Xuất khẩu lao động: Hiệu quả từ nhiều giải pháp đồng bộ
Thời gian qua, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã tích cực tuyên truyền, tư vấn cho người dân về vấn đề xuất khẩu lao động.
Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu này, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã tích cực tuyên truyền, tư vấn cho người dân.
Theo số liệu của Sở Lao động - TB&XH, trong 10 năm (2012-2022), tỉnh Thái Nguyên có 11.755 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tại 7 quốc gia, vùng lãnh thổ. Riêng năm 2022 có 1.914 người, trong đó có 793 người đi làm việc tại Nhật Bản; 1.005 người làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc); 19 người làm việc tại Malaysia; 97 người làm việc tại Trung Quốc, Singapore, Hungary.
Năm 2023, lũy kế đến ngày 12-9, có 1.854 người đi XKLĐ, tăng 658 người so với cùng kỳ năm trước, gồm: 819 người đi làm việc tại Nhật Bản; 893 người làm việc tại Đài Loan; 65 người làm việc tại Hàn Quốc; 60 người làm việc tại các thị trường khác (như Malaysia, Trung Quốc, Saudi Arabia...).
Với nhiều ngành nghề khác nhau, từ lao động giản đơn đến lao động kỹ thuật cao, đa số người lao động (NLĐ) đều có ngoại tệ gửi về sau 3 tháng làm việc tại nước ngoài. Với mức lương bình quân khoảng 20 triệu đồng/người/tháng, riêng số lao động xuất cảnh trong năm 2022 và 9 tháng năm 2023 (gồm 3.768 người) sẽ gửi về cho gia đình số tiền hơn 75 tỷ đồng/tháng.
Để đạt được kết quả trên, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, vận động NLĐ tham gia XKLĐ.
Đặc biệt, hàng năm, ngành Lao động - TB&XH tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hướng tinh gọn các thủ tục, trình UBND tỉnh phê duyệt; đồng thời chọn lọc các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực XKLĐ có đủ điều kiện pháp lý, năng lực, uy tín, bảo đảm an toàn và mang lại nhiều lợi ích nhất cho NLĐ.
Với tinh thần “không mang con bỏ chợ”, Sở Lao động - TB&XH tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật về hoạt động đưa NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; nắm bắt thông tin phản ánh của gia đình có người thân đang làm việc ở nước ngoài, từ đó chấn chỉnh kịp thời những khiếm khuyết trong công tác XKLĐ. Tỉnh kiên quyết không để các doanh nghiệp thiếu năng lực, thiếu uy tín về địa phương vận động người dân ra nước ngoài làm việc.
Qua tuyên truyền, người dân nắm bắt được đầy đủ thông tin liên quan đến XKLĐ, lợi ích của XKLĐ và luật pháp của nước đến. Thông qua ngày hội việc làm và phiên giao dịch việc làm được Sở Lao động TB&XH tổ chức tại các địa phương, mỗi năm có hàng nghìn NLĐ trong tỉnh được tuyên truyền, tiếp nhận thông tin chính xác về thị trường lao động ngoài nước.
Các doanh nghiệp XKLĐ cũng tổ chức tuyên truyền, giới thiệu cơ hội việc làm, mức thu nhập và chính sách ưu đãi của doanh nghiệp dành cho NLĐ. Nhân đó, NLĐ được gặp trực tiếp nhà tuyển dụng, nghe tư vấn về công việc, trả lời phỏng vấn và có thể thỏa thuận trực tiếp với doanh nghiệp về công việc làm, mức lương và các chế độ liên quan.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đi làm việc ở ngoài nước, giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp đã có sự thỏa thuận, hợp tác đào tạo nghề, bồi dưỡng ngoại ngữ, trang bị kiến thức pháp luật cho người học... Do được trang bị các kỹ năng cơ bản trước khi ra nước ngoài làm việc nên hầu hết NLĐ không bị bỡ ngỡ, nhanh chóng ổn định công việc.
Những năm tiếp theo, các cấp, ngành chức năng của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về thị trường lao động ngoài nước, các chính sách ưu đãi dành cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tăng cường đào tạo nghề, tư vấn, hướng nghiệp, thông tin việc làm; trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản để NLĐ chủ động lựa chọn tham gia thị trường lao động ngoài nước…