Xuất khẩu lao động 2020: Kỳ vọng từ những cơ hội mới
Năm 2020, xuất khẩu lao động tiếp tục hứa hẹn sẽ có thêm nhiều cơ hội cho người lao động nữa khi bên cạnh việc phái cử lao động phổ thông, thì cánh cửa tiếp nhận lao động có trình độ cao của Việt Nam ngày càng rộng mở.
Năm 2019, kỷ lục mới về số lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc đã được thiết lập với gần 148 nghìn người. Đây là năm thứ 6 liên tiếp, số lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc vượt trên con số 100 nghìn người và đã hoàn thành kế hoạch 2016-2020 sớm 1 năm.
Năm nay, xuất khẩu lao động tiếp tục hứa hẹn sẽ có thêm nhiều cơ hội cho người lao động nữa khi bên cạnh việc phái cử lao động phổ thông, thì cánh cửa tiếp nhận lao động có trình độ cao của Việt Nam ngày càng rộng mở.
Nhiều cơ hội mới
Kỳ vọng lớn của xuất khẩu lao động còn là hàng loạt các bản ghi nhớ về phái cử lao động giữa Việt Nam và các nước được ký kết trong năm qua tại các thị trường như: Nhật Bản, CHLB Đức, thị trường một số nước Đông Âu… Đặc biệt trong đó là những thị trường có thu nhập cao như CHLB Đức.
Tin vui đối với lao động Việt Nam những ngày cuối cùng của năm 2019 là CHLB Đức đã lên kế hoạch tuyển dụng lao động Việt Nam nhằm đối phó với việc thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động lành nghề. Có tới 80% số bệnh viện ở Đức thiếu lực lượng điều dưỡng viên. Đội ngũ bác sĩ cũng bị thiếu nghiêm trọng ở nhiều bệnh viện, khi có tới 76% trong số gần 2.000 bệnh viện phải tìm kiếm bác sĩ cho các vị trí bị bỏ trống trong bệnh viện.
Tại cuộc gặp gỡ trao đổi với Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Liên hiệp Các bệnh viện Đức (DKG), ông Gerald Gaß cho rằng cần có chính sách hành động mạnh mẽ để thu hút người làm công tác điều dưỡng, bởi tình thế hiện đã ở mức "nghiêm trọng".
Nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động lành nghề hiện nay, ngày 16-12 vừa qua, Chính phủ Đức đã thông qua kế hoạch tuyển dụng và thu hút nguồn nhân lực từ các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU), trong đó trước mắt tập trung thu hút nguồn nhân lực của một số nước như Việt Nam, Ấn Độ, Brazil...
Cơ hội còn mở ra ở cả các thị trường truyền thống khi theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, thời gian tới, Nhật Bản đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 345.000 lao động nước ngoài làm việc trong các ngành nghề: hộ lý chăm sóc người cao tuổi, lưu trú khách sạn...
Đặc biệt, Nhật Bản đang cần rất nhiều hộ lý, điều dưỡng viên để chăm sóc người già, người bệnh tại các bệnh viện, cơ sở dưỡng lão với mức lương cao. Trên 1.100 hộ lý, điều dưỡng viên Việt Nam đã, đang làm việc tại Nhật. Con số này sẽ tăng trong những năm tới khi Nhật Bản đang có những chính sách "cởi mở" hơn để tiếp nhận lao động Việt Nam...
"Lao động Việt Nam nói chung, nhất là các hộ lý, điều dưỡng viên người Việt rất thân thiện, chăm chỉ, tận tình, trách nhiệm nên được lòng các cơ sở tiếp nhận của chúng tôi. Nhật Bản đang trong quá trình già hóa dân số, lao động thiếu hụt nhiều nên lúc nào cũng có nhu cầu lao động ngoài nước. Chúng tôi rất thích lao động Việt Nam bởi họ thông minh, học tiếng Nhật và nắm bắt công việc nhanh...", ông Takahashi Naoto, cán bộ của Chính phủ Nhật Bản phụ trách lao động nước ngoài tại tỉnh Yamanashi, trao đổi về Chương trình phái cử điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản (EPA).
Mở rộng các thị trường có thu nhập cao
Theo con số của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), năm 2019, Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu thị trường tiếp nhận lao động với 80.002 lao động, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) 54.480 lao động, Hàn Quốc 7.215 lao động, Romania 1.400 lao động, Saudi Arabia 1.357 lao động và các thị trường khác.
Trong năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, mục tiêu đặt ra là đưa được 130 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao và ổn định. Ngoài việc tập trung vào thị trường truyền thống, trong 2020 sẽ đẩy nhanh tiến độ, tiến tới ký kết thỏa thuận hợp tác lao động với CHLB Đức.
Dự kiến trong năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH hội sẽ ký với cơ quan lao động của CHLB Đức thỏa thuận hợp tác tiếp nhận lao động có kỹ năng của Việt Nam sang làm việc tại nước này trong 12-13 ngành nghề mà Đức đang có nhu cầu.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, một số thị trường lao động mới đã được mở ra tạo thêm cơ hội cho người lao động lựa chọn như Bungari, Hungari, Đức. Trước xu thế đô thị hóa cao, già hóa dân số xảy ra ở tất cả các châu lục, trừ châu Phi, sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, biến đổi khí hậu đã khiến nhiều nước rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động. Vì thế, một số quốc gia như Phần Lan muốn gặp Bộ LĐ-TB&XH, đề nghị hợp tác tiếp nhận lao động.
“Năm nay mục tiêu là đưa được 130 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài và tập trung vào thị trường có thu nhập cao. Bộ sẽ tổ chức hoạt động xúc tiến, trao đổi với cơ quan chức năng các nước để đàm phán ký kết hoặc gia hạn các thỏa thuận về hợp tác tiếp nhận lao động Việt Nam đến làm việc, nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích của người lao động, doanh nghiệp cũng như tăng số lượng tiếp nhận lao động Việt Nam ở các địa bàn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, theo đánh giá của đối tác, tình trạng lao động bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp có dấu hiệu giảm. Tuy vậy, trước những vấn đề không mong muốn xảy ra khi lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, ông Dung cũng khuyến cáo khi người lao động không đi qua công ty xuất khẩu lao động sẽ gặp nhiều rủi ro tại thị trường đến.
“Chúng tôi khuyến cáo người lao động có ý định ra nước ngoài làm việc lường trước các tình huống xấu có thể xảy ra để lựa chọn cách đi tốt nhất bảo vệ được mình, có việc làm tốt, không vi phạm pháp luật, không bị truy quét và trục xuất”, ông Dung nhấn mạnh.