XUẤT KHẨU NÔNG LÂM THỦY SẢN: THỜI CƠ, THÁCH THỨC ĐAN XEN

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Lê Minh Hoan cho biết, trong những tháng cuối năm 2023, các khó khăn trong xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn hiện hữu, nhu cầu thị trường phục hồi chậm, một số biến động thị trường gần đây đặt ra thêm những thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 7/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm nhưng các doanh nghiệp cũng đã tận dụng được thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm mặt hàng có lợi thế, trong đó có 04 mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu vượt trội so với cùng kỳ là rau quả (3,2 tỷ USD, tăng 68,1%), gạo (2,58 tỷ USD, tăng 29,6%), cà phê (2,76 tỷ USD, tăng 6%), hạt điều (1,95 tỷ USD, tăng 9,8%).

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản trong bối cảnh thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng…

80% sản lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương chất vấn tư lệnh ngành nông nghiệp và ngành công thương về những giải pháp khắc phục tình trạng hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, còn bị ùn ứ tại các cửa khẩu và bị rớt giá.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Quan tâm tới hiệu quả gắn kết giữa công tác thông tin, dự báo thị trường xuất khẩu nông sản và công tác quy hoạch, tổ chức sản xuất, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn của nước nhập khẩu, đại biểu Tạ Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá thực trạng này; trách nhiệm của Bộ trưởng; định hướng phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương trong thời gian tới để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản việt.

Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết định hướng thúc đẩy hoạt động thu mua, tiêu thụ lúa gạo, gia tăng kim ngạch xuất khẩu của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, cân nhắc khi sửa đổi Nghị định số 107 năm 2018 của Chính phủ, bổ sung các chủ thể như đơn vị trực thuộc, chi nhánh trực thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty kinh doanh lúa gạo có quy mô lớn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vào các đối tượng có đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu lúa gạo. Trên thực tế thời gian qua, các chủ thể này là những đơn vị xuất khẩu gạo có nhiều năm kinh nghiệm, có năng lực và có thị trường xuất khẩu ổn định.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Chu Thị Hồng Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt là vấn đề quan trọng, góp phần nâng cao giá trị hàng nông sản và là biện pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam. Trên thực tế hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam mặc dù được xuất khẩu trên thị trường quốc tế nhưng vẫn chưa có thương hiệu.

Tại buổi Tọa đàm xây dựng thương hiệu Quốc gia cho nông sản Việt do Báo Thanh niên tổ chức vào ngày mùng 6/4/2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp đã nhận định rằng, hiện tại có 80% sản lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Lần đầu tiên đưa lúa gạo vào ngành hàng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí metan.

Giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến xây dựng thương hiệu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, có nhiều sản phẩm có mặt trong những siêu thị lớn của nước ngoài, nhưng sản phẩm bên trong là của Việt Nam nhưng chữ ở ngoài không phải là Việt Nam. Đây là một quá trình đòi hỏi các doanh nghiệp phải kiên trì xây dựng thương hiệu, giống như ngành hàng cà phê, ngành hàng gạo bắt đầu cũng đã chuyển biến vấn đề này. Ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu ngành hàng sầu riêng.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, không thể xây dựng thương hiệu khi chen chúc người trồng dẫn đến phá vỡ những hợp đồng, có thể vì sản lượng mà vô tình hay cố ý làm giảm chất lượng; hay sự chen lấn của các doanh nghiệp làm trục trặc trong chuỗi ngành hàng. Cũng đừng nhầm lẫn thương hiệu và nhãn hiệu, bởi nhãn hiệu dễ xây dựng, chỉ cần đăng ký là xong, nhưng thương hiệu là điều gì đó in vào tâm trí của người tiêu dùng, bao gồm nhãn hiệu và những cảm xúc vô hình và mất nhiều năm để hình thành.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, 80% diện tích lúa Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 90% sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam không có liên kết, manh mún, nhỏ lẻ. Nhưng người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng rất nhanh, biến đổi khí hậu 100 năm nay bà con đã thích ứng được bằng cách trồng lúa, nuôi tôm; trồng lúa, nuôi cá, tôm; trồng lúa, nuôi vịt; trồng lúa xen giữa rau, màu, 2 vụ lúa 1 vụ màu.

Qua khảo sát thực tế, bà con nông dân cho biết trồng lúa là để nuôi tôm, không có lúa thì không có tôm, không có lúa thì không có cá, cá ăn từ những hạt lúa rơi, lúa sống nhờ những phế phẩm của tôm, của cá, cho nên tích hợp cả một nền kinh tế tuần hoàn và tạo ra giá trị từ lúa cho tới tôm. Khi tôm xuống giá, người dân lại bán lúa, đó là sự “co giãn” của người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh, phải có tư duy hạt lúa trong nền kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai đề án 1 triệu hecta lúa Đồng bằng sông Cửu Long chất lượng cao, phát thải thấp. Lần đầu tiên chúng ta đưa lúa gạo vào ngành hàng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí metan. Người trồng lúa có thể lấy rơm, rạ làm nấm hoặc làm rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ và trên thực tế bà con nông dân đã làm được nhưng quy mô vần còn nhỏ, lẻ. Do vậy, cần phát triển trở thành nền kinh tế nông thôn, khi đó người trồng lúa sẽ tạo ra nhiều giá trị trên mảnh đất của mình, đời sống người dân sẽ được cải thiện hơn.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản những tháng cuối năm: Thời cơ, thách thức đan xen.

Phản ánh những khó khăn từ thực tế doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đại biểu Đỗ Đức Hiển – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho biết, một số doanh nghiệp và Hiệp hội phản ánh Thông tư số 12/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc và cơ sở xay xát thóc gạo có một số quy định không phù hợp như dung tích xi lô chứa gạo, công suất của máy xay xát 10 tấn thóc trên giờ và một số yêu cầu khác.

Các quy định này tập trung vào tính quy mô, phù hợp của doanh nghiệp xuất khẩu gạo số lượng lớn nhưng rất khó đáp ứng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang cố gắng xâm nhập các thị trường mới, đòi hỏi sản lượng gạo không nhiều nhưng yêu cầu cao về chất lượng, quy cách bảo quản, đóng gói và giá tốt. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp buộc phải ủy thác xuất khẩu cho doanh nghiệp đủ điều kiện với mức phí khoảng 1 đến 5 USD một tấn hàng. Như vậy, các quy định về điều kiện xuất khẩu gạo đang khiến hạt gạo của Việt Nam trở nên đắt hơn, khó xuất khẩu hơn.

Về vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định sẽ trả lời trực tiếp đại biểu sau khi kiểm tra lại Thông tư 12. Bộ trưởng cho biết khi xây dựng thông tư hướng dẫn có thể chưa tính toán hết các yếu tố thuận lợi, khó khăn của giữa doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và các chi phí xã hội, chi phí phát sinh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng đưa ra nhận định, trong những tháng cuối năm 2023, các khó khăn trong xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn hiện hữu, nhu cầu thị trường phục hồi chậm, một số biến động thị trường gần đây đặt ra thêm những thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội, như: Ấn Độ và một số quốc gia dừng xuất khẩu gạo; Thái Lan khuyến nghị giảm diện tích trồng lúa để tránh hiện tượng El Nino; rủi ro biến đổi khí hậu nhanh hơn dự kiến ảnh hưởng lên canh tác nông nghiệp; sáng kiến ngũ cốc biển đen không được gia hạn…

Để khắc phục khó khăn, tận dụng cơ hội trong bảo đảm an ninh, an toàn nguồn cung thực phẩm trong nước và gia tăng xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm như: Cập nhật, phân tích đánh giá thông tin, diễn biến thị trường một cách toàn diện, cẩn trọng để kịp thời phổ biến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó, tận dụng cơ hội thị trường. Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương gia tăng, đổi mới tổ chức truyền thông quảng bá chất lượng đặc thù vượt trội của nông sản Việt tại thị trường trong và ngoài nước. Chỉ đạo sản xuất linh hoạt, đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đảm bảo nguồn cung phù hợp với nhu cầu xuất khẩu.

Về dài hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên chỉ đạo hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực. Tổ chức sản xuất nông nghiệp bền vững theo mục tiêu, định hướng tại Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững và các giải pháp cụ thể tại các Đề án đang triển khai: “Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025”; “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản gắn với thị trường tiêu thụ”; “Thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030”…

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Đề án “Phát triển hệ thống logistic nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050”.

Nông lâm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu vào 200/224 nước và vùng lãnh thổ.

Tham gia trả lời chất vấn liên quan đến lĩnh vực phụ trách, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, những năm qua, giá trị hàng hóa và giá trị xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng, đóng góp không nhỏ vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.

Hiện nông lâm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu vào 200/224 nước và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại, trong đó một số mặt hàng như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, tôm, cá tra, đồ gỗ đã chiếm một thị phần khá lớn trên thế giới. Tuy nhiên nền kinh tế nông nghiệp nước ta vẫn quy mô nhỏ lẻ, phân tán nên hoạt động nuôi trồng diễn ra tự phát, manh mún và theo phong trào, dẫn đến có lúc không kiểm soát được nguồn cung cho xuất khẩu.

 Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên

Tổ chức sản xuất còn manh mún khiến chất lượng nông, thủy sản của nước ta không đồng đều, khó kiểm soát vấn đề an toàn và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc. Vẫn còn thiếu sự liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất, thu gom, chế biến, tiêu thụ. Thiếu sự liên kết, phân công lao động và tổ chức sản xuất nông nghiệp theo lợi thế vùng và địa phương, dẫn đến tính chuyên môn hóa thấp, dễ xảy ra ùn ứ cục bộ về nguồn cung và thị trường. Điệp khúc “được mùa mất giá” vẫn diễn ra.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhận định, xuất khẩu nông sản chủ yếu vẫn là sản phẩm thô, chưa có sản phẩm nông sản mũi nhọn có giá trị gia tăng cao và thương hiệu mạnh. Phát triển thương mại, nông, lâm, thủy sản chủ yếu tập trung vào thị trường xuất khẩu mà chưa quan tâm đúng mức thị trường trong nước, với 100 triệu người tiêu dùng và khả năng tiêu thụ các loại hàng hóa ở các phân khúc khác nhau rất lớn.

Tiếp tục đàm phán, mở cửa thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại.

Để khắc phục được tình trạng này, thời gian tới, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của ngành, khẩn trương quy hoạch thành các vùng trồng, vùng nuôi, áp dụng khoa học, công nghệ trong các khâu của quá trình sản xuất. Tăng cường tổ chức sản xuất, xuất khẩu theo chuỗi liên kết, tổ chức hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn tập trung gắn sản xuất với những tín hiệu của thị trường, liên kết nông dân bằng các mô hình hợp tác xã kiểu mới, các khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ được đặt trong một chuỗi giá trị với doanh nghiệp.

Tiếp tục đàm phán, mở cửa thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, kể cả những thị trường truyền thống và những thị trường mới còn nhiều tiềm năng. Xây dựng nội dung đàm phán về mở cửa thị trường, kiểm dịch động, thực vật và yêu cầu kỹ thuật khác liên quan cho hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam và các tiêu chuẩn hàng của Việt Nam xuất đi các thị trường khác.

Đấu tranh hiệu quả với nhưng hàng rào kỹ thuật, thương mại bất hợp lý đối với nông sản Việt Nam để giữ vững thị trường. Theo dõi sát, phát hiện kịp thời hiện tượng gia tăng nhập khẩu đột biến để cùng trao đổi với các bộ, ngành có liên quan, có biện pháp phù hợp, góp phần bảo vệ chính đáng sản xuất trong nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ cũng tiến hành tổng hợp hỗ trợ thông tin thị trường, đăng tải, công bố bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản định kỳ hàng tuần trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công Thương và các hội nghị giao ban định kỳ với Thương vụ Việt Nam hàng tháng để định hướng thị trường cho các doanh nghiệp và các địa phương. Tăng cường cơ chế cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp để chủ động phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài.

Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động thu hút hợp tác đầu tư trong lĩnh vực logistics, tăng cường khuyến khích hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics để giảm chi phí của hàng hóa. Cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất.

Bộ Công thương sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, vận chuyển qua đường biên giới, tránh buôn lậu và gian lận thương mại trong sản phẩm nông sản. Đối với thị trường trong nước tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối giữa nhà cung ứng với nhà phân phối. Chủ động làm việc với hệ thống phân phối lớn, việc hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng các mô hình nông sản theo chuỗi để cung cấp trong hệ thống bán lẻ của mình. Hỗ trợ các địa phương xây dựng Đề án đẩy mạnh chuỗi cung ứng nông sản, hoạt động kết nối cùng hàng hóa cả trong nước và thị trường quốc tế…

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=79017