Xuất khẩu ngày 10-12/4: Cao dược liệu lần đầu 'xuất ngoại' đến Mỹ; điện thoại, máy tính Made in Vietnam thu về hơn 26 tỷ USD
Điện thoại, máy tính Made in Vietnam xuất khẩu thu về hơn 26 tỷ USD; Xuất khẩu dệt may tăng nhẹ; Lần đầu tiên xuất khẩu cao dược liệu sang Mỹ... là những tin chính trong bản tin xuất khẩu ngày 10-12/4.
Điện thoại, máy tính Made in Vietnam xuất khẩu thu về hơn 26 tỷ USD
Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng điện thoại di động sản xuất trong quý I/2021 đạt 54,4 triệu cái, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ti vi đạt hơn 4,45 triệu chiếc, tăng 30,9%.
Về hoạt động xuất khẩu, trong số 11 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD của quý 1 năm nay, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 14,1 tỷ USD, chiếm 18,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, nhóm sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện đạt 12 tỷ USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, trong cả năm 2020, sản phẩm điện thoại di động sản xuất đạt 253,2 triệu cái, gấp 1,3 lần năm 2016; ti vi lắp ráp đạt hơn 18 triệu cái, gấp 1,7 lần năm 2016.
Riêng nhóm hàng điện thoại di động và linh kiện xuất khẩu cả năm 2020 đạt 50,9 tỷ USD, giảm 1% so với năm 2019 do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện xuất khẩu đạt 44,7 tỷ USD, tăng 24,4% so với năm 2019.
Tổng cục Thống kê nhận định, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Sản phẩm chính của ngành này là linh kiện điện tử, điện thoại nguyên chiếc, linh kiện điện thoại, ti vi lắp ráp, máy tính bảng, iPad và máy vi tính.
Trong quý I/2021, Việt Nam đã cấp chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh vốn cho nhiều dự án có quy mô vốn đầu tư lớn.
Điển hình là dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD; Dự án Nhà máy Fukang Technology (Singapore) với vốn đầu tư đăng ký 293 triệu USD để thực hiện việc sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay tại Bắc Giang. Đây là dự án có ý nghĩa lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Đáng chú ý nhất là công ty Samsung Electronics, đóng góp trung bình tới hơn 1/5 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 5 năm trở lại đây và đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất điện thoại di động thông minh của tập đoàn Samsung Electronics trên thế giới.
Xuất khẩu dệt may tăng nhẹ trong quý I/2021
Trong quý 1/2021, xuất khẩu dệt may đã có những bước hồi phục, đạt 7,18 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ, đây là mức tăng không cao nhưng được kỳ vọng mở ra những tín hiệu tích cực cho giai đoạn tiếp theo.
Theo Bộ Công Thương, ngành dệt may trong quý I/2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước. Dù dịch bệnh vẫn còn, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay các doanh nghiệp đã tìm được hướng đi phù hợp, thị trường dệt may, da giày thế giới đã dần sôi động trở lại. Tuy số lượng và đơn giá sản phẩm chưa trở lại bằng ngưỡng năm 2019, nhưng tín hiệu thị trường đã dần hồi phục.
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc quý I/2021 ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 31%; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 8,8%.
Sự hồi phục về xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2021 đã được nhiều chuyên gia và các tổ chức dự báo. Sự hồi phục này có được, đầu tiên là nhờ nỗ lực của Chính phủ và Bộ Công Thương đã có nhiều chính sách và động thái hỗ trợ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và thông thương hàng hóa.
Cùng với đó là những tác động từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, Việt Nam cũng đã đàm phán với các nước trong EU về điều khoản cho phép các doanh nghiệp Việt Nam bổ sung xuất xứ của nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu từ Hàn Quốc (các nước đã ký hiệp định thương mại tự do với EU) vào sản phẩm dệt may sản xuất tại Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang các nước EU.
Lần đầu tiên xuất khẩu cao dược liệu sang Mỹ
Chiều 8/4, lô hàng gần 1 tấn cao dược liệu an xoa của huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị được đóng gói, hoàn thành thủ tục thông quan ở Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, TP. Hồ Chí Minh, chuẩn bị xuất khẩu sang Mỹ.
Huyện Cam Lộ là một trong những địa phương có thế mạnh về phát triển cây dược liệu các loại. Tuy nhiên, những năm gần đây, đầu ra sản phẩm cao dược liệu chủ yếu ở thị trường trong nước.
Đây là lần đầu tiên sản phẩm cao dược liệu của bà con nông dân huyện Cam Lộ được thị trường khó tính như Mỹ chấp nhận.
Để sản phẩm cao dược liệu an xoa xuất khẩu qua Mỹ, thời gian qua, huyện Cam Lộ đã cùng với bà con nông dân tích cực, nỗ lực từ khâu sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm đến đóng gói, mẫu mã, nhãn mác.
Đặc biệt, chính quyền địa phương đã kết nối với một công ty tại TP. Hồ Chí Minh để phối hợp với đối tác phân tích thành phần dược tính, kiểm định chất lượng sản phẩm nghiêm ngặt.
Theo biên bản ghi nhớ giữa huyện Cam Lộ với đối tác, trong 6 tháng đầu, mỗi tháng, huyện Cam Lộ sẽ xuất gần 1 tấn cao. Từ tháng thứ 7 trở đi, khi đảm bảo ổn định được nguồn nguyên liệu tại chỗ, doanh nghiệp đối tác sẽ nhập 2-3 tấn mỗi tháng, với giá khoảng 1,7 tỷ đồng/tấn.
Ông Ngô Quang Chiến, Bí thư huyện Cam Lộ cho hay, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm thị trường, liên kết với doanh nghiệp, lần đầu tiên có một sản phẩm cao dược liệu của địa phương được xuất khẩu qua Mỹ.
"Đây là một tín hiệu tích cực đối với người trồng cây dược liệu ở Cam Lộ nói riêng và Quảng Trị nói chung, khi sản phẩm được những thị trường khó tính trên thế giới chấp nhận", ông Chiến khẳng định.
Giá lúa gạo tiếp đà giảm
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa gạo trên địa bàn tỉnh trong tuần qua nhìn chung có tiếp tục có xu hướng giảm nhẹ. Giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 6.200 - 6.300 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg so với cuối tuần trước. Một số loại lúa chất lượng cao như OM từ 6.300 - 6.500 đồng/kg, giảm 100 - 200 đồng/kg tùy loại; lúa Đài Thơm 8 từ 6.300 - 6.500 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; lúa Nhật vẫn giữa ổn định đạt từ 7.500 - 7.600 đồng/kg;
Ngược lại, giá một số mặt hàng gạo tại An Giang vẫn có xu hướng ổn định. Cụ thể, giá gạo thường dao động ở mức từ 10.500 - 11.500 đồng/kg, gạo Hương Lài 18.000 đồng/kg, gạo Nhật là 24.000 đồng/kg, nếp từ 13.000 - 14.000 đồng/kg, riêng gạo Jasmine từ 14.000 - 15.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tuần qua, giá lúa nhìn chung tiếp tục có xu hướng giảm. Giá lúa thường tại ruộng được mua cao nhất là 6.600 đồng/kg, bình quân là gần 6.300 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cũng giảm bình quân 170 đồng/kg, với mức giá cao nhất là 7.600 đồng/kg và trung bình là 7.100 đồng/kg.
Bên cạnh đó, các loại gạo cũng giảm khoảng 300 đồng/kg tùy loại. Giá gạo 5% tấm cao nhất 11.300 đồng/kg, 15% tấm là 10.950 đồng/kg, 25% tấm là 10.750 đồng/kg.
Hiện các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đang thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo sản xuất lúa vụ Hè Thu 2021 đạt hiệu quả cao, hạn chế sự lây nhiễm của các đối tượng gây hại, cũng như nguy cơ tác động của khô hạn, xâm nhập mặn..
Tại Long An, địa phương này khuyến cáo nông dân ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, đề xuất của doanh nghiệp, thương lái thu mua, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; cần chú ý tới các giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập hạn, mặn, phèn. Các giống lúa chủ lực như ST 24, ST 25, RVT, VD 20, OM 4900, Đài thơm 8, Nàng Hoa 9, nếp…
Ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang cũng khuyến khích, hướng dẫn nông dân sử dụng giống xác nhận, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, với cơ cấu nhóm lúa chính như ST24, Một bụi Đỏ, OM 5451, OM 2517… Ngoài ra, từ các nhóm lúa này, tùy theo vùng sinh thái ở các địa phương có thể lựa chọn cơ cấu giống lúa phù hợp để sản xuất an toàn, năng suất, chất lượng cao.
(tổng hợp)