Xuất khẩu lao động - Đón đầu cơ hội mở cửa

Sau thời gian dài bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới đã bắt đầu mở cửa đón lao động nước ngoài trở lại làm việc. Nắm bắt cơ hội này, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường lao động ngoài nước, thúc đẩy chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ) gắn với mục tiêu giải quyết việc làm.

Ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh

Dịch Covid – 19 khiến tình hình sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không ít doanh nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới phải dừng hoạt động, phá sản, cắt giảm việc làm; nhiều thị trường XKLĐ truyền thống của tỉnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đóng cửa khiến không ít lao động đã được đào tạo nhưng không thể xuất cảnh.

Người lao động được cán bộ Trung tâm DVVL tỉnh tư vấn các đơn hàng đi XKLĐ. Ảnh: Dương Hà

Người lao động được cán bộ Trung tâm DVVL tỉnh tư vấn các đơn hàng đi XKLĐ. Ảnh: Dương Hà

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tâm lý người lao động còn lo lắng, e ngại chưa muốn đăng ký đi XKLĐ nên từ năm 2020 đến nay, hoạt động XKLĐ của tỉnh bị chững lại.

Huyện Tam Dương được xem là điểm sáng về XKLĐ bởi luôn đạt và vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Trước khi có dịch Covid – 19, mỗi năm huyện có từ 100 - 200 người tham gia XKLĐ ở các thị trường với đủ các ngành nghề xây dựng, may mặc, chế biến thực phẩm, điện tử, nông nghiệp.

Hằng năm, từ nguồn thu nhập do lao động xuất khẩu chuyển về đã giúp các gia đình mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nâng cao mức sống ở địa phương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch, năm 2021, toàn huyện chỉ có 55 người đi XKLĐ.

Anh Phùng Đức Nhân, ở thôn Hóc, xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương mặc dù đã thi đỗ đơn hàng, đủ điều kiện XKLĐ sang thị trường Nhật Bản , nhưng anh vẫn chưa thể xuất cảnh.

Anh tâm sự: "Tôi rất sốt ruột nhưng vẫn phải chờ đợi. Thời gian qua, tôi ở nhà phụ giúp việc gia đình, chạy xe ôm, chở hàng thuê để có thu nhập. Biết tin Nhật Bản mở cửa đón người lao động quay trở lại làm việc từ tháng 3/2022, tôi rất mừng và đang ôn lại tất cả kiến thức về ngoại ngữ, văn hóa của Nhật Bản để không bị bỡ ngỡ, chuẩn bị xuất cảnh vào tháng 4/2022".

Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tam Dương Nguyễn Hữu Thủy cho biết: Huyện luôn coi XKLĐ là kênh quan trọng giúp người lao động địa phương giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.

Năm nay, huyện được giao 85 chỉ tiêu XKLĐ. Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện đã xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn; huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền để thu hút người lao động tham gia XKLĐ.

Huyện tích cực phối hợp với Trung tâm DVVL tỉnh, Trung tâm DVVL Thanh niên (Tỉnh Đoàn) thông báo các đơn hàng cho người lao động ở từng thôn, xóm; tư vấn về độ tuổi, ngành, nghề phù hợp, mức lương, thu nhập, văn hóa nước sở tại và hướng dẫn mọi thủ tục cần thiết để người lao động đi XKLĐ thuận lợi nhất.

Tín hiệu tích cực

Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu đưa 1.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Khi dịch Covid – 19 được kiểm soát, các nước dần thích ứng với dịch trong trạng thái “bình thường mới”, trong đó, từ tháng 3/2022, Nhật Bản và một số thị trường truyền thống đã mở cửa đón lao động nước ngoài trở lại làm việc là cơ hội khôi phục hoạt động XKLĐ.

Ở những thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, ngoài các chương trình mà Việt Nam và các quốc gia đã ký kết, các nước này đang đẩy mạnh thu hút nhân lực có chất lượng, nhất là nhân lực có tay nghề cao.

Đây là tín hiệu đáng mừng, thúc đẩy giải quyết việc làm ngoài nước cho lao động Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng. Hiện tại, Trung tâm DVVL tỉnh đang có 60 lao động hoàn thành chương trình học ngoại ngữ, giáo dục định hướng, đủ điều kiện, sẵn sàng xuất cảnh sang thị trường Nhật Bản và 43 lao động đang hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đi XKLĐ theo chương trình EPS của Hàn Quốc.

Phó Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Phùng Quốc Ban cho biết: Đối với những lao động chuẩn bị xuất cảnh, trung tâm tăng cường tư vấn, trang bị đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm, kiểm tra sức khỏe, động viên người lao động học tập, nâng cao trình độ, tay nghề, ôn luyện ngoại ngữ, tìm hiểu văn hóa, phong tục và nâng cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19 ở nước sở tại để không bị bỡ ngỡ.

Đối với công tác tạo nguồn XKLĐ, trung tâm đẩy mạnh tuyên tuyền chương trình XKLĐ tới từng thôn, xóm, tổ dân phố qua mạng lưới cộng tác viên cơ sở; phối hợp với doanh nghiệp XKLĐ mở các hội nghị tư vấn XKLĐ ở địa phương, tư vấn qua sàn giao dịch việc làm online và tư vấn cho học sinh THPT, các cơ sở đào tạo nghề, hướng nghiệp giúp người lao động lựa chọn thị trường phù hợp, tiềm năng, có thu nhập cao và ổn định.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả đào tạo ngoại ngữ, tay nghề, giáo dục định hướng đảm bảo nguồn lao động đạt chất lượng khi tham gia thị trường lao động các nước trong khu vực và quốc tế.

Để đón đầu cơ hội khi các quốc gia mở cửa nhận lao động nước ngoài, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp với các địa phương tuyên truyền về Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về XKLĐ; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, đào tạo lao động xuất khẩu; tích cực nghiên cứu, tìm hiểu thị trường.

Đồng thời, lựa chọn, cấp phép những doanh nghiệp XKLĐ uy tín để tư vấn, định hướng cho người lao động, nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong XKLĐ gây thiệt hại cho người lao động; tham mưu chính sách hỗ trợ người lao động Vĩnh Phúc đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài giai đoạn 2022 – 2025, nhằm tạo động lực, khuyến khích người lao động tích cực tham gia chương trình XKLĐ.

Phương Loan

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/75181/xuat-khau-lao-dong---don-dau-co-hoi-mo-cua.html