Xuất khẩu hàng hóa qua thị trường Nhật Bản chỉ tăng 4%

Ngày 26-8, tại cuộc họp xúc tiến tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM (ITPC) cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nhật Bản từ đầu năm đến nay chỉ tăng mức thấp, khoảng 2,8% so với cùng kỳ năm trước.

 Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) phát biểu tại cuộc họp

Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) phát biểu tại cuộc họp

Theo ông Trần Phú Lữ, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản trong 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 25,87 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản ước đạt 13,46 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ. Riêng với TPHCM, kim ngạch xuất khẩu của thành phố sang Nhật Bản đạt 1,3 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ.

Liên quan vấn đề này, bà Quyền Thị Thúy Hà, Tham tán thương vụ Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản, Bộ Công thương cho biết, hiện những nhóm hàng hóa Việt Nam được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản là dệt may; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc, thiết bị, dụng cụ; gỗ và các sản phẩm gỗ, hàng thủy sản; điện thoại và linh kiện. Hiện Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản nên dư địa và cơ hội còn rất lớn.

Bên cạnh đó, tại Nhật Bản, số lượng người Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc là khoảng 500 ngàn người, chiếm 16% người nước ngoài, đông thứ 2 và được nhận định sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Vì vậy, đây cũng là một lực lượng người tiêu dùng tiềm năng và đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản.

 Nhiều doanh nghiệp tham gia tìm hiểu các cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nhật Bản

Nhiều doanh nghiệp tham gia tìm hiểu các cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nhật Bản

Do vậy, để gia tăng thị phần tại đây, doanh nghiệp Việt cần đáp ứng các yêu cầu của thị trường Nhật Bản. Theo đó, cần tập trung vào đảm bảo các quy định và tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm; yếu tố về thẩm mỹ, tính tiện dụng trong bao bì mẫu mã; mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện môi trường đòi hỏi trách nhiệm xã hội cao của nhà sản xuất.

Đồng thời, thường xuyên nghiên cứu, cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm từ quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản đến sản xuất chế biến đến đóng bao bì, lưu thông. Đặc biệt, cần tăng cường tham gia các hoạt động, chương trình quảng bá, xúc tiến, giới thiệu phù hợp tại Nhật, hướng đến mục tiêu chinh phục khách hàng Nhật.

MINH XUÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xuat-khau-hang-hoa-qua-thi-truong-nhat-ban-chi-tang-4-post755769.html