Xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc sang Mỹ tăng mạnh

Dữ liệu cho thấy trong tháng 6, xuất khẩu nam châm đất hiếm của Trung Quốc sang Mỹ là 353 tấn, tăng 660% so với tháng 5...

Các mẫu khoáng chất đất hiếm từ trái sang, Cerium oxide, Bastnasite, Neodymium oxide và Lanthanum carbonate được trưng bày tại một cơ sở của công ty Molycorp tại Mountain Pass, California, Mỹ - Ảnh: Reuters

Các mẫu khoáng chất đất hiếm từ trái sang, Cerium oxide, Bastnasite, Neodymium oxide và Lanthanum carbonate được trưng bày tại một cơ sở của công ty Molycorp tại Mountain Pass, California, Mỹ - Ảnh: Reuters

Theo dữ liệu mới công bố của Tổng Cục thống kê Trung Quốc, xuất khẩu nam châm đất hiếm của nước này sang Mỹ trong tháng 6 tăng mạnh lên mức gấp khoảng 7 lần so với tháng 5.

Điều này đánh dấu sự phục hồi đáng kể của dòng chảy đất hiếm - vật liệu quan trọng sử dụng trong sản xuất nhiều mặt hàng như xe điện, turbin gió, robot, tên lửa… - sau khi thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung được kí kết.

Dữ liệu cho thấy trong tháng 6, xuất khẩu nam châm đất hiếm của Trung Quốc sang Mỹ là 353 tấn, tăng 660% so với tháng 5.

Đầu tháng 5, Mỹ và Trung Quốc nhất trí khung thỏa thuận thương mại, tháo gỡ các điểm nghẽn xung quanh việc xuất khẩu vật liệu đất hiếm và nam châm đất hiếm từ quốc gia châu Á sang Mỹ. Đổi lại, Washington nới lỏng kiểm soát xuất khẩu công nghệ bán dẫn cho Trung Quốc. Nhà sản xuất chip Mỹ Nvidia đang có kế hoạch khôi phục hoạt động xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo (AI) H20 sang Trung Quốc.

Trung Quốc là nhà cung cấp nam châm đất hiếm lớn nhất thế giới, chiếm hơn 90% nguồn cung toàn cầu. Hồi tháng 4, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế đối ứng, Bắc Kinh quyết định đưa một số vật liệu đất hiếm vào danh sách hạn chế xuất khẩu để trả đũa.

Việc Trung Quốc siết chặt quy trình cấp phép xuất khẩu đất hiếm khiến lượng xuất khẩu của nước này giảm mạnh trong tháng 4 và tháng 5, gây đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu. Một số nhà sản xuất ô tô trên thế giới đã phải dừng một phần hoạt động sản xuất do thiếu đất hiếm.

Trong tháng 6, Trung Quốc xuất khẩu tổng cộng 3.188 tấn nam châm đất hiếm vĩnh cửu, tăng 157,5% từ mức 1.238 tấn của tháng 5. Dù vậy, lượng xuất khẩu của tháng 6 vẫn thấp hơn 38,1% so với cùng kỳ năm 2024.

Theo các nhà phân tích, xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc sẽ phục hồi thêm nữa trong tháng 7 bởi đã có thêm nhiều công ty được cấp phép xuất khẩu trong tháng 6. Tính trong cả nửa đầu năm 2025, xuất khẩu nam châm đất hiếm của nước này đã giảm 18,9% so với năm trước, xuông còn 22.319 tấn.

Tuy nhiên, theo một nguồn tin thân cận của hãng tin Reuters, Bắc Kinh đã âm thầm đưa ra hạn ngạch khai thác và luyện kim đất hiếm đầu tiên của năm 2025 mà không đưa ra tuyên bố công khai như thường lệ. Đây là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh vẫn lặng lẽ thắt chặt kiểm soát đối với lĩnh vực này.

Hạn ngạch về đất hiếm của Trung Quốc được thế giới theo dõi sát sao. Thông thường, Chính phủ nước này ban hành hạn ngạch đối với các công ty nhà nước hai lần mỗi năm nhưng hạn ngạch đầu tiên của năm nay chưa được công bố chính thức.

Nguồn tin cho biết hạn ngạch đầu tiên của năm 2025 đã được đưa ra vào tháng trước nhưng không được công khai như thường lệ. Các công ty được yêu cầu không chia sẻ thông tin vì lý do an ninh. Nguồn tin không tiết lộ mức hạn ngạch đã được ban hành.

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc đang ngày càng nhạy cảm về vấn đề đất hiếm và sự kiểm soát của nước này với nguồn cung đất hiếm toàn cầu. Đây là đòn bẩy quan trọng của Bắc Kinh trong các cuộc thảo luận về thương mại với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Trong 4 năm qua, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc thường ban hành hạn ngạch đầu tiên của năm trong nửa đầu năm bằng một thông báo trên trang web chính thức. Năm ngoái, Bộ này hai lần đưa ra hạn ngạch khai thác đất hiếm, tổng cộng cả năm là 270.000 tấn. Theo đó, mức tăng trưởng nguồn cung đã giảm từ 21,4% của năm 2023 xuống còn 5,9% năm 2024.

Hạn ngạch luyện kim đất hiếm của nước này năm 2024 cũng được công bố thành 2 đợt, tổng cộng 254.000 tấn, tăng 4,2% so với năm 2023.

Cơ chế hạn ngạch này được Bắc Kinh áp dụng từ năm 2006 nhằm kiểm soát sự tăng trưởng của ngành này. Năm ngoái, chỉ có 2 công ty nhà nước đủ điều kiện tiếp cận hạn ngạch này, gồm Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc và Tập đoàn Đất hiếm Công nghệ cao Bắc Trung Quốc, giảm từ 6 tập đoàn so với năm 2023.

Ngọc Trang

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xuat-khau-dat-hiem-cua-trung-quoc-sang-my-tang-manh.htm