Xuất khẩu gạo tiếp tục khởi sắc?
Xuất khẩu (XK) gạo năm nay được dự báo sẽ tiếp tục khả quan, từ đầu năm đã có những đơn hàng với giá cao. Cơ cấu gạo XK của Việt Nam tiếp tục khuynh hướng chuyển dịch sang các loại gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn.
Theo nguồn tin của PV, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) đã đàm phán và ký thành công hợp đồng bán 50.000 tấn gạo cho Bangladesh, với mức giá 605 USD/tấn đối với giá CIF (giá giao hàng tại điểm đến của bên mua) và trên 520 USD/tấn đối với giá FOB (giá giao hàng tại cảng của bên bán).
Mức giá trên được xem là tương đối cao của gạo Việt Nam. Số lượng gạo theo hợp đồng trên sẽ được một số doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự kiến giao hàng trong tháng 4 tới.
Được biết, trước đó, Bangladesh đã thông qua đề xuất nhập khẩu tổng cộng 350.000 tấn gạo theo phương thức mua trực tiếp từ Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.
VFA cho biết, XK gạo Việt Nam năm 2020 đạt hơn 6,2 triệu tấn, trị giá hơn 3,1 tỷ USD, giá XK bình quân hơn 499 USD/tấn; mặc dù giảm 1,91% về số lượng, nhưng giá trị tăng 11,18% và giá XK bình quân tăng 18,78 USD/tấn.
Năm 2021, dự báo các nước châu Á sẽ duy trì mức độ nhập khẩu tương đương năm 2020. Tuy nhiên rất có khả năng các nước sẽ điều chỉnh chính sách nhập khẩu gạo cho phù hợp với thực tiễn tình hình. Trong đó, Bangladesh sẽ tập trung nhập khẩu để bù đắp cho sản lượng nội địa sụt giảm nhằm bình ổn thị trường. Hàn Quốc và Australia cũng là hai ‘điểm sáng’ khi sản lượng trong nước của họ sụt giảm. Ngoài ra, thị trường châu Âu cũng được dự báo sẽ sôi động hơn…
Theo ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), thị trường XK gạo năm 2021 sẽ tương đối thuận lợi. Ngay từ đầu năm, Việt Nam đã có những đơn hàng XK với giá rất cao. “Chẳng hạn, công ty chúng tôi ký từ tháng 1 đối với gạo 5% tấm là 560 USD/tấn và bây giờ ký cũng đạt 540 USD/tấn” - ông Bình cho hay.
Về thị trường, theo ông Bình, thị trường số 1 của XK gạo Việt Nam là Philippines hiện vẫn đang trông chờ giá gạo Việt Nam sẽ sụt giảm. Song, gạo Việt Nam hiện không thể bán thấp hơn mức giá 530 USD/tấn, bởi hiện nay đang thiếu nguồn cung cho giá thấp vì giá giao dịch trong dân hiện đang ở mức cao.
Về chủng loại gạo XK năm nay, theo VFA, gạo thơm các loại (chủ yếu là Đài Thơm và một số giống OM) dự kiến sẽ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn do kỳ vọng nhu cầu của Trung Quốc và châu Âu cao hơn so với năm 2020, bên cạnh nhu cầu ổn định từ các nước nhập gạo lớn ở Đông Nam Á như Philippines.
Tỷ lệ gạo trắng chất lượng cao 5% tấm dự báo sẽ tăng nhờ nhu cầu từ Cuba. Bên cạnh đó, gạo nếp dự báo sẽ ổn định nhờ nhu cầu từ Trung Quốc, trong khi thị trường Indonesia có thể sẽ giảm nhập khẩu nhờ vụ mùa bội thu.
Nhìn chung, cơ cấu gạo XK của Việt Nam năm 2021 đang tiếp tục khuynh hướng chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo trắng chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn.
Lúa trúng mùa được giá, nông dân lãi cao
Vùng ĐBSCL hiện đang cuối vụ thu hoạch lúa Đông Xuân, đây tiếp tục là vụ lúa trúng mùa, được giá, bà con nông dân có lợi nhuận tốt.
Ông Nguyễn Văn Sử - Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ cho biết, vụ này năng suất đạt 7,6 tấn/ha, giá lúa bình quân trên 6.400 đồng/kg, doanh thu gần 50 triệu đồng/ha, lợi nhuận trên 50%, đây là mức cao nhất từ trước đến nay của người trồng lúa trên địa bàn.
Đại diện Sở NN&PTNT Tiền Giang cũng cho rằng, vụ Đông Xuân 2020-2021 cơ bản đã thắng lợi, đến thời điểm này chưa ghi nhận thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay…
Vụ Đông Xuân 2020-2021, vùng ĐBSCL xuống giống hơn 1,51 triệu ha (giảm hơn 27 nghìn ha); năng suất ước đạt 70,52 tạ/ha (tăng 2,17 tạ/ha); sản lượng ước đạt hơn 10,7 triệu tấn (tăng 144 nghìn tấn).
Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, hiện toàn vùng đã thu hoạch trên 1 triệu ha (chiếm 62%), năng suất đạt trên 7 tấn/ha, đặc biệt không có diện tích lúa bị mất trắng do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn.
“Về cơ bản đạt diện tích, năng suất, sản lượng cũng như giá cả, thu nhập và lợi nhuận của nông dân tăng lên. Điều này cho thấy, bên cạnh sự thích ứng để đảm bảo sự tăng trưởng trong nông nghiệp, sản xuất trồng trọt đóng vai trò rất lớn trong sinh kế bền vững cho hàng chục triệu nông dân” – ông Tùng nói.
Theo danh sách thương nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh XK gạo cập nhật đến ngày 23/3/2021 của Bộ Công Thương, cả nước có 209 doanh nghiệp (DN) ở 25 tỉnh thành. Trong đó, nhiều nhất là TP Cần Thơ với 44 DN, kế đến là TP.HCM với 38 DN, Long An 25 DN, An Giang 21 DN, Đồng Tháp 19 DN...
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/xuat-khau-gao-tiep-tuc-khoi-sac-post1322938.tpo