Xuất khẩu ngày 29/7-4/8: Hàng hóa Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại Hoa Kỳ; Trung Quốc tiếp tục là thị trường số một của nông sản Việt trong RCEP
Việt Nam dẫn đầu ASEAN về xuất khẩu sang Hoa Kỳ; Trung Quốc là thị trường hàng đầu của nông sản Việt trong RCEP; trái bưởi chính thức được 'cấp visa' sang Hàn Quốc... là những tin xuất khẩu nổi bật từ 29/7-4/8.
Việt Nam dẫn đầu ASEAN về xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đạt gần 75 tỷ USD sau 7 tháng
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ đạt 66,1 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này đạt 8,6 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ. Hoa Kỳ hiện là thị trường lớn nhất của hàng hóa Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam là nước dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) về xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ và thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 6 của Hoa Kỳ.
Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhiều nhóm mặt hàng như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; điện thoại các loại và linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ; giày dép…
Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ nhiều sản phẩm phục vụ cho sản xuất như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; bông; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; thức ăn gia súc và nguyên liệu…
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, hàng hóa của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Hoa Kỳ do chất lượng liên tục được cải thiện, cập nhật xu hướng cũng như có giá cả cạnh tranh. Mặt khác, sự thay đổi trong chuỗi cung ứng cũng như làn sóng dịch chuyển đầu tư đã góp phần tăng cường năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đồng thời tạo cơ hội và dư địa cho hàng hóa của Việt Nam gia tăng xuất khẩu ra thế giới nói chung và thị trường Hoa Kỳ nói riêng.
Sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 24 năm sau Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA) được ký kết, quan hệ thương mại hai nước thời gian qua thực sự là một điểm sáng. Theo dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ đạt mốc 100 tỷ USD lần đầu vào năm 2021 (đạt 111,55 tỷ USD). Trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 96,27 tỷ USD và nhập khẩu đạt 15,28 tỷ USD. Từ đó đến nay, năm nào, thương mại hai chiều cũng đạt trên 100 tỷ USD.
Theo TS Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế, Hiệp định BTA chính là nền tảng tốt giúp Việt Nam tự tin hơn trong công cuộc hội nhập quốc tế. Việt Nam chỉnh sửa, thay đổi hàng chục Luật, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ.
Sau BTA, Việt Nam tự tin đẩy mạnh hội nhập sâu rộng, gắn cam kết quốc tế với cải cách trong nước, đặc biệt là cải cách thể chế kinh tế. BTA thúc đẩy một quá trình để Việt Nam từng bước xây dựng một hệ thống pháp luật công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử để hội nhập vào kinh tế thế giới. Nhờ đó, thương mại hai chiều giữa 2 quốc gia đã có sự tăng trưởng ổn định.
Ngày 10/9/2023, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã được nâng cấp lên thành Đối tác chiến lược toàn diện. Dấu mốc này đã mở ra rất nhiều cơ hội quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có kinh tế - thương mại giữa hai nước trong tương lai.
3 thị trường đứng đầu về cá tra giá trị gia tăng của Việt Nam
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, quý II năm 2024, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng của Việt Nam đạt 9 triệu USD, tăng 43%; lũy kế nửa đầu năm nay xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng đạt 17 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 2% tỷ trọng trong tổng xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang các thị trường.
Thái Lan là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra giá trị gia tăng của Việt Nam trong nửa đầu năm nay với giá trị hơn 3 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 19% tỷ trọng trong tổng xuất khẩu sản phẩm này sang các thị trường.
Tháng 3/2024 ghi nhận là tháng xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng sang Thái Lan đạt giá trị cao nhất, với hơn 800 nghìn USD, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2023.
Sau khi tăng gấp rưỡi vào tháng 4/2024, thị trường này không nhập khẩu cá tra giá trị gia tăng từ Việt Nam trong tháng 5/2024. Tuy nhiên, tháng 6/2024 Thái Lan tăng nhập khẩu trở lại, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, và đạt hơn 700 nghìn USD.
Sau Thái Lan, Anh đứng thứ 2 là thị trường nhập khẩu nhiều cá tra giá trị gia tăng từ Việt Nam. Nửa đầu năm nay, xuất khẩu sản phẩm này sang Anh đạt hơn 2 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2023. Tháng 2/2024 là tháng thị trường này tiêu thụ nhiều nhất cá tra giá trị gia tăng, với hơn 500 nghìn USD, tăng 56% so với cùng kỳ.
Phân khúc cá tra giá trị gia tăng, trong nửa đầu năm 2024, Anh chủ yếu nhập khẩu cá tra cắt khúc tẩm bột chiên sơ đông lạnh chiếm 55% tỷ trọng, và cá tra fillet tẩm bột đông lạnh chiếm 41% tỷ trọng.
Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng sang Australia đạt hơn 2 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023. Tháng 2/2024 là tháng quốc gia này tiêu thụ nhiều nhất cá tra giá trị gia tăng Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, với hơn 500 nghìn USD, tăng gấp gần 17 lần so với tháng 2/2023.
Cá tra fillet tẩm bột đông lạnh, cá tra fillet tẩm bột chiên sơ đông lạnh là 2 sản phẩm chủ yếu trong phân khúc cá tra giá trị gia tăng được người tiêu dùng tại Australia ưa thích, với tỷ trọng lần lượt là 46% và 16% trong tổng xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng sang thị trường này.
Các mặt hàng cá tra giá trị gia tăng Việt Nam đang dần được ưa thích tại nhiều thị trường quốc tế, do tính đa dạng, dễ chế biến, phong phú và giàu dinh dưỡng từ loài cá thịt trắng thơm ngon.
Đây là thị trường tiềm năng nhất của nông sản Việt trong RCEP
Trung Quốc là nhà mua hàng lớn nhất của Việt Nam trong khối Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Việt Nam tiếp tục mở cửa thị trường cho quả có múi, sầu riêng đông lạnh,... tại Trung Quốc. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị phổ biến các quy định SPS trong Hiệp định EVFTA và RCEP do Văn phòng SPS Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 2/8.
Hội nghị được tổ chức nhằm tăng cường phổ biến, cập nhật các quy định an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) để giúp doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân tham gia chuỗi sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm và thủy sản nâng cao nhận thức, tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu.
Chia sẻ tại Hội nghị, ThS. Lương Ngọc Quang - Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) - cho biết, các quy định SPS trong RCEP dựa trên 6 tiêu chí, gồm: tuân thủ quy định quốc tế, đánh giá rủi ro dựa trên khoa học, minh bạch, khuyến khích các phương pháp công nhận lẫn nhau, hợp tác và ứng dụng công nghệ trong chứng nhận.
Đối với nhóm các nước RCEP, khi xuất khẩu hàng hóa, việc tuân thủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ngăn chặn sự xâm nhập của các sinh vật gây hại.
Các quy định nhập khẩu thường yêu cầu ngăn chặn các loại sinh vật gây hại nguy hiểm hoặc các mối nguy về an toàn thực phẩm từ việc xâm nhập vào nước nhập khẩu. Kiểm dịch thực vật đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ nguy cơ lây lan dịch hại qua đường thương mại, đảm bảo rằng sản phẩm xuất khẩu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu.
Tại Hội nghị, các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong RCEP. Số lượng sản phẩm được phép xuất khẩu sang Trung Quốc lớn nhất, hiện là 12 sản phẩm.
Một số loại trái cây, bao gồm các mặt hàng truyền thống như xoài, nhãn, vải, chôm chôm, mít và thanh long. Ngoài ra, một số trái cây mới được phép xuất khẩu trong những năm gần đây bao gồm măng cụt (2019), thạch đen (2020), sầu riêng, khoai lang (2022), chuối (2022), dưa hấu (2023) và dừa (2024). Chanh leo và ớt hiện đang được quy định tạm thời, trong khi các mặt hàng như quả có múi (bưởi), dược liệu và trái cây đông lạnh đang tiếp tục trong quá trình đàm phán để mở cửa thị trường.
Thị trường Trung Quốc đang áp dụng những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là các giao dịch hàng hóa theo hình thức tiểu ngạch. Để đảm bảo việc xuất khẩu, các nhà xuất khẩu cần đàm phán mở cửa cho từng loại sản phẩm riêng lẻ và ký kết lại nghị định thư xuất khẩu đối với các loại quả truyền thống. Quá trình quản lý đối với các sản phẩm mới như măng cụt, sầu riêng, khoai lang và chuối đang được áp dụng các hình thức tương tự.
Ngoài ra, yêu cầu mới là khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói đối với các sản phẩm nông sản. Một số mặt hàng nông sản cũng cần thực hiện đăng ký theo các lệnh 248 và 249.
RCEP là Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 5 đối tác kinh tế ngoài ASEAN là Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản và Trung Quốc, được ký kết vào ngày 15/11/2020.
Trái bưởi chính thức được "cấp visa" sang Hàn Quốc
Ngày 30/7/2024, sau 3 tháng lấy ý kiến rộng rãi của các bên liên quan, Cục Kiểm dịch Động thực vật Hàn Quốc (APQA) đã chính thức công bố trên website của APQA quy định nhập khẩu đối với quả bưởi tươi từ Việt Nam sang Hàn Quốc.
Từ năm 2018, Cục Bảo vệ thực vật đã khởi động chương trình mở cửa thị trường đối với trái bưởi Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, quá trình đàm phán chỉ thực sự được đẩy nhanh tiến độ sau đại dịch Covid-19.
Sau 2 năm nỗ lực, tích cực phối hợp, trao đổi thông tin để xúc tiến quá trình thực hiện phân tích nguy cơ dịch hại và trải qua nhiều vòng đàm phán, Cục Bảo vệ thực vật và Cục Kiểm dịch động thực vật Hàn Quốc đã thống nhất về mặt kỹ thuật trong cuộc họp song phương vào tháng 4/2024.
Đồng thời, ngày 18/7/2024, Cục Bảo vệ thực vật cũng đăng tải trên website của Cục dự thảo các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với quả bưởi tươi của Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc để các tổ chức, cá nhân quan tâm có thể tìm hiểu và nắm trước thông tin về các quy định này.
Như vậy, bưởi là quả tươi thứ ba của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Hàn Quốc, cùng với thanh long và xoài. Việc quả bưởi của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Hàn Quốc là một bước tiến quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế, đồng thời khẳng định chất lượng và uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, trái bưởi tươi của Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc vào tuân thủ quy trình kiểm dịch thực vật chặt chẽ, bao gồm 10 khâu: Từ đăng ký vùng trồng và nhà đóng gói xuất khẩu, phân loại trái bưởi, xử lý hơi nước nóng, đóng gói và dán nhãn, đến kiểm tra trước khi thông quan, kiểm tra và chứng nhận xuất khẩu, kiểm tra nhập khẩu.