Xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc cần lưu ý gì?

Lâu nay, người ta vẫn thường nghĩ Trung Quốc là thị trường dễ tính, sản phẩm nông nghiệp dễ dàng xuất vào thị trường này. Thế nhưng với các quy định mới do phía Trung Quốc ban hành thì sản phẩm nông nghiệp của các quốc gia muốn xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc bắt buộc phải tuân thủ các yêu cầu khắt khe hơn. Theo đó, Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài phải đăng ký khi xuất khẩu 18 nhóm thực phẩm vào thị trường Trung Quốc.

Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền, Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho hay: Các cơ quan quản lý của Trung Quốc yêu cầu đối với các sản phẩm nông sản xuất khẩu vào thị trường này phải có mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, để phục vụ truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm. Cụ thể phía bạn yêu cầu một số mặt hàng như: Sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối... phải được đăng ký với các cơ quan chức năng ngành NN-PTNT của nước có sản phẩm xuất khẩu. Sau đó, ngành NN-PTNT sẽ gửi cho Tổng cục Hải quan Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (gọi tắt GACC) phê duyệt. Danh sách sẽ được cập nhật thường xuyên trên trang web của GACC. Đối với vùng trồng để được cấp mã số phải tuân thủ các yêu cầu: Áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Ngành NN-PTNT phải giám sát để những sản phẩm không bị nhiễm các đối tượng kiểm dịch thực vật (KDTV) do GACC công bố. Ngoài yêu cầu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói còn có những yêu cầu khác đối với các cơ quan ngành NN-PTNT như theo dõi và giám sát sinh vật gây hại bởi cán bộ kỹ thuật; lưu trữ hồ sơ giám sát và phòng trừ sinh vật gây hại...

 Thu hoạch chôm chôm tại huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.

Thu hoạch chôm chôm tại huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.

Các sản phẩm xuất sang Trung Quốc đều phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm sau khi đóng gói phải bảo quản ở khu riêng biệt, không để chung với các lô hàng xuất khẩu sang các thị trường khác. Về bao bì, trên mỗi hộp hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải in bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung: Tên vùng trồng, tên cơ sở đóng gói, mã số đăng ký. Đồng thời, khu vực đóng gói phải vệ sinh sạch sẽ và phải có nền cứng. Vật liệu đóng gói phải sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh, chưa qua sử dụng và tuân thủ các yêu cầu về KDTV...

Cũng theo đại diện Cục BVTV, nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc phải có đầy đủ thông tin về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm: Hàm lượng tồn thuốc BVTV, vi sinh vật, kim loại nặng, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng và danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam...

Hằng năm, Bộ NN-PTNT sẽ ban hành danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam trong đó có thể bổ sung hoặc loại bỏ. Hiện nay có hai cách tra cứu danh mục, trên các trang web của Cục BVTV, Bộ NN-PTNT và tra cứu qua ứng dụng thuốc BVTV trên điện thoại thông minh.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường kiêm Giám đốc Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (gọi tắt là Văn phòng SPS) Việt Nam cảnh báo: "Các cơ sở sản xuất của Việt Nam cần nắm rõ quy định về việc xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc và thực hiện nghiêm chỉnh, để tránh việc phía Trung Quốc "tuýt còi" sẽ ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam".

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/xuat-khau-nong-san-chinh-ngach-sang-trung-quoc-can-luu-y-gi-717613