Xuất khẩu hàng hóa duy trì đà tăng trưởng
6 tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế trong tỉnh cơ bản giữ được ổn định và có bước phát triển. Trong đó, hoạt động xuất khẩu hàng hóa được xem là điểm sáng trong tổng thể bức tranh kinh tế với tốc độ tăng trưởng đạt 30% so với cùng kỳ năm 2022.
6 tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế trong tỉnh cơ bản giữ được ổn định và có bước phát triển. Trong đó, hoạt động xuất khẩu hàng hóa được xem là điểm sáng trong tổng thể bức tranh kinh tế với tốc độ tăng trưởng đạt 30% so với cùng kỳ năm 2022.
Thống kê từ Chi cục Hải quan Hà Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn khi có tới 19/37 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ, với mức giảm từ 5% đến 87%. Có thể kể đến, như: xi măng và clanker; hóa chất; chất dẻo nguyên liệu; túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù; sản phẩm mây, tre, cói và thảm; gỗ và sản phẩm gỗ; xơ, sợi dệt các loại; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh; hàng dệt, may, điện thoại các loại và linh kiện; đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận; quặng và khoáng sản khác…
Ở chiều ngược lại, hoạt động xuất khẩu hàng hóa ghi nhận mức tăng trưởng khá của các nhóm hàng, như: thủy sản; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc; cao su, sản phẩm từ cao su; giấy và các sản phẩm từ giấy; xăng dầu; sản phẩm gốm, sứ; giày dép các loại; vải mành, vải kỹ thuật; sắt thép; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dây điện và dây cáp điện; phương tiện vận tải và phụ tùng… với mức tăng trưởng từ 10% đến trên 600% so với cùng kỳ năm trước. Chính sự tăng trưởng mạnh của các nhóm hàng này đã tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng chung của kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022 và bằng 50% kế hoạch năm.
Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực đã cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh thời gian vừa qua. Hầu hết các doanh nghiệp đã nỗ lực cải tiến dây chuyền, công nghệ sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động tìm kiếm đối tác, thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng… Từ đó, duy trì hoạt động ổn định, tạo nguồn hàng quan trọng cho xuất khẩu. Đơn cử như Công ty cổ phần Casablanca Việt Nam, Khu công nghiệp Châu Sơn (thành phố Phủ Lý), từ đầu năm 2023 đến nay, mặc dù phải đối mặt với khó khăn do số lượng và quy mô các đơn hàng xuất khẩu bị sụt giảm, nhưng Casablanca Việt Nam vẫn đầu tư máy móc với công nghệ hiện đại, chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Nhờ đó, công ty vẫn duy trì ổn định sản xuất, bảo đảm doanh thu, việc làm cho người lao động.
Sản xuất tại Công ty TNHH YIC Việt Nam, Khu công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý. Ảnh: Hân Hân
Ông Nguyễn Viết Thạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Casablanca Việt Nam cho biết: Tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến thị trường xuất khẩu của công ty gặp khó khăn trong một số thời điểm. Tuy nhiên, nhờ mạnh dạn nâng cấp các dây chuyền sản xuất theo hướng tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại đã giúp Casablanca ngày càng tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường Mỹ, Canada, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản… Hiện, Casablanca Việt Nam vẫn đang tiếp tục quan tâm cải tiến mẫu mã với mục tiêu tìm kiếm thêm các đối tác mới có tiềm năng ở thị trường châu Âu, châu Mỹ trong thời gian tới.
Để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nói chung, hoạt động xuất khẩu hàng hóa nói riêng, tỉnh Hà Nam đã và đang chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, nhất là doanh nghiệp có dự án mới hoàn thành và đi vào hoạt động, những doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19; tập trung thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng xã hội, các dịch vụ phục vụ hoạt động của các khu công nghiệp, như: nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở chuyên gia, các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, các công trình công cộng, công trình phúc lợi xã hội, trường học, bệnh viện... nhằm tạo điều kiện cho người lao động có chỗ ở ổn định, yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Thời gian qua, tỉnh cũng đã quan tâm thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện nghiêm chính sách tiền tệ, triển khai thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… nhằm thúc đẩy phát triển, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương, để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu hàng hóa, thời gian qua, Sở Công thương đã đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là đối với việc cấp giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, giúp doanh nghiệp sớm hoàn thành thủ tục xuất khẩu. Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở đã tích cực phối hợp với Chi cục Hải quan Hà Nam nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn để tổng hợp, phân tích, đánh giá thuận lợi, khó khăn trong hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh. Cùng với đó, xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Để hoạt động xuất khẩu có sự bứt phá ở các thị trường quan trọng, như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Sở đã thông báo và mời các doanh nghiệp tham gia các sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế, tham gia đoàn giao dịch xúc tiến thương mại tại Qatar và Ethiopia; tham gia đoàn giao dịch xúc tiến thương mại và diễn đàn giao thương tại Tokyo, Nhật Bản...
Để đạt mục tiêu, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh trong năm 2023 với mức 6,4 tỷ USD theo mục tiêu kế hoạch đề ra, Chi cục Hải quan Hà Nam đang tập trung thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, quản lý xuất nhập khẩu; duy trì hiệu quả hoạt động tư vấn hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động xuất khẩu, bảo đảm cho việc thông quan hàng hóa được nhanh chóng, thuận lợi…