Xuất khẩu hàng hóa dần khởi sắc trong những tháng cuối năm
Kinh tế thế giới đang có dấu hiệu chuyển biến tích cực, lạm phát ở các quốc gia có dấu hiệu giảm nhiệt, cùng với đó, xuất khẩu (XK) hàng hóa ở nước ta trong tháng 8 tăng 7,7% so với tháng trước. Điều này cho thấy các giải pháp xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường của doanh nghiệp (DN) đã mang lại kết quả tích cực và vẫn có những cơ hội, những thị trường tiềm năng cho XK Việt Nam trong những tháng cuối năm.
Xuất khẩu khởi sắc
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 435,23 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD. Về XK hàng hóa, kim ngạch XK hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước. Như vậy, liên tục trong 4 tháng gần đây, kim ngạch XK hàng hóa đều có mức độ tăng trưởng hơn so với tháng liền kề trước đó. Điều này cho thấy các giải pháp xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường của DN đã mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, do đã giảm sâu trong những tháng đầu năm nên tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 227,71 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, tháng 7, XK hàng dệt may đạt 3,27 tỷ USD, tăng 6,8% so với tháng trước. Đây cũng là tháng đạt mức trị giá cao nhất trong vòng 11 tháng gần đây. Dệt may đang có dấu hiệu phục hồi tốt ở nhiều thị trường. Năm 2023, ngành hàng dệt may kỳ vọng đạt kim ngạch XK 40 đến 41 tỷ USD. Hiện nay, dệt may là nhóm hàng XK lớn thứ 4 của Việt Nam sau: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.
Đáng chú ý, mặt hàng rau quả đã có sự bứt phá rất mạnh trong thời gian qua.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, kim ngạch XK rau quả trong 8 tháng qua ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng gần 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao kỷ lục từ trước tới nay của ngành rau quả. Trong đó, mặt hàng sầu riêng đã vươn lên trở thành mặt hàng XK quan trọng nhất. Con số này còn cao hơn kim ngạch XK rau quả của cả năm ngoái. Trong số các nhóm rau quả, sầu riêng, thanh long là trái cây đóng góp lớn cho sự tăng trưởng này. Đặc biệt XK sầu riêng 8 tháng chiếm 30% tổng kim ngạch. Lý giải nguyên nhân XK sầu riêng tăng mạnh, ông Nguyên cho rằng, là do tháng 5 và 6 vào mùa thu hoạch rộ loại quả này ở các tỉnh phía Nam nên lượng hàng xuất sang thị trường Trung Quốc tăng đột biến. Từ tháng 8 tới cuối năm sẽ bước vào chính vụ thu hoạch ở Tây Nguyên. Do đó, sản lượng sẽ tăng vọt và XK sầu riêng vượt 1 tỷ USD. Năm 2023, nhiều khả năng XK rau quả sẽ cán đích ở cột mốc lịch sử 5 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam đã chính thức XK khoai lang chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, tạo đà cho bước tăng trưởng của ngành hàng này. Trong tháng 4/2023, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt, cấp mã số cho 70 vùng trồng và 13 cơ sở đóng gói khoai lang đủ điều kiện XK chính ngạch.
Theo bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 7/2023, XK thủy sản đem về 830 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 7 tháng năm 2023, XK thủy sản ước đạt gần 5 tỷ USD. Dự báo hết năm 2023, XK thủy sản sẽ thu về khoảng trên 9 tỷ USD, giảm 15%-16% so với năm 2022… Về XK cá tra, bà Hằng cho biết, trong bối cảnh các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc gặp khó khăn, việc tìm kiếm thêm cơ hội tại các thị trường nhỏ được coi là niềm hy vọng cho DN XK cá tra. Theo bà Hằng, việc XK cá tra sang một số thị trường nhỏ đang có tăng trưởng tốt. Đây được coi là niềm hy vọng của các DN cá tra khi đang gặp khó khăn tại các thị trường lớn truyền thống. VASEP kỳ vọng thị trường Trung Quốc sẽ hồi phục tốt hơn về nhu cầu, XK cá tra có thể cao hơn nửa đầu năm 2023. Do đó, dự báo cả năm 2023 XK cá tra có thể đạt 1,7 tỷ USD.
Xuất khẩu có thể khôi phục tăng trưởng vào quý IV/2023
Về triển vọng XK những tháng cuối năm, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, tốc độ giảm kim ngạch XK đã chậm lại, thời gian tới, với nhiều điều kiện khác thì kỳ vọng XK có thể khôi phục tăng trưởng vào quý IV/2023. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do FTA, như Anh gia nhập Hiệp định CPTPP là sẽ mở ra cơ hội mới cho XK Việt Nam.
Ông Trần Minh Thắng, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Hoa Kỳ) cho biết, một lượng lớn hàng tồn kho được giải phóng, việc làm được cải thiện, sức mua tại Hoa Kỳ sẽ dần phục hồi, nhất là phục vụ cho mua sắm dịp cuối năm 2023, dẫn đến dự báo nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ sẽ phục hồi nhẹ vào quý IV/2023.
Bà Đỗ Việt Hà, đại diện Thương vụ Việt Nam tại thị trường Cộng hòa Liên bang Đức cho hay cơ hội đưa hàng Việt Nam vào Đức còn cao. Người tiêu dùng Đức sẵn sàng sử dụng sản phẩm chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh từ các quốc gia đang phát triển. Việt Nam có nhiều sản phẩm mà người Đức có nhu cầu cao như đồ gỗ, đồ may mặc, dệt may, giày dép, cà phê, rau quả nhiệt đới. Ngoài ra, Đức đang tách dần sự phụ thuộc hàng hóa vào Trung Quốc và đang tìm kiếm các nhà cung cấp từ Việt Nam nhiều hơn.
Để duy trì sức cạnh tranh, ông Trần Minh Thắng cho rằng, các DN Việt Nam cần liên tục hiệu quả hóa sản xuất để duy trì giá cạnh tranh; sản xuất sản phẩm chất lượng cao, sáng tạo, tạo ra các sự khác biệt, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; đáp ứng nhanh hơn, linh hoạt hơn nhu cầu của thị trường, sở thích của người tiêu dùng; thực hành sản xuất bền vững và có trách nhiệm xã hội - điều này có vai trò rất lớn đối với những thị trường như Hoa Kỳ…
Về thị trường Đức, bà Đỗ Việt Hà khuyến nghị các DN cần phải nắm, cập nhật thường xuyên các quy định tiêu chuẩn kĩ thuật của EU đối với các sản phẩm XK sang Đức, đặc biệt là các quy định về trách nhiệm xã hội.
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho rằng, để khai thác tốt thị trường, DN cần xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, định vị sản phẩm ở từng phân khúc khác nhau; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm; đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại; chủ động nghiên cứu các tiêu chuẩn kỹ thuật, rào cản của các thị trường, đảm bảo hồ sơ đầy đủ; lưu ý đến những yêu cầu về tiêu dùng xanh; quan tâm, nghiên cứu thị trường mới, tiềm năng.