Xuất khẩu dầu giảm mạnh, Nga thiệt hại 25% nguồn thu thuế
Trong vòng 7 ngày giữa tháng 4, dòng chảy xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga đã giảm 1/4.
Dữ liệu theo dõi hải trình của Bloomberg cho thấy Nga hiện có 30 tàu có khả năng vận chuyển 21,8 triệu thùng dầu xuất khẩu. Trung bình, lượng dầu thô vận chuyển bằng đường biển ở mức 3,12 triệu thùng/ngày, giảm 25% so với tuần kết thúc vào ngày 8/4.
Cả 4 khu vực xuất khẩu năng lượng chính của Nga đều ghi nhận sự sụt giảm về khối lượng. Dòng dầu thô Urals và Siberian Light từ các bến cảng ở Baltic, Biển Đen đã giảm 770.000 thùng/ngày, tương đương 30%. Đáng chú ý, lượng dầu xuất khẩu từ cảng Novorossiysk (Biển Đen) giảm tới 60%.
Các chuyến hàng từ 3 cảng phía đông của Nga trên bờ biển Thái Bình Dương cũng giảm 205.000 thùng/ngày, tương đương 17%. Hàng hóa từ Murmansk, nơi xử lý dầu thô sản xuất dọc theo bờ biển Bắc Cực giảm 57.000 thùng/ngày, tương đương 15%.
Dòng chảy xuất khẩu dầu của Nga dự kiến tiếp tục giảm trong tương lai. Áp lực từ Liên minh châu Âu (EU) cùng các lệnh cấm nhập dầu khiến số lượng đối tác mua hàng của Nga ngày càng hạn chế. So với cùng kỳ tháng 3, sản lượng xuất khẩu dầu của Nga trong tuần đầu tiên của tháng 4 đã giảm 500.000 thùng/ngày.
Hoạt động xuất khẩu sụt giảm đồng nghĩa Moscow mất đi nguồn thu quan trọng bù đắp cho cuộc chiến ở Ukraine và khả năng đối phó với các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Với mức thuế xuất khẩu dầu thô hiện tại, các chuyến hàng trong tuần sẽ giúp Moscow thu về 181 triệu USD, tức thấp hơn khoảng 60 triệu USD so với tuần trước. Nguồn thu thuế xuất khẩu cũng giảm 25% trong tuần thứ 7 kể từ khi chiến sự nổ ra so với tuần trước đó.
Vào tháng 4, thuế xuất khẩu dầu thô được neo ở mức 61,2 USD/tấn, tương đương 8,3 USD/thùng. Trong khi vào tháng 3, con số chỉ neo lần lượt ở mức 58,3 USD và 7,95 USD. Bên cạnh đó, thuế đánh vào xuất khẩu dầu thô được tính theo giá trung bình của dầu Urals từ ngày 15/2-14/3.
Tháng 5 sắp tới, Nga dự kiến hạ thuế suất xuống còn 49,6 USD/tấn, tức 6,81 USD/thùng.
Ngoài vấn đề cung cầu, tình trạng thời tiết xấu cũng khiến việc vận chuyển dầu xuất khẩu gặp khó khăn. Khối lượng giao sang châu Á từ các hải cảng trên Biển Đen, biển Baltic và Bắc Cực cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tháng.
Số lượng tàu hàng xuất phát từ các cảng nằm ở Tây Nga sang châu Á nay chủ yếu tập trung đến Ấn Độ. Mặt khác, lượng tàu đi từ cảng phía Đông bật tăng, phần lớn đến Trung Quốc và Nhật Bản.