Xuất khẩu ngày 6-8/3: Xuất khẩu khởi sắc làm 'lu mờ' Covid-19, giá hạt điều lao dốc

Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng tăng 23,2% so với cùng kỳ; giá hạt điều xuất khẩu giảm mạnh... là những tin đáng chú ý trong bản tin xuất khẩu ngày 6-8/3.

Giá hạt điều xuất khẩu giảm mạnh từ đầu năm 2021 đến nay. (Nguồn: Twiiter)

Giá hạt điều xuất khẩu giảm mạnh từ đầu năm 2021 đến nay. (Nguồn: Twiiter)

Mặc Covid-19, xuất khẩu vẫn khởi sắc

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 2 tháng tăng 23,2% so với cùng kỳ là mức tăng ấn tượng, khi dịch Covid-19 vẫn đang gây tác động lớn đến hoạt động thương mại.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2021 ước đạt 20 tỷ USD, giảm 29,9% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 48,55 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm đáng chú ý trong 2 tháng đầu năm 2021 chính là sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến khi đạt kim ngạch 42,47 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 87,5% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Trong nhóm hàng này, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực đạt mức tăng trưởng 2 con số như điện thoại các loại và linh kiện đạt 9,3 tỷ USD, tăng 22,8%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 27,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng tới 72,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 51%; sắt thép các loại tăng 71,9%...

“Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may, giày dép cũng cho thấy sự phục hồi trở lại với kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 4,76 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước và kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 3,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước”, đại diện Bộ Công Thương nêu rõ.

Ngoài nhóm hàng công nghiệp chế biến, xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản cũng ghi nhận tăng trong 2 tháng đầu năm với mức tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,78 tỷ USD. Đặc biệt, trong 2 tháng đầu năm, các mặt hàng xuất khẩu thuộc lĩnh vực khai khoáng như dầu thô, xăng dầu, than đá, quặng và khoáng sản đều sụt giảm mạnh.

EU cho phép Việt Nam xuất khẩu thực phẩm làm từ côn trùng

Thương vụ Việt Nam tại EU, Bỉ và Luxembourg cho biết, sau thời gian dài nộp và cung cấp đầy đủ các hồ sơ cho Tổng Vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm EU (DG- SANTE), Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu tiếp cận thị trường của EU để được phép xuất khẩu thực phẩm làm từ côn trùng vào EU.

Cụ thể, ngày 12/2, EU đã ban hành quy định số (EU) 2021/171 chính thức mở cửa cho cho phép Việt Nam xuất khẩu sản phẩm từ côn trùng làm thực phẩm vào thị trường EU.

Quy định có hiệu lực từ ngày 15/2 Cho đến nay EU mới mở cửa cho 5 quốc gia gồm Canada, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam được phép xuất khẩu sản phẩm từ côn trùng làm thực phẩm.

Hiện tại, mặc dù thực phẩm làm từ côn trùng chưa được sử dụng nhiều nhưng các nhà dinh dưỡng học đã dự báo côn trùng chính là nguồn thực phẩm dự trữ của tương lai. Việc EU cho phép Việt Nam xuất khẩu thực phẩm từ côn trùng được dự báo có thể tạo ra một động lực mới trong ngành thực phẩm.

Giá hạt điều xuất khẩu giảm mạnh

Theo Tổng cục Hải quan, cập nhật từ đầu năm đến 15/2, cả nước xuất khẩu gần 58.000 tấn điều, trị giá đạt 340,5 triệu USD, tăng 62% về lượng và tăng 35,4% về trị giá so với cùng kỳ 2020.

Tốc độ tăng trưởng sản lượng cao hơn so với trị giá, nên dễ dàng nhận thấy mức giá xuất khẩu bình quân của nhóm hàng này bị giảm.

Cụ thể, bình quân 2020, trị giá bình quân đạt hơn 7.000 USD/tấn, tuy nhiên, sang giai đoạn đầu năm 2021 chỉ đạt gần 5.800 USD/tấn, giảm khoảng 1.200 USD/tấn.

Năm 1996, lần đầu tiên trị giá xuất khẩu điều (điều nhân) đạt mốc 110 triệu USD. Năm 2004, lần đầu tiên lượng nhân điều xuất khẩu đạt hơn 105.000 tấn tương đương với trị giá xuất khẩu là 436 triệu USD.

Đến năm 2006, lần đầu tiên nước ta vượt Ấn Độ để trở thành quốc gia số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều khi đạt gần 127.000 tấn, trị giá 504 triệu USD.

Từ năm 2017 đến nay, Việt Nam luôn chiếm hơn 50% lượng điều thô chế biến của cả thế giới.

Năm 2020, xuất khẩu hạt điều đạt gần 515.000 tấn, trị giá 3,21 tỷ USD, tăng 13% về lượng, nhưng giảm 2,3% về trị giá so với năm 2019.

Ngành chè đón xu hướng tiêu dùng mới

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu chè 2 tháng đầu năm đạt 29 triệu USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, triển vọng xuất khẩu chè trong năm 2021 được các chuyên gia nhận định vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khả quan, bởi dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, sản lượng chè tại các nước sản xuất chính như: Ấn Độ và Kenya tăng nhờ thời tiết thuận lợi, trong khi nhu cầu vẫn chưa được cải thiện. Xu hướng xuất khẩu được dự báo tiếp tục ảm đạm nếu tình hình dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế.

Dịch Covid-19 cũng làm thay đổi thói quen tiêu dùng. Theo nhận định của Công ty Sản xuất hương liệu Flavourchem (Hoa Kỳ), xu thế cho các sản phẩm đồ uống, trà, cà phê sẽ theo hướng trải nghiệm sáng tạo, khám phá cảm giác, vị giác với các thành phần hàm chứa các yếu tố giảm thiểu sử dụng sản phẩm không thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng và tái chế (Reduce - Reuse - Upcycle).

Một nghiên cứu gần đây của ADM OutsideVoice - đơn vị nghiên cứu độc lập của Tập đoàn ADM- cho biết, 77% người tiêu dùng có xu hướng chú trọng giữ gìn sức khỏe trong tương lai. Báo cáo cũng chỉ ra, những khó khăn gây ra bởi Covid-19 đã làm gia tăng cảm giác lo lắng và căng thẳng, 35% người tiêu dùng cho hay, họ quan ngại về sức khỏe tâm thần.

Mọi người đang tìm kiếm những cách mới để cải thiện sức khỏe tinh thần trong những thời điểm căng thẳng này, bao gồm cho phép bản thân được phép tiêu thụ thực phẩm và đồ uống thoải mái, dễ chịu. Tuy nhiên, cùng lúc họ đối mặt với nhu cầu quản lý cân nặng và tìm kiếm sự cân bằng giữa dinh dưỡng lành mạnh và sự hưởng thụ. Do đó, những nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống cân bằng thành công mối quan tâm về sức khỏe và khả năng chi trả của người tiêu dùng sẽ có ưu thế trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xu hướng tiêu dùng đồ uống trong năm 2021 được dự báo có những chuyển đổi rõ rệt do ảnh hưởng của đại dịch đến thói quen tiêu dùng và thị hiếu. Các doanh nghiệp đồ uống có thể tập trung khai thác các sản phẩm tốt cho sức khỏe, đặc biệt là các loại trái cây, sản phẩm không có gluten, sản phẩm hữu cơ.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xuat-khau-ngay-6-83-xuat-khau-khoi-sac-lam-lu-mo-covid-19-gia-hat-dieu-lao-doc-138588.html