Xuất khẩu dệt may sang EAEU có nguy cơ vượt mức quy định
Bộ Công thương ra thông báo đến các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may sang EAEU về việc lượng hàng có nguy cơ vượt ngưỡng để doanh nghiệp có kế hoạch ứng phó phù hợp, kịp thời và hiệu quả.
Ngày 28/9, Bộ Công thương vừa ban hành thông báo các mặt hàng dệt may của Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan xuất khẩu vào Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) theo Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA) đang có nguy cơ vượt mức ngưỡng (trigger level) áp dụng biện pháp phòng vệ năm 2020 theo quy định VN - EAEU FTA.
Thông tin trên dựa theo Công hàm số 14-572 của Ủy ban Kinh tế Á Âu (EEC) gửi Bộ Công thương ngày 15/9/2020.
Theo đó, các mặt hàng váy, đầm, quần áo phụ nữ mã HS 6104.41, 6104.42, 6104.43, 6104.44, 6104.49, 6204.42, 6204.44, 6204.49 của Việt Nam xuất khẩu vào EAEU trong thời gian từ tháng 1/2020 đến tháng 7/2020 đã đạt 79,4% mức ngưỡng quy định cho năm 2020.
Bộ Công Thương nêu rõ: Điều 2.10 của VN-EAEU FTA quy định về biện pháp phòng vệ ngưỡng đối với 12 nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, mặt hàng dệt may đang có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng khi nhập khẩu vào EAEU.
Theo đó, tùy thuộc lượng xuất khẩu vượt ngưỡng, các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ bị áp mức thuế suất thông thường (MFN) trong thời gian 6 tháng hoặc 9 tháng. Bộ Công thương ra thông báo đến các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may sang EAEU được biết để có kế hoạch ứng phó phù hợp, kịp thời và hiệu quả.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nước ta đang là quốc gia nhập khẩu bông lớn thứ 3 trên thế giới với sản lượng tiêu thụ 1,5 triệu tấn/năm, trong đó hơn 800.000 tấn nhập từ Mỹ (chiếm 60% tổng sản lượng nhập khẩu). Toàn ngành dệt may đến thời điểm này đã xuất khẩu được 19 tỉ USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ. Năm 2020, mục tiêu xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam là 40 tỉ USD nhưng theo dự tính chỉ có thể đạt 32 tỉ USD. Trong đó, mặt hàng truyền thống của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam là veston, sơmi... giảm 70%, thậm chí là 80% so với kế hoạch. "Chưa bao giờ, ngành dệt may Việt Nam lại chịu áp lực nhiều đến thế. Mọi kế hoạch gần như thay đổi mà không có phương án bền vững" - Hiệp hội Dệt may chia sẻ.