Xuất khẩu công nghệ: Thước đo năng lực của công nghệ Việt Nam
Việt Nam hướng tới năm 2035 đạt 100 tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu công nghệ số, vượt giá trị xuất khẩu nông nghiệp. Mục tiêu này không chỉ tham vọng mà còn là thách thức lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp công nghệ trong nước phải nỗ lực mạnh mẽ để vươn xa.
Tại phiên toàn thể diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ngày 15/1 tại Hà Nội, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, công nghệ chính là câu trả lời để Việt Nam hướng tới tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, sánh vai cường quốc 5 châu.
"Công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam một cách hiệu quả. Việt Nam, với những vấn đề của mình, chính là thị trường để sinh ra và phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Việt Nam cũng là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ từ Việt Nam đi ra toàn cầu và giải những bài toán toàn cầu", người đứng đầu Bộ TT&TT nhấn mạnh.
5 năm qua, giá trị Việt Nam trong công nghiệp công nghệ số đã tăng từ 20% lên 32%. Năm 2024, giá trị Việt Nam trong 158 tỷ USD của ngành công nghiệp công nghệ số là 32%.
Năm năm qua, số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã tăng 50%. Với 74.000 doanh nghiệp công nghệ số tại một quốc gia 100 triệu dân, Việt Nam thuộc quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số trên đầu người vào loại cao nhất trong số các nước đang phát triển. Năm 2024, doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã đạt 11,5 tỷ USD.
"Chúng ta đặt mục tiêu, đến năm 2035 doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ tiến tới con số 100 tỷ USD và vượt xuất khẩu nông nghiệp. Tức là, xuất khẩu công nghệ số Việt Nam phải cao hơn xuất khẩu nông sản Việt Nam. Đây thực sự là mục tiêu rất cao, rất thách thức đối với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Nhưng nếu chúng ta không làm được việc này thì không thể nói Việt Nam là một trung tâm khu vực và thế giới về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, như Nghị quyết 57 đã giao cho chúng ta. Xuất khẩu công nghệ chính là phép thử về công nghệ Việt Nam", Bộ trưởng TT&TT nêu.
Mới đây, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng đã truyền đi thông điệp về tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường và tự hào dân tộc" để phát huy trí tuệ Việt Nam.
Nghị quyết này xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là 3 trụ cột chính để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Trong đó, khoa học công nghệ là nền tảng, tạo ra tri thức mới và công nghệ mới. Đổi mới sáng tạo là động lực, chuyển hóa các tri thức mới, công nghệ mới thành ý tưởng mới, giải pháp mới. Nó là "cây gậy thần" để biến các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm mới, dịch vụ mới, quy trình mới, tạo ra các giá trị thực tiễn để phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, lần đầu tiên, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nằm chung trong một Nghị quyết của Bộ Chính trị, và sẽ nằm chung trong một Bộ hợp nhất của hai Bộ KH&CN và TT&TT.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, sự liên thông và không thể tách rời của bộ 3 này sẽ tạo động lực mới mang tính đột phá và cách mạng cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên môi trường số.
Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI do Bộ TT&TT tổ chức có chủ đề: "Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam", Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo.
Mục tiêu của sự kiện là đưa ra những chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, nhằm làm chủ công nghệ số, công nghệ chiến lược; đề xuất nhận nhiệm vụ chiến lược triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.