Xuất khẩu nông sản: Gian nan 'visa' xuất ngoại
Dù một số loại quả của Việt Nam đã chính thức được cấp 'visa' vào các thị trường lớn, nhưng hoạt động xuất khẩu nhiều loại nông sản của Việt Nam, thời gian qua vẫn tiềm ẩn nhiều mối lo về chất lượng và bị cảnh báo. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng và bản thân các DN, HTX cần có biện pháp cụ thể, tăng cường quản lý, giám sát chất lượng.
Cuối tháng Bảy vừa qua, sau 3 tháng lấy ý kiến rộng rãi của các bên liên quan, Cục Kiểm dịch Động thực vật Hàn Quốc (APQA) đã chính thức công bố trên website của APQA quy định nhập khẩu đối với quả bưởi tươi từ Việt Nam sang Hàn Quốc.
Mừng ít, lo nhiều
Bưởi là quả tươi thứ 3 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường Hàn Quốc, cùng với các loại quả thanh long và xoài. Trước đó, vào tháng 8/2023, Cục Kiểm dịch thực vật Mỹ (APHIS) cũng thông báo về việc Mỹ mở cửa thị trường với quả dừa sọ (dừa đã bóc lớp vỏ và lớp xơ) của Việt Nam.
Việc một số loại quả của Việt Nam được phép nhập khẩu vào các thị trường khó tính có thể xem là một bước tiến quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế, đồng thời khẳng định chất lượng và uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, đến giữa tháng 7/2024, xuất khẩu rau quả đã thu về gần 3,57 tỷ USD. Như vậy, rau quả vươn lên là ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 3 trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ sau lâm sản và thủy sản. Trong nhóm ngành rau quả, các mặt hàng xuất khẩu chính mang lại giá trị cao chủ yếu vẫn là sầu riêng, thanh long, mít, chuối, xoài,…Riêng thị trường Hàn Quốc, 6 tháng qua tính riêng xuất khẩu rau quả đạt trên 180 triệu USD, tăng 57,9% so cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh những niềm vui trên, thông tin từ Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay 6 tháng đầu năm, EU đưa ra 2.078 cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm, thủy sản xuất khẩu của tất cả các quốc gia xuất khẩu vào thị trường này; trong đó, Việt Nam nhận được 57 cảnh báo. Tuy chỉ chiếm một tỷ lệ trung bình 2,1%, nhưng con số này đã đặt ra vấn đề đáng suy ngẫm.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết, con số này tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái. TP HCM là địa phương nhận nhiều nhất, với 23 thông báo.
“Việc này đã làm tăng tần suất kiểm tra biên giới của nông sản Việt. Hiện tại, 4 mặt hàng phải chịu tần suất kiểm tra cao, gồm thanh long 30%, ớt và đậu bắp là 50% và sầu riêng 10%” - Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nói.
Đáng nói, câu chuyện nhập nhèm mã số vùng trồng là vấn đề chưa bao giờ bớt “nóng” đối với các loại nông sản Việt xuất khẩu, đặc biệt là với sầu riêng. Ông Nguyễn Văn Điệt - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Uyên Điệp (Đắk Lắk) cho hay, tại địa phương, mới xảy ra việc 100 thùng sầu riêng đưa đi xuất khẩu tại cơ sở của ông dán mã vùng trồng, mã đóng gói của địa phương, doanh nghiệp nơi khác.
“Hiện doanh nghiệp, HTX xuất khẩu sầu riêng chính ngạch tại địa bàn gặp nhiều khó khăn, do sản lượng và nhu cầu nhập khẩu của đối tác nhiều nhưng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói không đủ đáp ứng” – ông Điệt bày tỏ.
Theo ông, khoảng 500 kho sầu riêng tại Đắk Lắk bán hàng cho rất nhiều thương lái ở các nơi, nên việc các chủ hàng lấy mã này mã kia dán vào không thể kiểm soát được.
Chưa hiểu là “vô tình hay cố ý” nhưng những hành vi gian lận nguồn gốc như các trường hợp tại Đắk Lắk kể trên, thực sự sẽ để lại hệ lụy khôn lường.
Giải pháp nào?
Theo ông Nam, nếu không có biện pháp tăng cường quản lý chất lượng, có thể sắp tới EU sẽ tăng cường kiểm soát và áp dụng các quy định cấm nhập khẩu một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Ths.Lương Ngọc Quang, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, việc các quốc gia xuất khẩu sang EU nhận được các cảnh báo là rất bình thường. Không riêng Việt Nam mà những đất nước có nền nông nghiệp phát triển, công nghệ cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Hàn Quốc, New Zealand cũng thường xuyên nhận được các cảnh báo này. Dù vậy, số lượng cảnh báo mà Việt Nam nhận được trong 6 tháng đầu năm vừa qua là vấn đề đáng bàn.
Nguyên nhân nông sản Việt bị gia tăng cảnh báo, theo Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, do doanh nghiệp xuất khẩu chưa tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu. Hiện mức giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL) khác nhau ở mỗi nước. Thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh và phân bón không đúng hướng dẫn ở nhiều nơi cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Chẳng hạn có tới 95% hộ nuôi tôm sử dụng kháng sinh và nhiều vùng trồng sầu riêng vẫn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý cũng là một yếu tố. Tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói chưa đạt yêu cầu. Ví dụ, hiện mới có khoảng một nửa vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng trên cả nước được giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Để đảm bảo việc xuất khẩu nông sản và thủy sản từ Việt Nam sang EU không gặp phải các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, Văn phòng SPS Việt Nam lưu ý doanh nghiệp, HTX cần chú ý kiểm soát các hoạt chất và vi sinh vật được khuyến cáo bởi các cảnh báo từ EU.
Rõ ràng, ngoài nỗ lực từ các cơ quan chức năng thì chính những nông dân, DN, HTX sản xuất cần phải nâng cao ý thức của mình từ việc sản xuất, chế biến, đóng gói... tự bảo vệ thương hiệu nông sản của mình. Đây là điều vô cùng quan trọng trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa nông sản Việt và các nước ở các thị trường lớn đang ngày gay gắt.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Sự nhạy bén, tuân thủ nghiêm quy định quốc tế là giải pháp căn cơ cho mọi ngành hàng phát triển bền vững, trong đó có rau quả. Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành liên quan sẽ siết chặt quản lý về chất lượng, vùng trồng. Nguồn cung lớn, ổn định thì bài toán chất lượng cần giải quyết hiệu quả để xuất khẩu rau quả tăng trưởng cao hơn.
Ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương)
Hiện nay, quy trình sản xuất, chế biến của các hộ sản xuất và doanh nghiệp chưa hoàn toàn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết, chất lượng chưa ổn định, phần lớn sản phẩm xuất khẩu còn ở dạng thô, thiếu chế biến sâu.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam
Vấn đề về chất lượng, nhất là ở rau quả còn chưa cao, chưa thể hiện ở sự đồng đều của sản phẩm, vẫn tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên cần có giải pháp để xử lý. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng tranh mua, tranh bán khi thị trường biến động, nhất là ở vùng nguyên liệu xảy ra nghiêm trọng. Đây là vấn đề tồn tại đã lâu, dù có nhiều giải pháp nhưng chưa giải quyết tốt được khi thị trường biến động, nhất là sầu riêng.