Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2025, nhiều dư địa tăng trưởng
Giới chuyên gia dự báo, năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ cán mốc 62 tỷ USD, lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Đây là tín hiệu tích cực, là cơ sở để xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2025.
Kim ngạch xuất khẩu lập kỷ lục lịch sử
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản là điểm sáng, là cột mốc rất quan trọng khi kim ngạch xuất khẩu sau 11 tháng năm 2024 đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là kỷ lục cao nhất từ trước tới nay và đã vượt qua mục tiêu Chính phủ giao từ đầu năm (54 – 55 tỷ USD).
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, với kết quả này, cán cân thương mại ngành nông, lâm, thủy sản đạt thặng dư 16,46 tỷ USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tháng 12 vẫn duy trì kim ngạch 5,3 tỷ USD, xuất khẩu của ngành cả năm 2024 sẽ thiết lập mốc 62 tỷ USD.
Về thị trường, Mỹ với thị phần 21,7%, Trung Quốc với thị phần 21,6% và Nhật Bản với thị phần 6,6%, đây là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. So với cùng kỳ năm 2023, giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 24,6%, Trung Quốc tăng 11% và Nhật Bản tăng 5,5%.
Đáng chú ý, trong 11 tháng năm 2024, nhiều nhóm hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đều có sự bứt phá về khối lượng và giá trị. Đơn cử như: xuất khẩu rau quả đạt 6,6 tỷ USD; xuất khẩu gạo đạt 8,5 triệu tấn, giá trị 5,31 tỷ USD; xuất khẩu cà phê đạt gần 1,2 triệu tấn, giá trị 4,84 tỷ USD; xuất khẩu hạt điều đạt 674.200 tấn, giá trị 4 tỷ USD...
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam hiện đã khẳng định được thương hiệu tại nhiều thị trường lớn trên thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần tránh tâm lý chủ quan, lơ là và làm nghiêm túc hơn từ khâu sản xuất, chế biến đến xuất khẩu.
Việc tìm kiếm, mở cửa được các thị trường đã khó, việc giữ thị trường sẽ càng khó hơn. Theo đó, các doanh nghiệp cần làm ăn bài bản, chuyên nghiệp ngay từ khâu sản xuất đảm bảo truy xuất nguồn gốc, cơ sở đóng gói... theo đúng quy định của các nước nhập khẩu
Tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2025
TS Nguyễn Anh Phong - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn dự báo, xuất khẩu các nhóm hàng nông sản có thể tăng trưởng tốt trong quý I/2025. Nguyên nhân do nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm của thế giới có thể tăng do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn.
Đánh giá về thị trường, TS Nguyễn Anh Phong cho rằng, Mỹ là quốc gia có dân số đông và nhu cầu tiêu dùng cao nên các mặt hàng còn nhiều dư địa tăng trưởng, nhất là thủy sản, đồ gỗ, cà phê, tiêu, trái cây nhiệt đới.
Tuy nhiên, trong thời gian tới những biến động về chính trị, xung đột quân sự và đặc biệt là việc Tổng thống Donand Trump tái dắc cử sẽ đặt ra nhiều thách thức. Đó là các chính sách bảo hộ với rào cản thuế quan mức cao, các quy định kỹ thuật ngày càng cao và yêu cầu về phát triển xanh, bền vững đang đặt ra cho nhiều quốc gia xuất khẩu nông lâm thủy sản, trong đó có Việt Nam.
Tham tán thương mại Việt Nam tại thị trường Trung Quốc Nông Đức Lai cho hay, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất. Trong đó, nhóm hàng thủy sản, nước trái cây, bánh các loại bị cảnh báo nhiều nhất.
Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam, cơ hội để sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường 1,4 tỷ dân này còn rất nhiều. Tuy vậy, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu; chú trọng xây dựng thương hiệu; cần có nhân lực hiểu biết chuyên môn, thông thạo ngôn ngữ, am hiểu thị trường nước nhập khẩu...
Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Ngô Hồng Phong phân tích: xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ gặp không ít thách thức, khi sản xuất đối mặt với diễn biến khó lường từ thiên tai, biến đổi khí hậu. Trong khi thị trường liên tục biến động thì các quy định kỹ thuật cũng ngày càng cao với yêu cầu về phát triển xanh, bền vững.
Để tiếp tục duy trì ổn định sản xuất và xuất khẩu trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề nghị các cơ quan ban ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên thúc đẩy các ngành hàng như lúa gạo, thủy sản và rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Qua đó giúp đảm bảo sản xuất, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào để góp phần kiểm soát lạm phát. Trong đó, cần tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phát triển nuôi trồng các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi biển, thực hiện nghiêm các quy định kỹ thuật trong xuất khẩu.
Để xuất khẩu hiệu quả, bền vững cần bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chế biến, phát triển các vùng nguyên liệu lớn, cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản; nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh cho nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics”.