Xuất khẩu gạo bật tăng
Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 9 năm 2020 ước đạt 420.000 tấn, trị giá 215 triệu USD, đưa khối lượng gạo xuất khẩu 9 tháng năm 2020 đạt 4,8 triệu tấn, trị giá 2,4 tỷ USD. Gạo xuất khẩu giảm 0,8% về lượng nhưng tăng 11,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo sản lượng gạo xuất khẩu năm 2020 từ 6,5-6,7 triệu tấn gạo.
Tính trong 8 tháng đầu năm 2020, Philippines vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Senegal (gấp 3,55 lần, đạt 42.100 tấn và 15,0 triệu USD), Indonesia (gấp 2,9 lần, đạt 64.900 tấn và 36,2 triệu USD) và Trung Quốc (tăng 82,5%, đạt 536.200 tấn và 316,9 triệu USD). Giá gạo xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2020 đạt 489,2 USD/tấn, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Điểm nổi bật trong hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian gần đây là cơ cấu chủng loại đã và đang dần dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao. “Trong năm 2020, nhiều thời điểm gạo Việt Nam đã vượt qua giá bán của gạo Thái Lan trên thị trường xuất khẩu. Đây là tín hiệu rất mừng”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang một số nước EU đã bật tăng mạnh ngay từ tháng đầu tiên Hiệp định EVFTA có hiệu lực (1/8). Một số thị trường có lượng xuất khẩu tăng mạnh như Tây Ban Nha tăng 219,9%, Pháp tăng 145,8%. Đây là tiền đề tốt để doanh nghiệp tiếp tục khai thác hiệu quả cơ hội thị trường EU.
Với viêc xuất khẩu gạo sang thị trường EU theo EVFTA, ngoài việc được hưởng lợi thế về thuế xuất, ngành gạo Việt Nam còn được lợi từ những yếu tố khác. Cụ thể là hình ảnh hạt gạo Việt Nam sẽ được các nước khác đánh giá tốt hơn bởi EU vốn là thị trường có tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, quy tắc xuất xứ…
Nhìn nhận lợi thế trên, thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh khẳng định: EU là thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu dân nhưng rất khắt khe đối với hàng hóa. Đặc biệt, năm 2020 là năm khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thế giới nhưng Việt Nam đã vượt khó, ngành hàng lúa gạo đã vươn lên được như kỳ tích, tất cả các vụ đều được mùa, được giá. “Đây là cơ hội lớn cho ngành hàng lúa gạo. Dù 80.000 tấn là nhỏ nhưng tiềm năng rất lớn. Bởi vì EU là thị trường nhập khẩu gạo rất lớn từ 2,3 – 2,5 triệu tấn/năm. Vì vậy, hiệp định này có hiệu lực, chúng ta kiểm soát tốt chất lượng thì tôi tin rằng sắp tới hạn ngạch xuất khẩu sẽ tăng lên” - ông Doanh nhấn mạnh.
Về đảm bảo chất lượng gạo xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo EVFTA, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), cho biết, Bộ NNPTNT đã ban hành Quyết định hướng dẫn các doanh nghiệp các thủ tục làm chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU, tạo nền tảng cho doanh nghiệp sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu theo đúng quy định. Tuy nhiên muốn được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch theo quy định của Liên minh châu Âu, gạo thơm xuất khẩu sang EU phải được chứng nhận đảm bảo tính đúng giống. Do vậy, để đảm bảo độ thuần, tính đúng giống của gạo thơm xuất khẩu, cần thiết phải kiểm tra ruộng lúa thơm trước khi thu hoạch.
Theo quy định, việc kiểm tra ruộng lúa thơm thực hiện 1 lần trong thời gian 20 ngày trước khi thu hoạch. Tổ chức, cá nhân xuất khẩu gạo thơm phải chịu trách nhiệm về độ thuần, tính đúng giống trong quá trình thu hoạch, phơi, sấy, sơ chế, bảo quản, xay, xát, chế biến, đóng gói, ông Cường cho hay.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xuat-khau-gao-bat-tang-519919.html