Xuất khẩu nông sản đạt nhiều kỷ lục mới
Không chỉ cà phê, giá nhiều loại nông sản xuất khẩu như sầu riêng, cacao, gạo, hạt tiêu đều ở mức cao, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu kỷ lục của nhiều mặt hàng trong năm
Không chỉ cà phê, giá nhiều loại nông sản xuất khẩu như sầu riêng, cacao, gạo, hạt tiêu đều ở mức cao, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu kỷ lục của nhiều mặt hàng trong năm
Trên 62,5 tỷ USD là giá trị xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm nay. Đây là con số cao nhất từ trước tới nay. Kết quả này đã giúp ngành nông nghiệp về đích trước 6 năm so với mục tiêu đặt ra trong Đề án 174, về thúc đẩy xuất khẩu nông - lâm - thủy sản do Chính phủ phê duyệt.
Trải qua một năm đầy thách thức khi thị trường thế giới biến động mạnh, vượt qua thiên tai, năm vừa qua, ngành nông nghiệp không chỉ đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trong nước, mà hàng loạt nông sản chủ lực còn thiết lập những kỷ lục mới trong xuất khẩu. Nông nghiệp tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế.
Những ngày cuối năm, tại Tây Nguyên, đi đâu cũng bắt gặp hình ảnh vui tươi, rạng rỡ của bà con trồng cà phê. Lần đầu tiên, cà phê Việt Nam đắt nhất thế giới. Thời điểm thu hoạch cũng là lúc nông dân gặt hái được thành quả lớn.
Chị Y Ya Vơng - Huyện Đắk Hà, Kon Tum cho biết: "Giá cả tăng cao so với năm ngoái nên bà con rất hăng hái, vui vẻ khi nhà phân phối mua giá cao”.
Không chỉ cà phê, giá nhiều loại nông sản xuất khẩu như sầu riêng, cacao, gạo, hạt tiêu đều ở mức cao, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu kỷ lục của nhiều mặt hàng trong năm nay. Khai mở các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, mở rộng xuất khẩu chính ngạch tại thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng góp phần tạo sức bật cho nhiều loại nông sản tăng trưởng đột phá.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: "Thị trường được xác định như đầu kéo, có đầu kéo rồi thì sản xuất là đầu đẩy. Chúng ta đã có hệ thống thị trường, hệ thống chế biến và còn dư địa để duy trì đà tăng trưởng”.
Xuất khẩu lập kỷ lục, nhưng năm qua, Việt Nam đã nhận hơn 1.000 thông báo điều chỉnh tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm từ các nước nhập khẩu, cao nhất từ trước đến nay. Điều này cho thấy còn nhiều khoảng trống trong thích ứng với xu hướng gia tăng kiểm soát chất lượng từ những thị trường khó tính.
Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: "Nếu cứ chạy theo cuộc đua về xuất khẩu, giá trị như này mà không may chúng ta lãng quên câu chuyện về an toàn thực phẩm thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng, ảnh hưởng đến uy tín chung của nông sản Việt Nam. Các vùng sản xuất phải sản xuất theo tín hiệu và yêu cầu của thị trường”.
Xuất khẩu các nhóm hàng nông sản được nhận định tăng trưởng tốt trong năm 2025 khi nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm của thế giới tiếp tục tăng. Ngành nông nghiệp Việt không chỉ cần tận dụng cơ hội trước mắt mà phải rốt ráo giải quyết những vấn đề nội tại để vươn xa hơn trên bản đồ nông nghiệp thế giới.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/196873/xuat-khau-nong-san-dat-nhieu-ky-luc-moi.htm