Xuất khẩu ngày 1-7/7: Tận dụng lợi thế FTA, Việt Nam lần đầu tiên xuất siêu sang thị trường này; xuất khẩu sầu riêng dự báo đạt kỷ lục

Nhiều mặt hàng nhập khẩu ghi nhận tăng trưởng 2 con số; sầu riêng thu lãi lớn, dự báo đạt xuất khẩu kỷ lục; Việt Nam lần đầu tiên xuất siêu sang thị trường này... là những tin xuất khẩu nổi bật từ 1-7/7.

Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nêu rõ thuế suất AKFTA 0% cho nhiều loại hàng hóa. (Nguồn: Báo Hải quan)

Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nêu rõ thuế suất AKFTA 0% cho nhiều loại hàng hóa. (Nguồn: Báo Hải quan)

Sửa Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện Hiệp định AKFTA

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 81/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) giai đoạn 2022 – 2027.

Theo đó, Nghị định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam (thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt áp dụng sau đây gọi là thuế suất AKFTA) và Danh mục hàng hóa áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ngoài hạn ngạch của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2023 – 2027 mới.

Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam (thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt áp dụng sau đây gọi là thuế suất AKFTA) nêu rõ thuế suất AKFTA 0% cho nhiều loại hàng hóa như: Động vật sống; thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ…

Thuế suất AKFTA 5% cho một số loại hàng hóa phân khoáng hoặc phân hóa học, có chứa phosphat (phân lân), mỹ phẩm hoặc các chế phẩm để trang điểm và các chế phẩm dưỡng da (trừ dược phẩm), kể cả các chế phẩm chống nắng hoặc bắt nắng; các chế phẩm dùng cho móng tay hoặc móng chân.

Đặc biệt, tại Nghị định, Chính phủ bổ sung Danh mục hàng hóa áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ngoài hạn ngạch của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2023 – 2027.

Ngoài ra, theo quy định của Nghị định số 119/2022/NĐ-CP: Cột "Thuế suất AKFTA (%)": Thuế suất áp dụng từ ngày 30/12/2022 đến hết ngày 31/12/2027. Nghị định số 81/2024/NĐ-CP sửa đổi thành: Cột "Thuế suất AKFTA (%)": Thuế suất áp dụng từ ngày 28/11/2023 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2027.

Bên cạnh đó, Nghị định nêu rõ: Đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng hạn ngạch thuế quan gồm một số mặt hàng thuộc các nhóm hàng 04.07, 17.01, 24.01, 25.01, thuế suất AKFTA trong hạn ngạch là mức thuế suất quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đăi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định này, thuế suất AKFTA ngoài hạn ngạch là mức thuế suất quy định tại Danh mục hàng hóa áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ngoài hạn ngạch ban hành kèm theo Nghị định này.

Thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch đối với hàng hóa không thuộc Danh mục nêu trên thì áp dụng theo quy định tại Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan của Chính phủ tại thời điểm nhập khẩu.

Danh mục và lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu hàng năm theo quy định của Bộ Công Thương.

Xuất khẩu sầu riêng được dự báo đạt kỷ lục trong năm 2024

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruite), tháng 6/2024, xuất khẩu rau quả đạt khoảng 800 triệu USD, tăng 20,84% so với cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2024, xuất khẩu rau quả mang về 3,5 tỷ USD, so với cùng kỳ tăng 30,6%. Đáng chú ý, trong đó mặt hàng sầu riêng chiếm tới 1,5 tỷ USD.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhận định, năm nay Việt Nam đặt mục tiêu đạt doanh thu từ sầu riêng 3,5 tỷ USD, tăng 55% so với năm trước.

Trung Quốc là thị trường thu mua sầu riêng từ Việt Nam lớn nhất. (Ảnh: L.C)

Trung Quốc là thị trường thu mua sầu riêng từ Việt Nam lớn nhất. (Ảnh: L.C)

Trung Quốc là thị trường thu mua sầu riêng từ Việt Nam lớn nhất. Chỉ tính trong quý I/2024, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc với khối lượng đạt 32.750 tấn, trị giá 161 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần về lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc tính theo kim ngạch đã tăng từ mức 32% của năm 2023, lên mức 57%.

Hiện tại, các cơ quan chức năng phía Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất việc đàm phán kỹ thuật để đi đến ký kết nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc, sau đó sẽ thống nhất và ký nghị định thư. Nếu Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh thì giá trị xuất khẩu của sầu riêng sẽ tăng rất mạnh. Bởi, một container sầu đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ có giá trị cao gấp nhiều lần so với xuất khẩu quả tươi.

Năm 2023, Trung Quốc chi khoảng 1 tỉ USD để nhập khẩu sầu riêng đông lạnh nên khả năng năm đầu tiên tham gia thị trường Trung Quốc, Việt Nam có thể xuất được 300 - 500 triệu USD/năm.

Nhiều mặt hàng nhập khẩu ghi nhận tăng trưởng 2 con số

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2024 ước đạt 30,15 tỷ USD, giảm 7,9% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,95 tỷ USD, giảm 8,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,20 tỷ USD, giảm 7,2%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6 tăng 13,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 15,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 11,8%.

Trong quý II/2024, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 93,4 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 9,7% so với quý I/2024. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 65,74 tỷ USD, tăng 22,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 112,71 tỷ USD, tăng 14,1%.

Trong 6 tháng đầu năm 2024 có 33 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 88,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 5 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 50,2%).

Cơ cấu nhập khẩu hàng hóa của nước ta trong 6 tháng đầu năm cho thấy tín hiệu tích cực khi có tới 88,8% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là nhóm hàng cần nhập khẩu (trong đó bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước), với kim ngạch ước đạt 158,2 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực của sản xuất và xuất khẩu khi nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tăng khá cao.

Trong đó, riêng kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 48,8 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 27,4% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước; đồng thời, nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 22,3 tỷ USD, tăng 14,6%.

Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng khác cũng ghi nhận mức tăng cao ở mức hai con số như: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 21,9%; thép các loại tăng 24%; dây điện và cáp điện tăng 30%; chất dẻo nguyên liệu tăng 14,7%; nguyên phụ liệu dệt may, da giầy tăng 17,5%; vải các loại tăng 10,8%...

Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 2,1%. Tuy nhiên, một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao như: hàng điện gia dụng và linh kiện, tăng 19,2%; rau quả tăng 13,7%.

Bộ Công Thương cho hay, do sự phục hồi mạnh của sản xuất và xuất khẩu kéo theo nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước tăng cao nên nhập khẩu của nước ta trong nửa đầu năm 2024 từ hầu hết các thị trường chủ lực đều tăng.

Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước đạt 67 tỷ USD, tăng tới 34,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 37,6% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước; tiếp đến là nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc ước đạt 26,2 tỷ USD, tăng 7,4%; khu vực thị ASEAN ước đạt 22,56 tỷ USD, tăng 12,3%; Nhật Bản ước đạt 10,39 tỷ USD, tăng 1,7%; EU ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 5,2%; Hoa Kỳ ước đạt 7,06 tỷ USD, tăng 2,8%.

Tận dụng lợi thế FTA, Việt Nam lần đầu tiên xuất siêu sang thị trường này

Theo số liệu Thương vụ Việt Nam tại Australia tổng hợp từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tình hình thương mại song phương Việt Nam – Australia 5 tháng đầu năm đạt hơn 1,19 tỷ USD, trong đó, giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Australia đạt hơn 622,4 triệu USD; giá trị nhập khẩu đạt hơn 567,7 tỷ USD.

Kim ngạch thương mại song phương phục hồi tích cực, tháng 5/2024 tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái và 5 tháng đầu năm tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh (tăng 66,2% trong tháng 5 và tăng 31,1% trong 5 tháng đầu năm). Đáng chú ý, 5 tháng đầu năm 2024 Việt Nam xuất siêu 54,7 triệu USD; trong khi nhập siêu 5 tháng đầu năm cũng giảm mạnh (-66,1%), cho thấy quan hệ thương mại ngày càng cân bằng hơn.

Top 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 tháng đầu năm 2024. Cụ thể, máy móc, thiết bị phụ tùng đạt 405,4 triệu USD, tăng 121,5%; Điện thoại các loại và linh kiện đạt 362,7 triệu USD, tăng 25,2%; Dầu thô đạt 317,2 triệu USD, tăng 24,5%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 223,3 triệu USD, tăng 13,5%; Hàng dệt may đạt 209,6 triệu USD, tăng 20,6%.

Xuất khẩu máy móc, thiết bị phụ tùng sang Australia 5 tháng đầu năm 2024 đạt 405,4 triệu USD, tăng 121,5%. (Nguồn: Báo Công Thương)

Xuất khẩu máy móc, thiết bị phụ tùng sang Australia 5 tháng đầu năm 2024 đạt 405,4 triệu USD, tăng 121,5%. (Nguồn: Báo Công Thương)

Các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Australia cũng tăng trưởng tích cực. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản đạt 125,7 triệu USD tăng 7,7%; Gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 59 triệu USD, tăng 27%; Hàng rau quả đạt 41,3 triệu USD, tăng 36,2%; Hạt điều đạt 37,6 triệu USD, tăng 30,6%; Cà phê đạt 27,9 triệu USD, tăng 108,7%; Gạo đạt 9,97 triệu USD, tăng 20%; Hạt tiêu đạt 3,67 triệu USD, tăng 17,1%.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Australia sụt giảm trong 5 tháng đầu năm, ở hầu hết các mặt hàng nhập khẩu chính (than đá, bông, lúa mì, sắt thép các loại…). Nguyên nhân do, tình hình sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam cuối năm 2023 đầu năm 2024 cũng gặp nhiều khó khăn, thiếu đơn hàng, dẫn tới nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cũng bị ảnh hưởng, trong đó có các mặt hàng nhập khẩu từ Australia, khiến kim ngạch nhập khẩu sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.

Thương vụ Việt Nam tại Australia cho hay, hiện quan hệ song phương Việt Nam – Australia đang phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt chính trị, kinh tế - thương mại. Tháng 3/2024, hai nước đã chính thức nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện, mở ra triển vọng tiếp túc thúc đẩy thương mại thời gian tới.

Hiệu quả của các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là 3 Hiệp định FTA quan trọng (CPTPP, RCEP, AANZFTA) khi Việt Nam và Australia đều là thành viên với những ưu đãi đặc biệt về thuế quan khi thuế suất hầu hết các mặt hàng xuất khẩu vào Australia đều đã về mức 0%.

Sản phẩm hàng hóa của Việt Nam phong phú, đa dạng, một số sản phẩm Việt Nam đã tiếp cận được thị trường và khẳng định được thương hiệu, chất lượng như tôm, cá ba sa, hạt điều, hạt tiêu…; các sản phẩm khác cũng bắt đầu khẳng định chất lượng và giá trị nhập khẩu vào Australia ngày càng tăng.

Tuy nhiên, tại thị trường Australia có các quy định, rào cản kỹ thuật, rất khắt khe, thậm chí một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Hoa Kỳ và EU.

Mặt khác, Việt Nam không phải là đối tác FTA duy nhất của Australia. Hiện tại Australia có tới 11 FTA đã có hiệu lực với 20 đối tác, 9 FTA khác đang đàm phán hoặc chưa có hiệu lực với 14 đối tác mới (trong đó có EU). Các đối tác FTA này cũng được hưởng các cam kết ưu đãi của Australia và do đó sẽ cạnh tranh với Việt Nam khi tiếp cận thị trường này. Đáng chú ý, nhiều đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam về cơ cấu hàng xuất khẩu như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… đều có nhiều lợi thế về tiềm lực và kinh nghiệm.

(tổng hợp)

Vân Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xuat-khau-ngay-1-77-tan-dung-loi-the-fta-viet-nam-lan-dau-tien-xuat-sieu-sang-thi-truong-nay-xuat-khau-sau-rieng-du-bao-dat-ky-luc-277842.html