Xuất khẩu lao động – Cơ hội đổi đời cho người dân vùng khó tại Đắk Lắk
Xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Những năm gần đây, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động.
Gia đình bà Lê Thị Phi Yến, ở tổ dân phố 7, thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông vài năm trước vẫn thuộc diện hộ nghèo. Năm 2019, khi cậu con trai Lê Đăng Khoa đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, cuộc sống của gia đình bà đã đổi thay. Bà Yến cho biết, mỗi tháng, sau khi trừ các chi phí, anh Khoa đều đặn gửi về cho gia đình hơn 20 triệu đồng. Nhờ vậy, chỉ sau một năm, từ khoản tiền con trai gửi về, bà Yến đã trả được số nợ vay trước đó; đồng thời có vốn xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà, heo và đào ao nuôi cá để phát triển kinh tế.
“Con tôi sau 3 năm qua bên đó cuộc sống cũng ổn định, có tiền gửi về để làm nhà, hơn nữa con tôi cũng tiếp thu được cuộc sống xã hội văn minh, làm được điều tốt cho xã hội, tôi thấy rất vui. Ở đây cũng nhiều người đi xuất khẩu lao động đem một số vốn cũng lớn về, nhờ đó cuộc sống ổn định”, bà Yến phấn khởi.
Nhà đông con nên dù quanh năm làm lụng vất vả nhưng cuộc sống của gia đình ông Y Hai Niê, ở buôn Hluk, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin vẫn khó khăn. Biết được thông tin về xuất khẩu lao động, gia đình ông đã vay mượn tiền để cho con gái là H’Hằng B’Krông đi làm tại Nhật Bản. Với công việc trong ngành vệ sinh nhà ở, khách sạn, H’Hằng được trả 4 triệu đồng/ngày. Chỉ sau 1 năm làm việc, H’Hằng đã gửi tiền về để bố mẹ trả hết khoản vay. Hiện cả 2 vợ chồng H’Hằng đều lao động bên Nhật Bản, mỗi tháng đều gửi tiền về phụng dưỡng bố mẹ.
“Con tôi đi xuất khẩu lao động để giúp phần nào cuộc sống của mình đỡ khó khăn. Bây giờ đã đỡ, cuộc sống cũng tạm ổn, mong cho con làm tốt để sau này đi lên phát triển từng bước”, ông Y Hai Niê nói.
Theo số liệu báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2019 đến tháng 10/2023, toàn tỉnh đã có 5.763 người xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài. Các thị trường chủ yếu Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…, với các ngành nghề chủ yếu: Cơ khí, xây dựng, lắp ráp điện tử, nông nghiệp… Thu nhập bình quân của người lao động đi làm việc ở nước ngoài khoảng 20 triệu đồng/người/tháng.
Theo bà Đặng Thị Huyền Trang, Phó Trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Cư Kuin, những năm qua, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ, song thực tế, số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn ít so với nguồn nhân lực của tỉnh. Trình độ tay nghề, ngoại ngữ, tác phong lao động công nghiệp còn hạn chế. Do vậy, để nguồn lao động đi làm việc đạt chất lượng thì khâu tuyên truyền, tuyển chọn và định hướng nghề cũng như chọn thị trường lao động là điều cần thiết.
“Trong thời gian tới, Phòng Lao động Thương binh Xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như của tỉnh về các hoạt động xuất khẩu lao động giúp người dân nâng cao nhận thức nắm rõ thông tin thị trường lao động, tiếp tục đẩy mạnh các mô hình liên kết giữa cấp xã, các doanh nghiệp và người lao động; tổ chức các phiên giao dịch việc làm, quan tâm tuyển dụng nguồn lao động có chất lượng cũng như tham mưu Ủy ban huyện về cho vay vốn xuất khẩu lao động”, bà Đặng Thị Huyền Trang cho biết.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII đề ra chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025, Đắk Lắk phấn đấu giải quyết việc làm cho 150.000 người; đưa 7.000 - 7.500 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đến nay, số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 3.480 người, bằng 50% kế hoạch đề ra.
Về những giải pháp để thực hiện mục tiêu này, ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Hiện nay, Sở cũng đã dự thảo xong để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND ban hành Đề án về xuất khẩu lao động đưa người Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, và sẽ mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường Châu Âu để có nhiều sự lựa chọn cho các đối tượng tham gia. Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự tham gia mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương và tập trung vào 2 huyện nghèo và các dối tượng nghèo trên địa bàn toàn tỉnh để đưa họ đi làm việc ở nước ngoài một phần nâng cao thu nhập, một phần tích lũy kinh nghiệm để chuẩn bị lực lượng lao động cho việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa tới đây khi tỉnh thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Đắk Lắk”.
Xuất khẩu lao động là một kênh giải quyết việc làm hiệu quả, mỗi năm đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho địa phương, góp phần đào tạo nghề, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho một bộ phận người lao động. Cuộc sống của nhiều người lao động đã đổi thay nhờ bước ngoặt mang tên xuất khẩu lao động.