuất khẩu truyền thống như Việt Nam và Thái Lan.

Dự báo xuất khẩu rau quả và sầu riêng của Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2025. Ảnh: TÚ UYÊN
Vì vậy, để duy trì vị thế cạnh tranh, các nhà xuất khẩu sầu riêng cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng và độ tươi ngon của sản phẩm.
Dù vậy, một số chuyên gia nhận định rằng sầu riêng Hải Nam khó có thể thay thế hoàn toàn hàng nhập khẩu do sự khác biệt về nguồn gốc và hương vị đặc trưng. Hơn nữa, thị trường sầu riêng Trung Quốc vẫn còn rất lớn, đủ dư địa cho cả sản phẩm nội địa và hàng nhập khẩu cùng phát triển.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, số liệu từ Cục Hải quan cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2025 đạt 3,1 tỉ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2024.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hà Lan, Đài Loan tăng trưởng tốt, nhưng mức tăng này không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm tại thị trường Trung Quốc, chủ yếu do ảnh hưởng từ việc xuất khẩu sầu riêng giảm sút.
Tuy nhiên, tín hiệu tích cực đã xuất hiện khi ngành hàng sầu riêng bắt đầu phục hồi trong tháng 6. Sự phục hồi này đến từ nhiều yếu tố như các vùng trồng trọng điểm như Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có tỉ lệ nhiễm cadimi trong đất thấp, giúp sản phẩm dễ dàng đạt chuẩn xuất khẩu.
Các doanh nghiệp cũng chủ động hơn trong việc kiểm soát chất lượng từ khâu vườn trồng, đồng thời siết chặt quy trình thu mua và đóng gói. Thêm vào đó, nguồn cung từ Thái Lan bị gián đoạn cũng tạo cơ hội cho sầu riêng Việt Nam gia tăng thị phần.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại trong nửa cuối năm 2025.
Động lực cho sự phục hồi này đến từ nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc đáp ứng tiêu chuẩn mới, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc, và chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Việc giải quyết thành công các rào cản kỹ thuật và quy định kiểm dịch thực vật mới sẽ là chìa khóa then chốt để thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng nói riêng và các mặt hàng rau quả khác nói chung sang thị trường tỉ dân này.