Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 33,84 tỷ USD

Trong bối cảnh tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức, song kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 6/2025 vẫn tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2024, đưa tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: N.Lộc

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: N.Lộc

Đó là thông tin được công bố tại họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường ngày 3/7.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, trong bối cảnh 6 tháng đầu năm 2025 diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn nỗ lực duy trì đà tăng trưởng tích cực. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã chủ động, linh hoạt trong điều hành, thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, ổn định thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu.

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2025 đạt 4% với kim ngạch xuất khẩu từ 64 - 65 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 33,84 tỷ USD.

Đặc biệt, thặng dư thương mại đạt 9,83 tỷ USD, tăng 16,5% cho thấy sức cạnh tranh ngày càng tăng của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Theo đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định nếu duy trì tốc độ này, mục tiêu xuất khẩu 70 tỷ USD như chỉ đạo của Chính phủ là hoàn toàn khả thi.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Ngành Nông nghiệp đã nỗ lực vượt khó để đạt được kết quả xuất khẩu ấn tượng

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Ngành Nông nghiệp đã nỗ lực vượt khó để đạt được kết quả xuất khẩu ấn tượng

Về chiến lược phát triển dài hạn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh vai trò trung tâm của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, hướng đến phát triển bền vững; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, bảo đảm yếu tố công bằng xã hội và hiệu quả kinh tế.

Ngoài ra, công tác hoàn thiện thể chế đang được đẩy mạnh. Chính phủ đã ban hành các nghị định về phân cấp quản lý và cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Bộ đang rà soát, tổng kết để đề xuất sửa đổi các luật chuyên ngành, hướng đến thể chế hóa các chủ trương mới, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, hiệu quả hơn.

Đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường thông tin về kết quả xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm. Ảnh: N.Lộc

Đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường thông tin về kết quả xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm. Ảnh: N.Lộc

Đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính cho biết trước bối cảnh kinh tế - chính trị thế giới và trong nước năm 2025 tiếp tục tiềm ẩn nhiều thách thức đan xen cơ hội, để đạt được mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp xác định tiếp tục phát triển theo chuỗi giá trị kinh tế từ sản xuất đến chế biến nhằm gia tăng giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tập trung triển khai thực hiện các giải pháp sau:

Hoàn thiện và cụ thể hóa các thể chế mang tính định hướng phát triển thị trường nông sản và hội nhập phù hợp với các Luật chuyên ngành được sửa đổi, ban hành; tập trung triển khai các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ điểm nghẽn và xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh và uy tín của nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.

Tiếp tục triển khai thực hiện các Chiến lược phát triển từng ngành hàng trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp nhằm duy trì sản xuất, đảm bảo nguồn cung phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; chủ động xây dựng, triển khai, điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng phó phù hợp, kịp thời với diễn biến thị trường nhằm hạn chế mất cân đối cung cầu và biến động giá cả.

Quản lý chặt chẽ chất lượng trong sản xuất, chế biến và chứng nhận sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn, quy định của thị trường, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, làm cơ sở để phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam.

Đồng thời, thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, đóng góp vào sự phát triển của ngành và đất nước trong giai đoạn mới; nghiên cứu triển khai các nhiệm vụ nhằm khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc, bảo đảm ổn định đầu ra cho nông sản; tăng cường các hoạt động phát triển thị trường, kết nối, quảng bá nông sản tại các thị trường lớn nhưng thị phần còn chưa tương xứng; tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu các nhóm sản phẩm chủ lực như trái cây và nhóm sản phẩm tiềm năng còn nhiều dư địa gia tăng xuất khẩu như sản phẩm chăn nuôi.

Tại buổi họp báo, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng trao đổi về nhiều vấn đề “nóng”, được dư luận xã hội quan tâm thời gian qua như: tiền sử dụng đất tăng cao khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất; khả năng Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng Việt Nam; thực trạng hàng giả, hàng nhái và thực phẩm không rõ nguồn gốc tại một số địa phương…

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/xuat-khau-nong-lam-thuy-san-6-thang-dau-nam-dat-33-84-ty-usd-41433.html