Xuất khẩu lao động: Chủ động đào tạo kỹ năng

Thực tiễn yêu cầu doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên để chủ động bổ túc, nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với yêu cầu của từng thị trường lao động.

Những năm qua, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2018 tiếp tục là một năm thành công trên lĩnh vực XKLĐ với tổng số người lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt trên 142 nghìn người và cũng là năm thứ 5 liên tiếp vượt mức kế hoạch và đạt con số trên 100 nghìn lao động. Riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã có 67.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 55,82% kế hoạch năm. Tính chung đến nay, Việt Nam đã đưa được hơn 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Hiện, cả nước có 362 doanh nghiệp được cấp giấy phép dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại trên 40 nước và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề.

Các cơ sở tiếp nhận Nhật Bản chú trọng đào tạo trước khi tuyển tại Việt Nam

Các cơ sở tiếp nhận Nhật Bản chú trọng đào tạo trước khi tuyển tại Việt Nam

Hoạt động xuất khẩu lao động đã và đang đóng góp quan trọng vào công tác giải quyết việc làm hàng năm, bình quân khoảng 10% tổng số lao động được giải quyết việc làm của cả nước, mở ra cơ hội có việc làm và thu nhập cao. Với mức thu nhập tốt, nhiều lao động khi về nước đã có cuộc sống tốt hơn, gián tiếp đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Song song với đó còn tạo ra một đội ngũ nhân lực chất lượng cao được tôi luyện dài ngày trong môi trường làm việc tiên tiến, hiện đại, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhân lực trong bối cảnh CMCN 4.0 hiện nay, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết.

PGS - TS Nguyễn Cảnh Toàn, Trường Đại học Thăng Long Hà Nội khẳng định rằng, đây là cơ hội vàng, với thu nhập hấp dẫn. Có điều, dù số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài liên tục gia tăng nhanh, nhưng chất lượng hiện tại vẫn thấp xa so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Lao động có trình độ chuyên môn cao vẫn chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn, số lượng kỹ sư và kiến trúc sư đạt tiêu chuẩn ASEAN của Việt Nam cũng thấp hơn so với Indonesia và Myanmar.

Ông Toàn cũng dẫn ra những số liệu đáng buồn về thực trạng lao động của Việt Nam như tỷ lệ lao động có tay nghề hiện nay chỉ chiếm khoảng 20-30%. Lao động Việt Nam sang nước ngoài chủ yếu làm các công việc giản đơn, phổ thông ở các thị trường có thu nhập thấp. Đặc biệt năng lực ngoại ngữ - công cụ giao tiếp hàng ngày khi đi làm việc ở nước ngoài lại trở thành điểm yếu của lao động Việt Nam. Các ứng viên có điểm thi chứng chỉ năng lực tiếng Anh IELTS chỉ đạt bình quân 5,78 điểm, thuộc nhóm trung bình thấp, đứng sau Malaysia (6,64 điểm), Philipines (6,53 điểm).

Do đó, không quá ngạc nhiên khi thu nhập bình quân của người lao động Việt Nam sau khi trừ đi các chi phí sinh hoạt thấp đáng kể. Tính bình quân chung, thu nhập sau khi trừ chi phí sinh hoạt của lao động Việt Nam tại các thị trường có thu nhập thấp, sử dụng giản đơn (Malaysia) khoảng từ 3-4 triệu đồng/tháng, từ 7-12 triệu đồng/tháng tại các thị trường có thu nhập trung bình (Trung Đông, Đông Âu), từ 15 – 20 triệu đồng/tháng tại các thị trường có thu nhập cao (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan).

Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cho rằng, lao động Việt Nam không chỉ yếu về ngoại ngữ mà ý thức chấp hành kỷ luật, quy định về lao động của nước sở tại còn kém. Nhiều chủ sử dụng đánh giá lao động Việt Nam làm việc chăm chỉ nhưng lại không theo quy trình. Vì vậy, hiện nhiều doanh nghiệp làm công tác xuất khẩu lao động đã chủ động đào tạo lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Và quy trình này đang cho những trái ngọt. Đơn cử như thị trường Nhật Bản, được phía bạn đánh giá tốt nên Việt Nam là quốc gia thứ 3 trong khu vực cùng với Indonesia và Philipines có thỏa thuận đưa điều dưỡng và hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản. Chất lượng của ứng viên được đánh giá cao dẫn tới nhu cầu tiếp nhận phía Nhật Bản luôn cao.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phản ánh rất khó khăn trong việc tuyển chọn nguồn nhân lực chất lượng, đặc biệt khi đối tác yêu cầu tuyển dụng lao động trong thời gian ngắn. Thực tiễn yêu cầu doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên để chủ động bổ túc, nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với yêu cầu của từng thị trường lao động. Hàng năm lao động đi làm việc ở nước ngoài mang về từ 2,5 – 3 triệu USD kiều hối. Nếu nâng cao chất lượng nguồn lao động, đưa tới những thị trường phát triển thì con số này sẽ còn cao hơn.

Hiện các thị trường chính của Việt Nam tiếp tục được củng cố và tăng cường (khu vực Đông Bắc Á, Trung Đông, Malaysia), đồng thời chú trọng mở rộng thêm thị trường Singapore, Brunei, Saudi Arabia; hướng mạnh đến các thị trường có thu nhập cao như Mỹ, Australia, Canada, Phần Lan, Ý, Đức… Mục tiêu đưa 120.000 lao động đi làm việc ở ngoài nước hoàn toàn có thể đạt được khi Bộ LĐ-TB&XH ký kết nhiều hiệp định và thỏa thuận XKLĐ thời gian qua.

Thu Trang

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/xuat-khau-lao-dong-chu-dong-dao-tao-ky-nang-93285.html