Xuất khẩu giữ đà tăng tốc

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự báo, trên cơ sở kết quả xuất khẩu và phân tích các yếu tố thuận lợi, khó khăn của thị trường toàn cầu, việc đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% cả năm 2024 hoàn toàn khả thi, từ đó tạo đà cho xuất khẩu của năm 2025.

Dự báo năm 2024 xuất khẩu gạo sẽ thu về hơn 5 tỷ USD. Ảnh: Quang Vinh.

Dự báo năm 2024 xuất khẩu gạo sẽ thu về hơn 5 tỷ USD. Ảnh: Quang Vinh.

Tín hiệu khả quan

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 37,59 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 265 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, sau 8 tháng, đã có 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đóng góp 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Có 6 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 10 tỷ USD, chiếm 62,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải, xuất khẩu hàng dệt may, da giày của Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan trong những tháng tới, bởi theo yếu tố chu kỳ, nhu cầu hàng hóa thường tăng mạnh vào cuối năm. Mặt khác, kim ngạch xuất khẩu tới các thị trường chủ lực của Việt Nam như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều tăng.

Nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may hiện đã có đơn hàng đến hết năm 2024 và đang đàm phán đơn hàng đầu năm 2025. Trong khi đó, ngành da giày cũng đang dần hồi phục với lượng đơn hàng tăng rõ nét. Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, từ nay tới cuối năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày sẽ đạt kế hoạch đề ra.

Ngành gỗ và sản phẩm gỗ cũng là ngành xuất khẩu mang về hàng tỷ USD cho nền kinh tế. Dù gánh chịu mức sụt giảm nặng nề trong năm 2023 nhưng những tháng qua, ngành gỗ đã ghi nhận sự phục hồi tích cực khi trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Gạo cũng là mặt hàng xuất khẩu đạt nhiều kỳ tích với kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đạt trên 3,8 tỷ USD. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nguồn cung của một số nước xuất khẩu gạo đang hạn chế, trong khi chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu khó tính của thị trường thế giới. Cùng với đó, các DN cũng tích cực đàm phán và đạt kết quả tốt với đối tác. Nhờ vậy, sản lượng gạo xuất khẩu cũng tăng lên, giá gạo của Việt Nam được đảm bảo.

Gia tăng giá trị cho hàng xuất khẩu

Xuất khẩu càng về cuối năm càng khởi sắc, song theo Bộ Công thương, vẫn có nhiều thách thức mà nền kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng sẽ phải đối diện. Những điểm nghẽn lớn của công nghiệp trong thời qua vẫn chưa được khắc phục một cách hiệu quả; nền sản xuất vẫn phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là phụ thuộc vào khu vực FDI; giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp trong nước còn thấp; công nghiệp hỗ trợ kém phát triển và chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp nội địa có hàm lượng công nghệ cao...

Với ngành gạo bên cạnh những mặt thuận lợi, theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2024, thị trường thương mại gạo toàn cầu vẫn phải đối mặt với những thách thức: Nguồn cung gạo toàn cầu giảm (do tiếp tục chịu tác động từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của một số thị trường như Ấn Độ, UAE, Nga và hiện tượng El Nino, biến đổi khí hậu, ở nhiều khu vực); tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp;… dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024.

Với lĩnh vực thủy sản, theo bà Kim Thu - chuyên gia thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), trong năm 2024, các mặt hàng thủy sản chủ lực, nhất là mặt hàng tôm cần phải tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách lựa chọn giải pháp thúc đẩy hoạt động chế biến sâu. Đơn cử như sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng hiện chiếm 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm. Trình độ chế biến chung của các DN xuất khẩu tôm cũng đang ở mức cao trên thế giới. Đây là những lợi thế cạnh tranh lớn các sản phẩm tôm Việt.

Để thúc đẩy xuất nhập hàng hóa những tháng cuối năm, theo Bộ Công thương, giải pháp quan trọng là tiếp tục theo dõi sát diễn biến các thị trường, chính sách xuất nhập khẩu của các nước để kịp thời thông tin cho hiệp hội, DN.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương Nguyễn Văn Hội lưu ý, để xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam tiếp tục bứt phá trong năm 2024, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN. Cơ cấu lại các ngành hàng xuất khẩu theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững (thủy sản, lúa gạo…).

Bên cạnh đó, cần tổ chức kết nối các DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam; Hỗ trợ DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất. Về phía DN cần đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế và được hưởng nhiều ưu đãi trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới...

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xuat-khau-giu-da-tang-toc-10290388.html