Xuất khẩu góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển
Cùng với đầu tư công và tiêu dùng, xuất khẩu luôn góp phần quan trọng trên 'cỗ xe tam mã' để tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường và phức tạp, nhất là chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia khiến tình hình xuất nhập khẩu toàn cầu gần như chậm lại.
Theo Báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn tăng cường xuất khẩu và không ngừng đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ gắn với tìm kiếm thị trường mới để gia tăng thị phần trong thương mại thế giới ở nhiều loại mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như: dệt may, da giày, nông sản, thủy sản đông lạnh hay linh kiện điện tử...
Hàng hóa của Việt Nam cũng cạnh tranh về giá. Đó là lý do vì sao các sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều và chiếm tỷ trọng thương mại quốc tế ngày càng cao trong những năm gần đây. Thế giới ngày càng cần nhiều sản phẩm hàng hóa và dịch vụ mà Việt Nam có thế mạnh. Xu hướng xuất khẩu không chỉ giới hạn ở những ngành hàng sản xuất với công nghệ cao hoặc phức tạp mà nhu cầu quốc tế gia tăng ngay cả với những ngành hàng truyền thống. Tuy nhiên, về lâu dài Việt Nam có thể phải cạnh tranh trong một số mặt hàng xuất khẩu, nhất là những mặt hàng sản xuất thâm dụng lao động. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc chiếm lĩnh thị trường mới, đặc biệt là thị trường hàng hóa, dịch vụ mà nhu cầu toàn cầu đang tăng lên.
Phản ánh thực trạng của ngành hàng may mặc, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, tình hình xuất khẩu dệt may biến động xấu đi vào những tháng cuối năm 2022 và kéo dài đến nay mà vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Tình trạng thiếu đơn hàng xuất khẩu, đơn hàng nhỏ lẻ, đơn giá thấp vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều doanh nghiệp trong ngành. Trong khi đó, các quốc gia dệt may cạnh tranh với Việt Nam lại ghi nhận bức tranh đối lập về kết quả xuất khẩu như: Bangladesh, Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ...
Cùng với đó, thị phần dệt may Việt Nam cũng đang trên đà sụt giảm tỷ trọng tại các quốc gia như: Mỹ, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc... Theo ông Trường, nguyên nhân suy giảm kim ngạch xuất khẩu và thị phần của dệt may Việt Nam là do sự ảm đạm chung của thị trường toàn cầu khi nhiều quốc gia đang có xu hướng chuyển dịch đơn hàng sang những nước có lợi thế về mặt địa lý. Tuy nhiên, về cơ bản là do năng lực cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam khá yếu khi các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức về vốn, lãi suất, chi phí logistics, chi phí tiền lương cao... cùng nhiều rào cản thương mại khác.
Ông Trường nhấn mạnh, Việt Nam không còn là quốc gia dệt may với lợi thế nhân công giá rẻ. Thêm nữa, hoạt động đầu tư máy móc, công nghệ mới của các doanh nghiệp trong ngành gặp nhiều khó khăn, trình độ vận hành còn yếu nên năng suất lao động không vượt trội dẫn tới khó cạnh tranh với nhiều quốc gia khác trong cùng lĩnh vực.
Cùng chung quan điểm này, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết, trong những năm qua, ngành thủy sản Việt Nam xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp, với những dấu hiệu không bền vững. Ngoài những khó khăn về nguồn cung nguyên liệu không ổn định, giá cả lên xuống thất thường và chi phí sản xuất tăng cao, thuế chống bán phá giá cá tra trên thị trường Mỹ tăng dẫn tới sự mất cân đối ngày càng trầm trọng giữa năng lực sản xuất nguyên liệu và chế biến xuất khẩu. Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam còn liên tục phải đối mặt với nhiều thách thức mới về rào cản kỹ thuật, thương mại ngày càng chặt chẽ, khắt khe hơn; chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản của Mỹ hay cảnh báo "thẻ vàng IUU" với hải sản xuất khẩu sang Liên minh châu Âu và việc siết chặt kiểm soát thương mại mậu biên của phía Trung Quốc... dẫn tới xuất khẩu thủy sản Việt Nam chịu áp lực suy giảm.
Để có sự chuẩn bị khi thay đổi lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam khuyến nghị Chính phủ cần tiếp tục các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là các doanh nghiệp nội địa, nỗ lực hướng tới tăng thị phần toàn cầu trong các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp của Việt Nam sản xuất được. Đồng thời, quan tâm đối với doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bền vững, bao gồm năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả.
Việc xây dựng các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước là rất quan trọng để cải thiện tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào các công ty nước ngoài nhằm tăng năng suất hay mở rộng việc tiếp cận thị trường quốc tế. Việt Nam cũng cần duy trì tốc độ tạo việc làm mới, nhất là trong những lĩnh vực có thể đạt tốc độ tăng trưởng năng suất cao để gia tăng lợi thế cho các nhóm, ngành hàng xuất khẩu trong tương lai.
Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe đề xuất, để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và thúc đẩy xuất khẩu, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với những đơn vị đáp ứng tiêu chí về phát triển bền vững và được quốc tế công nhận. Đặc biệt, hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các dự án nhà máy xanh, chuyển đổi xanh, kinh doanh tuần hoàn.