Xuất khẩu gạo có nhiều tín hiệu tích cực
Mặc dù nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam vẫn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg nhưng hoạt động xuất khẩu gạo trong tháng 9 đã có nhiều tín hiệu tích cực so với tháng 8/2021.
Thống kê từ Bộ Công Thương, trong tháng 9 cả nước đã xuất khẩu thành công 530.000 tấn gạo, trị giá 261 triệu USD; trong khi tháng 8/2021 xuất khẩu gạo chỉ đạt mức 430.000 tấn và trị giá 211 triệu USD.
Theo đó, tính tổng 9 tháng 2021, xuất khẩu gạo cả nước đạt 4,516 triệu tấn, trị giá 2,389 tỷ USD, giảm 9,5% về lượng và giảm 2,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Nhận định từ các chuyên gia thương mại cho thấy, xuất khẩu gạo những tháng gần đây đang gặp khó khăn bởi nhiều yếu tố bất lợi từ dịch COVID-19, thế nhưng cùng với nhóm ngành hàng tỷ USD như đồ gỗ, thủy sản, rau quả, cà phê, cao su, hạt điều... đây vẫn là một trong những ngành hàng lợi thế của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.
Để có được kết quả này thể hiện sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc tìm giải pháp đẩy nhanh hoạt động xuất khẩu dù tình hình bốc xếp, vận chuyển, lưu thông hàng hóa cho khách hàng gặp nhiều khó khăn do hạn chế lưu thông tại nhiều địa phương.
Không những thế, gần đây giá gạo xuất khẩu của Việt Nam còn tiếp tục được cải thiện. Chẳng hạn như giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 423 - 427 USD/tấn lên 428 - 432 USD/tấn trong những ngày cuối tháng 9 và tiếp tục tăng nhẹ trong những ngày đầu tháng 10. Đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng hơn 2 tháng qua; trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan chỉ ở mức 383 - 387 USD/tấn và Ấn Độ là 368 - 372 USD/tấn.
Chia sẻ từ một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá gạo Việt Nam tăng do đơn hàng từ các nước nhập khẩu gạo truyền thống đang có nhu cầu trở lại. Hơn nữa, nguồn cung gạo từ Ấn Độ bị ảnh hưởng do thời tiết không thuận lợi.
Theo dự báo, 3 tháng còn lại của năm 2021, hoạt động xuất khẩu gạo tiếp tục được đẩy mạnh do nhiều thị trường nhập khẩu lớn tại châu Á tăng nhập khẩu cho nhu cầu cuối năm.
Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu sẽ được khơi thông mạnh mẽ hơn do các địa phương đã bắt đầu nới lỏng giãn cách từ đầu tháng 10 và chủ trương nối lại sản xuất an toàn vừa phòng chống dịch.
Mặt khác, thị trường gạo thế giới bắt đầu có dấu hiệu sôi động trở lại khi dịch COVID-19 ở các nước xuất khẩu và nhập khẩu bớt căng thẳng, cho phép hoạt động thương mại gạo được nối lại.
Trước những thuận lợi này, các doanh nghiệp đang cố gắng để đưa mục tiêu xuất khẩu 6,3 triệu tấn gạo, trị giá 3,2 tỷ USD có thể hoàn thành trong quý IV năm nay.