Xuất khẩu ngày 22-24/5: Xe ô tô nhập lại 'đổ bộ', Vải thiều đầu mùa xuất khẩu thuận lợi, Nga tăng mua cá tra Việt

Vải thiều đầu mùa xuất khẩu thuận lợi, Xe ô tô nhập khẩu tiếp tục 'đổ bộ' vào Việt Nam, Mỹ chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá mật ong Việt Nam... là những tin chính trong bản tin xuất khẩu ngày 22-24/5.

Vải thiều đầu mùa xuất khẩu thuận lợi tại cửa khẩu phía Bắc. (Nguồn: VTV)

Vải thiều đầu mùa xuất khẩu thuận lợi tại cửa khẩu phía Bắc. (Nguồn: VTV)

Vải thiều xuất khẩu thuận lợi

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại Bắc Giang, mùa vải thiều năm 2021, toàn tỉnh thu hoạch khoảng 180 nghìn tấn vải tươi.

Với tổng diện tích 9.168ha trồng vải cho sản lượng cao, mùa vải thiều năm nay tỉnh Hải Dương dự kiến đưa ra thị trường khoảng 55 nghìn tấn.

Tỉnh Hưng Yên cũng đóng góp khoảng trên 16 nghìn tấn vải thiều. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng có trên 1.635ha trồng vải, đóng góp cho người tiêu dùng hương vị của giống vải u hồng trồng trên vùng đất mới.

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), vải thiều của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương đang là đặc sản nổi tiếng, được xuất khẩu đi nhiều nước, trong đó có ở Châu Âu, Úc, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Đặc biệt, xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc đang chiếm khối lượng lớn trong tổng số khối lượng vải tươi xuất khẩu.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã thành lập 2 tổ hỗ trợ xuất khẩu vải thiều tại cửa khẩu tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn.

Theo đó, 2 tổ công tác thường trực có mặt tại cửa khẩu tại tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn để nắm bắt và xử lý tại chỗ những vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình vận chuyển, lưu thông và xuất khẩu vải qua các cửa khẩu. Đồng thời chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, phương án xử lý đối với những khó khăn, vướng mắc nảy sinh.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, hiện nay, việc xuất khẩu vải thiều tại các cửa khẩu tương đối thuận lợi, quả vải được ưu tiên qua luồng xanh đi trước, sau khi vải thông quan hết mới đến các hàng hóa khác làm thủ tục.

Xe ô tô nhập khẩu tiếp tục “đổ bộ” vào Việt Nam

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 5, xe nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh trở lại, lên tới hơn 166% và giá rẻ nhất ghi nhận chưa đến 300 triệu đồng/chiếc.

Trong 15 ngày đầu tháng 5 có hơn 5.000 chiếc xe con dưới 9 chỗ ngồi được nhập về Việt Nam, chiếm khoảng 70% tổng xe nhập dịp này, tăng gần 4.500 chiếc so với cùng kỳ năm ngoái. Xe nhập về nhiều cho thấy thị trường xe đang hồi phục nhanh.

Tổng lượng xe nhập về Việt Nam tính từ đầu năm đến hết ngày 15/5 đạt hơn 57.300 chiếc, tăng hơn 22.500 chiếc so với cùng kỳ năm trước, tức tăng khoảng 65%. Tuy vậy, số này lại giảm hơn 6.600 chiếc, tương khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2019.

Về thị trường, xe nhập về Việt Nam thời gian qua vẫn chủ yếu nhập từ Thái Lan, Indonesia, chiếm gần 90%. Tuy nhiên, các dòng xe từ hai thị trường này chủ yếu là xe giá rẻ, tầm trung thuộc các kiểu dáng hatchback, sedan, MPV và Pickup. Xe xuất xứ hai nước này có lợi thế rất lớn ở Việt Nam khi không phải chịu thuế nhập khẩu.

Do chiến lược thị trường của các hãng nên các mẫu xe nhập về Việt Nam tương tự bản bán ra tại Indonesia và Thái Lan có giá cao, chênh từ 100-200 triệu đồng/chiếc.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá xe con nhập về Việt Nam bình quân chỉ gần 420 triệu đồng, các mẫu xe nhập Indonesia có giá thấp hơn chỉ gần 300 triệu đồng/chiếc.

Mỹ chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá mật ong Việt Nam

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã có thông báo chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Thông tin về vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại cho biết, nguyên đơn là Hiệp hội Các nhà sản xuất mật ong Mỹ và Hiệp hội Mật ong Sioux. Hàng hóa bị điều tra là mật ong thô được phân loại theo mã của Mỹ là 0409.00.0005, 0409.00.0035, 0409.00.0045, 0409.00.0056 và 0409.00.0065.

Thời kỳ thu thập số liệu bán phá giá (POI), từ ngày 1/10/2020 đến ngày 31/3/2021. Biên độ bán phá giá do DOC ước tính với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam: Trong khoảng 47,56% - 138,23%. Dự kiến, thời gian điều tra là 12 tháng (có thể gia hạn thêm 6 tháng theo quy định của Hoa Kỳ).

Theo Cục Phòng vệ thương mại, DOC đã ban hành Bản câu hỏi về lượng và giá trị (Q&V) xuất khẩu để xem xét lựa chọn bị đơn bắt buộc. Thời hạn nộp Bản câu hỏi Q&V đến 17 giờ ngày 27/5/2021 (theo giờ Hoa Kỳ). DOC sẽ đưa ra thông báo lựa chọn bị đơn bắt buộc vào ngày 31/5/2021. Trên cơ sở lựa chọn bị đơn bắt buộc, DOC sẽ ban hành bản câu hỏi đầy đủ cho các doanh nghiệp và thời hạn trả lời là 30 ngày.

Xuất khẩu cá tra sang Nga tăng mạnh trở lại

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến nửa đầu tháng 4/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Nga đạt 11,4 triệu USD, tăng 118,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sau nhiều năm gián đoạn, xuất khẩu cá tra sang thị trường Nga trong những tháng qua đã có nhiều tích cực.

Đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu 3 nhóm sản phẩm chính là cá tra phile đông lạnh, cá tra cắt khoanh đông lạnh và giá cá tra nguyên con đông lạnh sang thị trường Nga.

Nga vốn là thị trường xuất khẩu truyền thống của cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra sang Nga không ổn định do chính sách nhập khẩu của nước này khác biệt so với các thị trường khác.

Cho đến thời điểm này, Nga vừa là một trong những thị trường xuất khẩu cá thịt trắng (cá minh thái) lớn nhất thế giới nhưng cũng là nhà nhập khẩu nhiều sản phẩm cá thịt trắng từ Trung Quốc, Argentina và Việt Nam.

Năm 2020, cá hake đông lạnh chiếm tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất trong cơ cấu nhập khẩu sản phẩm cá thịt trắng của Nga, chiếm khoảng 41%; tiếp đó là sản phẩm cá tra phile đông lạnh chiếm 18%, phile cá rô phi đông lạnh và phile cá hake.

Đầu năm 2021, Việt Nam là nguồn cung lớn nhất cá tra đông lạnh của thị trường Nga. Ngoài ra, Nga cũng nhập khẩu sản phẩm cá tra từ thị trường Belarus và Kazakhstan, nhưng khối lượng không đáng kể.

Khuyến cáo doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch xuất khẩu sang EAEU

Cục Xúc tiến thương mại vừa đưa ra khuyến cáo doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch xuất khẩu hàng hóa sang khu vực Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU gồm 5 nước: Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan) sau khi khối này đã điều chỉnh danh sách các nước được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hệ thống ưu đãi thuế quan thống nhất (GSP); trong đó có Việt Nam.

Theo đó, kể từ ngày 12/10, Việt Nam sẽ chính thức không còn được hưởng ưu đãi GSP của khu vực EAEU. Sự thay đổi này dự kiến sẽ có tác động mạnh đến các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu hàng hóa đang được hưởng ưu đãi GSP sang thị trường các nước EAEU, đặc biệt là Nga, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khối này.

Cục Xúc tiến thương mại cũng lưu ý, doanh nghiệp cần tìm hiểu về mức thuế ưu đãi và quy tắc xuất xứ tương ứng để tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU thay thế cho cơ chế GSP sẽ chấm dứt trong thời gian tới.

Trước đó, tại Công điện số 157/SQVN-21 của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga thông báo về việc EAEU đã điều chỉnh danh sách các nước được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hệ thống ưu đãi thuế quan thống nhất (GSP) của Liên minh.

Quyết định số 17 ngày 5/3/2021 của Hội đồng Ủy ban Kinh tế Á - Âu cũng nêu rõ, 75 nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam và 2 nước kém phát triển sẽ bị loại ra khỏi danh sách các nước được hưởng ưu đãi GSP từ ngày 12/10/2021. GSP là ưu đãi về thuế quan nhập khẩu mà EAEU đơn phương dành cho các nước đang phát triển và kém phát triển, trong đó có Việt Nam.

Đối với Việt Nam, ưu đãi này đã có thể dừng ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-EAEU có hiệu lực. Tuy nhiên, EAEU đã thể hiện thiện chí bằng việc cho Việt Nam tiếp tục hưởng GSP thêm 5 năm, kể khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EAEU (VN-EAEU FTA) có hiệu lực vào năm 2016.

Do đó, năm 2021, phía EAEU đã rà soát lại danh sách và loại ra nhiều nước trên cơ sở tiêu chí của EAEU; trong đó có các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn độ, Singapore, Brunei, Việt Nam...

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xuat-khau-ngay-22-245-xe-o-to-nhap-lai-do-bo-vai-thieu-dau-mua-xuat-khau-thuan-loi-nga-tang-mua-ca-tra-viet-146134.html