Xuất khẩu da giày đón cơ hội tăng trưởng trong EVFTA
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất đối với sản phẩm túi, ví, cặp, va li, giày bảo hộ và giày thể thao sẽ lập tức về 0%, trong khi giày dép da sẽ giảm từ mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi thông thường (Most Favoured Nation - MFN) là 12,5% về 0% theo lộ trình 3 - 7 năm.
Ngày 8/6/2020, dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Sau khi Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định được ban hành, hai bên sẽ thống nhất về thời điểm có hiệu lực của EVFTA, thường là ngày đầu tiên của tháng thứ 2 sau khi Quốc hội phê chuẩn. Nếu đúng theo kế hoạch này, EVFTA sẽ có hiệu lực từ 1/8/2020.
Hơn ai hết, các doanh nghiệp đang là những người mong chờ nhất khoảnh khắc này. Trong câu chuyện về lợi ích mà EVFTA mang lại, cùng với dệt may thì da giày là một trong những ngành được nhắc đến rất nhiều bởi ý nghĩa to lớn của Hiệp định này đối với tăng trưởng xuất khẩu da giày.
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách đạt 22 tỷ USD. Trong đó, riêng xuất khẩu sang EU đạt 5,65 tỷ USD, trở thành thị trường xuất khẩu da giầy lớn thứ 2 của ta.
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất đối với sản phẩm túi, ví, cặp, va li, giày bảo hộ và giày thể thao sẽ lập tức về 0%, trong khi giày dép da sẽ giảm từ mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi thông thường (Most Favoured Nation - MFN) là 12,5% về 0% theo lộ trình 3 - 7 năm.
Với những ưu đãi này, dự báo mức tăng trưởng xuất khẩu sang EU của ngành da giày - túi xách sẽ tăng từ 8 - 10% trong 5 năm đầu tiên, giúp kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành tăng thêm khoảng 3%/năm.
Để được hưởng thuế suất ưu đãi theo cam kết trong EVFTA, sản phẩm da giày xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, bao gồm quy định hàm lượng giá trị khu vực (Regional Value content - RVC) trong nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản phẩm.
Cụ thể, hàm lượng xuất xứ nguyên phụ liệu nhập khẩu trong sản phẩm không quá 50%, trong đó được phép cộng gộp tỷ lệ xuất xứ đối với nguyên phụ liệu nhập khẩu từ các nước đang hoặc sẽ có FTA với EU (như Hàn Quốc, Nhật Bản).
Thực tế, từ năm 2014, Việt Nam đã nằm trong danh sách các quốc gia được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (Generalized System of Preferences - GSP). Quy tắc xuất xứ mà EVFTA đưa ra khá tương tự với GSP, ngoại trừ số ít mặt hàng liên quan đến việc nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra của một số mã hàng cần phải khác nhau ở cấp độ 4 số và một số loại có quy định riêng về đế giày và mũ giày.
Do đó, doanh nghiệp đã có thể xuất khẩu vào thị trường EU theo ưu đãi thuế quan GSP có thể hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu để tận hưởng ưu đãi trong EVFTA. Thậm chí, việc EVFTA cho phép áp dụng quy tắc cộng gộp tỷ lệ xuất xứ sẽ còn tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp sản xuất, giúp “ngành da giày Việt Nam được chắp thêm “cánh” cho lộ trình nâng cấp sản phẩm khi sử dụng nguyên vật liệu từ Hàn Quốc”, theo nhận định của ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ Tịch Hiệp Hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cũng lưu ý, nếu sản phẩm nào không đáp được yêu cẩu về xuất xứ theo quy định của EVFTA, sẽ phải chịu mức thuế MFN, cao hơn nhiều so với mức GSP mà Việt Nam được hưởng suốt 6 năm qua.
Do đó, về dài hạn, công nghiệp hỗ trợ nội địa vẫn là thách thức lớn cần được giải quyết nếu ngành da giày muốn bứt phá mạnh mẽ trong EVFTA.
Thống kê cho thấy, hiện nay ngành da giày đã chủ động được hơn 70% nguyên liệu phụ cho các dòng sản phẩm trung bình và 50% nguyên liệu cho các dòng sản phẩm trung bình khá, bao gồm khoảng 90% bao bì giấy, 80% đế các loại, trên 80% các loại khuôn-last, 60% phụ liệu, 50% da các loại…
Tuy vậy, mới chỉ có 20% doanh nghiệp Việt Nam sản xuất nguyên phụ liệu da giày. Nguồn da thuộc trong nước mới chỉ đáp ứng được chưa đến 25% nhu cầu cho ngành da giày, vải giả da đáp ứng chưa đến 5%, khiến các doanh nghiệp sản xuất nội địa vẫn phải nhập khẩu lượng lớn nguyên phụ liệu.
Với tiềm năng phát triển như vậy, công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành da giày tại Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để các doanh nghiệp khai thác và phát triển.
Đặc biệt, EVFTA sắp đi vào hiệu lực sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều dự án nguyên phụ liệu đã được triển khai tại các khu công nghiệp chuyên ngành hiện đại, có hệ thống xử lý nước thải tiên tiến. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận và làm chủ công nghệ sản xuất da thuộc, vải giả da và vải làm giày dép mà vẫn đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường.
Theo nghiên cứu, nỗ lực chủ động tự sản xuất các nguyên phụ liệu có thể giúp chi phí sản xuất của doanh nghiệp giảm từ 10 - 15%, giúp ngành da giày chủ động đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, thực sự tận dụng tối đa cơ hội mà EVFTA mang lại.