Xuất khẩu ngày 22-28/1: Bơ, chanh leo sắp vào Trung Quốc qua 'cửa chính'; cảnh báo khẩn về lừa đảo thương mại từ thị trường Hà Lan
Bơ, chanh leo sắp được vào Trung Quốc qua 'cửa chính'; cảnh báo khẩn về lừa đảo thương mại từ thị trường Hà Lan... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 22-28/1.
Bơ, chanh leo sắp được ký Nghị định thư với thị trường Trung Quốc
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, sắp tới sẽ có thêm hai loại trái cây của Việt Nam là bơ và chanh leo sẽ được ký Nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Hiện, Việt Nam có 13 loại trái cây, nông sản được phép xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc gồm: Thanh long, dưa hấu, chuối, vải, nhãn, chôm chôm, mít, xoài, măng cụt, sầu riêng, chanh dây, thạch đen, khoai lang.
Nhưng đến nay, Việt Nam mới có 6 các loại trái cây, nông sản xuất khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư sang Trung Quốc gồm: Măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối, khoai lang, dưa hấu.
Việc có thêm 2 loại trái cây bơ và chanh leo được ký Nghị định thư sẽ giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu trái cây sang thị trường tỷ dân này.
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cây chanh leo đang được trồng tại 46 tỉnh, thành phố với diện tích khoảng 9.500 ha với sản lượng 300.000 - 400.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên… Việt Nam có bộ chanh leo tương đối phong phú, nếu thâm canh tốt, chanh leo có thể cho thu hoạch 3 vụ/năm.
Hiện nay, khu vực Tây Nguyên là vùng chanh leo chủ lực của cả nước với khoảng 8.200 ha, chiếm hơn 86% diện tích cả nước. Trong đó, tỉnh Gia Lai là địa phương có diện tích chanh leo lớn nhất với hơn 4.263 ha, sản lượng đạt hơn 134.000 tấn.
Với trái bơ, hiện được trồng chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên gồm: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum với tổng diện tích đạt gần 8.000 ha và đang được nông dân tiếp tục mở rộng vùng trồng. Kể từ đầu năm 2022, bơ Việt Nam cũng đã bắt đầu được xuất khẩu sang Australia. Đắk Nông được coi là "thủ phủ bơ" với diện tích gần 2.600 ha, năng suất bình quân từ 10 – 15 tấn/ha.
Theo các thương lái, chanh leo là trái cây giàu vitamin, người dân Trung Quốc rất ưa thích sử dụng, do đó hàng có bao nhiêu cũng bán hết. Còn với trái bơ, đây cũng là loại quả mà người Trung Quốc ưa thích những năm gần đây. Với việc người tiêu dùng tại đất nước đông dân nhất thế giới này càng ngày càng có ý thức cao về sức khỏe, quả bơ, loại quả tốt cho tim mạch đang thu hút phân khúc khách hàng trẻ, thời thượng.
Trước đó, tháng 10/2023, quả dưa hấu tươi của Việt Nam cũng chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Bộ Công Thương khuyến cáo về xuất khẩu hàng hóa sang Saudi Arabia
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa đưa ra khuyến cáo đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Saudi Arabia.
Cụ thể, Cục Xuất nhập khẩu nhận được thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Saudi Arabia thông báo tin nội bộ từ Tổng Cục quản lý Dược phẩm và thực phẩm Saudi Arabia (SFDA) gửi lãnh đạo Liên đoàn các phòng Thương mại, Phòng Thương mại Riyadh, Jeddah, Dammam về việc một số sản phẩm thực phẩm xuất khẩu sang Saudi Arabia có giấy chứng nhận Halal nhưng cơ quan cấp những giấy chứng nhận này không nằm trong danh sách được SFDA chấp thuận hoặc ủy quyền.
Điều này sẽ dẫn đến việc đình chỉ thông quan hoặc phải trả hàng về cảng xuất khẩu do quy định của SFDA theo Nghị định (M/1) của Hoàng gia ngày 30/10/2014 và Luật quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm số 3-16-1439 ngày 27/12/2017 do SFDA ban hành.
Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các doanh nghiệp hội viên xuất khẩu thực phẩm sang thị trường Saudi Arabia cần theo dõi, nắm bắt thông tin và tuân thủ các quy định về chứng nhận Halal. Trường hợp doanh nghiệp đang xuất hàng, hàng đã hoặc đang trên đường đến các cảng Riyadh, Jeddah, Dammam đề nghị tiếp cận chứng chỉ Halal của đơn vị được SFDA ủy quyền để tránh bị lưu công hoặc trả hàng về.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 938,22 triệu USD, tăng 61,03% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 10, kim ngạch này tăng 63,94% so với cùng kỳ năm ngoái, ứng với 89,68 triệu USD.
5 nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Saudi Arabia trong 10 tháng năm 20203 gồm: Điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; thủy sản; hạt điều; hàng dệt may.
Trước đó, Tham tán thương mại Việt Nam tại Saudi Arabia thông tin, nước này có nhu cầu lớn đối với các loại nông sản, thực phẩm, thực phẩm Halal, organic, rau quả tươi. Nhập khẩu từ Việt Nam đạt 200 triệu USD/năm, trong đó hàng nông, thủy sản đạt trên 80 triệu USD. Nước này cũng có quy định chặt chẽ khi hàng hóa phải đăng ký với Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Saudi Arabia và phải được cơ quan này chấp nhận.
Bên cạnh đó, cơ quan này còn thực thi thanh tra, kiểm tra rất nghiêm ngặt, họ có quyền kiểm tra chính thức các quy trình hoạt động của cơ quan có thẩm quyền ở nước xuất khẩu để xác minh rằng, các quy định pháp luật và hệ thống quản lý ở quốc gia đó tuân thủ luật thực phẩm của Saudi Arabia ….
Tuy nhiên, để đảm bảo giao thương thành công, doanh nghiệp Việt Nam nên thông qua các đơn vị uy tín để xác minh đối tác, hiểu hơn về văn hóa doanh nghiệp, cũng như các nội dung trong hợp đồng thương mại.
Xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam
Ngày 24/1, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo xin ý kiến đối với dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng sau 7 năm triển khai Quyết định 200 (Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025), ngành logistics nói chung và năng lực hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics của các doanh nghiệp ở nước ta nói riêng đã có những bước tiến đáng kể.
Ngành dịch vụ logistics đóng góp tích cực vào các hoạt động kinh tế, trước hết là xuất nhập khẩu và sản xuất, lưu thông phân phối trong nước. Mặc dù chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn khá cao so với các nước phát triển trên thế giới, nhưng những năm qua ngành dịch vụ logistics đã có những đóng góp không nhỏ trong hoạt động xuất nhập khẩu, đưa hoạt động xuất nhập khẩu thành một điểm sáng bởi tốc độ tăng trưởng vượt bậc so với giai đoạn trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam từ mức 428,1 tỷ USD năm 2017 lên 681,1 tỷ USD năm 2023 với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 8,4%/năm cho cả giai đoạn 2017 - 2023.
Việt Nam hiện có hơn 34.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 43/139 nước và vùng lãnh thổ tham gia nghiên cứu, tăng 21 bậc so với năm 2016.
Việt Nam cũng là nước xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi, tốc độ phát triển của ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã nghiên cứu và xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Dự thảo Chiến lược đặt mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến về chủ trương, quan điểm, định hướng, đồng thời đề xuất những giải pháp, kiến nghị cùng với những nhiệm vụ, đề án, dự án triển khai tương ứng liên quan.
Cảnh báo khẩn về lừa đảo qua mạng từ thị trường Hà Lan
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, thời gian gần đây, tại Hà Lan xuất hiện rất nhiều trường hợp lừa đảo qua mạng, đặc biệt liên quan đến các sản phẩm xăng dầu trong bối cảnh nhu cầu về nhóm mặt hàng này tăng cao.
Các đối tượng lừa đảo thường lập một trang web giả mạo với các thông tin bịa đặt hoàn toàn hoặc lập một trang web giả danh các công ty xuất nhập khẩu hoặc công ty cung cấp dịch vụ cho thuê bồn chứa xăng dầu có thật, với đầu mối liên hệ thường là số điện thoại di động hoặc số điện thoại dùng internet (số của sim 4G).
Lợi dụng tâm lý cho rằng Hà Lan là một nước phát triển, hệ thống luật pháp chặt chẽ, các công ty làm ăn đảm bảo uy tín, một số doanh nghiệp khi thấy hợp đồng có điều khoản hấp dẫn nên đã tiến hành gấp sợ mất cơ hội và không kiểm tra kỹ thông tin về đối tác.
Thậm chí, khi các doanh nghiệp này có ý định xác minh tư cách pháp nhân thì họ cung cấp thông tin qua sao chép dữ liệu giấy phép đăng ký kinh doanh trích xuất từ cơ quan có thẩm quyền sở hoặc cho phép các doanh nghiệp tiến hành xác minh trực tiếp bởi bên thứ ba độc lập nhưng thực tế thì không thể xác minh vì không có thật.
Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan lưu ý các doanh nghiệp nên cẩn trọng khi tiến hành giao dịch, cần lưu ý rằng: đối với các doanh nghiệp làm ăn uy tín trong lĩnh vực này, thông tin liên hệ thể hiện trên trang web là mẫu liên hệ (contact form), số điện thoại cố định, email (thường là info@...).
Hình thức thanh toán của những giao dịch mua bán xăng dầu thường là thanh toán bằng L/C.
Để nắm bắt các thông tin lừa đảo, Thương vụ cung cấp thông tin liên quan đến lừa đảo qua mạng cùng danh sách các trang web giả mạo đã được chính quyền cảng Rotterdam thống kê thời gian qua (và tiếp tục cập nhật), với mục đích cảnh báo để ngặn chặn những sự việc lừa đảo tiếp tục xảy ra trong thời gian tới: https://ferm-rotterdam.nl/en/blacklist/.
Trước đó, từ năm 2020 đến nay ,Thương vụ Hà Lan đã liên tục đưa cảnh báo đến các doanh nghiệp Việt Nam tìm đối tác thông qua mạng Internet.
Theo Thương vụ, các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức cảnh giác trong giao dịch với những công ty mới quen biết, lấy địa chỉ trên Internet, có trường hợp lấy từ mạng Alibaba; hoặc chưa có giao dịch làm ăn với nhau; trước khi tiến hành các cam kết làm ăn với hoặc chuyển tiền trả trước cho các doanh nghiệp dạng này.
Công ty Việt Nam nên liên hệ với Thương vụ để tham vấn cũng như tìm hiểu về sự tồn tại và tính hợp pháp của đối tác Hà lan cũng như rủi ro có thể xảy ra.
(tổng hợp)