Xuất khẩu gạo: Tránh lặp lại 'vết xe đổ'
Việc các thị trường lớn đang tăng nhu cầu nhập khẩu gạo tiếp tục mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp (DN) Việt. Tuy nhiên, giống như năm ngoái, giá gạo biến động mạnh trong thời gian ngắn đã khiến tình trạng 'vỡ kèo' giữa thương lái và người nông dân xảy ra ngay từ vụ Đông Xuân. Nếu tình trạng này không được giải quyết, năm nay thị trường lúa gạo trong nước sẽ tiếp tục bị xáo trộn.
"Vỡ kèo" vì giá giảm
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong những ngày qua liên tục giảm mạnh. Đến thời điểm hiện tại, gạo loại 5% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 574 USD/tấn, thấp hơn gạo Thái Lan 39 USD/tấn và Ấn Độ 13 USD/tấn. Trong khi đó, gạo loại 25% tấm giao dịch khoảng 570 USD/tấn, thấp hơn gạo Thái Lan 7 USD/tấn.
Chỉ trong vòng gần 1 tháng trở lại đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm khoảng 63 USD/tấn và giảm 89 USD so với mức đỉnh 663 USD/tấn vào tháng 12 năm ngoái.
Giá gạo xuất khẩu giảm đã tác động tới giá lúa gạo trong nước. Theo đó, giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết khiến thương lái đặt cọc trước đó đòi hạ giá hoặc bỏ cọc.
Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam, giá gạo giảm một phần do cả phía đối tác nhập khẩu và DN đều chậm mua để nghe ngóng tình hình. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn có DN tích cực mua để dự trữ và đáp ứng các đơn hàng ký trước đó.
Theo khảo sát của một số Sở NN&PTNT ở Đồng bằng sông Cửu Long, ở vụ lúa Đông Xuân này, hầu hết nông dân chấp nhận bán lúa theo giá mới do thương lái đưa ra, thấp hơn 1.000 -1.500 đồng/kg so với giá nhận cọc từ trước. Giá bán thấp khiến nông dân thất thu khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/tấn lúa so với hợp đồng ban đầu.
Ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice) cho biết, năm ngoái, DN xuất khẩu khoảng 60.000 tấn gạo, giá xuất khẩu thấp nhất là 980 USD/tấn. Dù giá cao nhưng lợi nhuận thấp do giá lúa mua vào tăng nhanh hơn giá gạo xuất khẩu. Chưa kể khi giá lúa tăng, DN không thể mua được lúa theo hợp đồng do nông dân “bẻ kèo”. Năm nay, tình trạng “bẻ kèo” lại xuất hiện, nhưng nguyên nhân là giá lúa quay đầu giảm nhanh khiến các mắt xích trong chuỗi đều phá thỏa thuận trước đó.
Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam, giá gạo giảm một phần do cả phía đối tác nhập khẩu và DN đều chậm mua để nghe ngóng tình hình. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn có DN tích cực mua để dự trữ và đáp ứng các đơn hàng ký trước đó. Do đó, chỉ cần một mắt xích bị tắc sẽ ảnh hưởng theo đến tiến độ đơn hàng của DN. “Nếu tình trạng này không được giải quyết, năm nay thị trường lúa gạo trong nước sẽ tiếp tục bị xáo trộn, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. Về lâu dài, xuất khẩu gạo thiếu sự ổn định và bền vững”, ông Tài nói.
Cần tuân thủ hợp đồng
Theo Bộ Công Thương, giá gạo giảm chỉ mang tính thời điểm, hiện nhu cầu gạo trên thị trường thế giới vẫn còn rất lớn, tạo nhiều cơ hội cho DN đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Ông Phạm Thế Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia, cho biết, trong vài ngày gần đây, giá gạo tại thị trường này tiếp tục tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng. Tính tới tháng 2, Indonesia đã trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thiếu so với nhu cầu.
Theo ông Cường, hiện tượng gạo khan khiếm tại các siêu thị ở thị trường nước này đã xuất hiện. Bộ trưởng Thương mại Indonesia phải đề nghị người dân chuyển sang mua gạo bình ổn giá của Chính phủ để tránh việc giá gạo tăng quá cao trên thị trường tự do. Giá bán gạo lẻ tại thị trường đối với gạo phẩm cấp cao đang lên tới 1,16 USD/kg, vượt giá trần chính phủ ấn định là 0,9 USD/kg.
Ông Cường dự báo, ngoài gói 500 nghìn tấn gạo mà DN Việt trúng thầu khoảng 300 nghìn tấn, Chính phủ Indonesia sẽ phải tiếp tục sớm mở thầu mua thêm gạo. Do vậy, các DN Việt cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, đảm bảo không có các vi phạm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Phùng Văn Thành - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines cho biết, đây là thị trường tiêu thụ lớn nhất của ngành hàng gạo Việt Nam, với 85% sản lượng được nhập từ nước ta, 10% từ Thái Lan và còn lại đến từ Ấn Độ, Bangladesh, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Dự báo gạo Việt Nam sẽ vẫn giữ vị trí số 1 tại Philippines và dư địa để DN Việt mở rộng thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu vẫn còn lớn. Theo ông Thành, gạo Việt Nam đang gặp cạnh tranh ngày càng gay gắt với gạo Thái Lan.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/xuat-khau-gao-tranh-lap-lai-vet-xe-do-post1618583.tpo