Xuất khẩu nông sản sang EU trong bối cảnh mới: Cách nào tận dụng ưu đãi từ EVFTA?
Ngày 8/9, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức Hội thảo xúc tiến thương mại sang thị trường EU 'Tận dụng các cơ hội ưu đãi mặt hàng nông sản từ EVFTA'.
Nhiều thách thức mới và khó
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đinh Sỹ Minh Lăng - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương, cho hay, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã tác động tích cực tới thương mại của Việt Nam và EU. Theo thống kê mới nhất, tháng 8/2022 thương mại 2 chiều đạt 43 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Ưu đãi thuế quan trong EVFTA là một trong những điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam tăng xuất khẩu sang thị trường EU, trong đó có nông sản. Theo cam kết, thuế xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU sẽ về 0% trong vòng 10 năm. Bên cạnh đó, thời gian đầu thực thi EVFTA doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam còn được hưởng GSP và MFN. “Tuy nhiên, loại ưu đãi này sẽ chấm dứt trong ngắn hạn, buộc doanh nghiệp phải tận dụng EVFTA”, ông Đinh Sỹ Minh Lăng nói.
Tuy nhiên, ông Đinh Sỹ Minh Lăng cũng cho biết, bước sang năm thứ 3 được thực thi, tỷ lệ tận dụng EVFTA của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chưa cao. Nguyên nhân lớn nhất là hàng hóa chưa đáp ứng được quy tắc xuất xứ, tiếp đó thuế MNF hấp dẫn hơn EVFTA, đối tác EU không cung cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ cho hàng nhập khẩu…
Bên cạnh những thách thức trên, đại diện Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ cũng cho biết, riêng với mặt hàng nông sản, Việt Nam còn phải đối mặt với những khó khăn từ những quy định mới và khó trên thị trường EU.
Đáng kể nhất là Thỏa thuận Xanh của EU về giảm khí thải, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Trong đó, Chiến lược từ nông trại đến bàn ăn đòi hỏi sự tuần hoàn của sản phẩm; cấm đưa vào lưu thông và xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng. Cùng đó là các tiêu chuẩn cao về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tại Hội thảo, ông Remi Nguyễn - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam cho hay, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) là một thách thức khó vượt với doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang EU.
Đến tháng 1/2026 EU cơ bản sẽ đánh thuế biên giới carbon. CBAM có hiệu lực vĩnh viễn, trường hợp sản phẩm sử dụng quá quy định lượng carbon trong quá trình sản xuất buộc phải nộp thuế. Tuy nhiên, cơ chế này có giai đoạn chuyển tiếp 3 năm, doanh nghiệp cần lưu ý và sử dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất.
Luật thẩm định chuỗi cung ứng cũng là một trong số quy định cần chú ý tại EU. Luật này bắt buộc các công ty quản lý chặt chẽ các tác động về môi trường trong cả sản xuất, kinh doanh.
“Đây là những thách thức lớn, để được hưởng ưu đãi từ EVFTA ngoài các điều kiện cơ bản như quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng thì những quy định này cũng buộc doanh nghiệp phải đáp ứng”, ông Remi Nguyễn nhấn mạnh.
Cách nào tận dụng các ưu đãi
Với quá nhiều thách thức đã đặt ra, tại Hội thảo, nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo lắng về khả năng tận dụng EVFTA để tăng xuất khẩu nông sản sang EU. Các chuyên gia đều cho rằng, việc đáp ứng các điều kiện, quy định của EU là điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp có thể xuất khẩu hàng hóa nói chung, nông sản nói riêng sang thị trường này.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Neil Như Nguyễn - Tổng giám đốc Công ty tư vấn xuất nhập khẩu Việt Nam - EU cho rằng, EVFTA là điều kiện thuận lợi nhưng không phải là “biển xanh” giúp doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam vượt qua mọi trở ngại, nhà nhập khẩu EU luôn chờ đón hàng Việt Nam. Bản thân doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn mới có thể bước vào thị trường EU cũng như tận dụng được ưu đãi từ hiệp định này.
Về việc tìm khách hàng thông qua các hội chợ là phương thức đang được doanh nghiệp Việt Nam sử dụng phổ biến, ông Neil Như Nguyễn nhận định, không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả. Bởi doanh nghiệp trong nước chưa tạo được thị trường để đối tác biết đến, chưa đủ uy tín để tin tưởng. Mặt khác, doanh nghiệp sử dụng quá nhiều kênh quảng bá sản phẩm khiến giá thành bị đội lên cao cũng là một hạn chế.
“Đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để tạo thị trường dù quy mô nhỏ, khi tham gia hội chợ mình đã có sản phẩm trên thị trường rồi sẽ tạo được sự tin tưởng cũng như thay đổi vị trí trên bàn đàm phán của doanh nghiệp”, ông Neil Như Nguyễn chỉ ra.
EU có rất nhiều hội chợ, thường diễn ra tháng 9, 10, 11 hàng năm, nhà nhập khẩu tới đây đi tìm nguồn hàng cho năm sau. Doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm tới các hội chợ chuyên ngành, đặc biệt cần có hàng mẫu dự bị tránh tình trạng tham gia hội chợ mà không có hàng hóa giới thiệu.
“Đầu tiên, doanh nghiệp nên tham gia hội chợ như khách tham quan tìm hiểu hội chợ, khách hàng, sau đó mới có kế hoạch tham gia có gian hàng trong hội chợ”, ông Neil Như Nguyễn chia sẻ.
Ở một góc nhìn khác, ông Remi Nguyễn, khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam có thể thay đổi tư duy, nâng cao chất lượng hàng hóa phục vụ cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Có thể sử dụng phương thức này để kiểm nghiệm sản phẩm tại chính thị trường Việt Nam. Nếu sản phẩm được chấp nhận, doanh nghiệp có thể tiệm cận dần tới xuất khẩu.
“Trải nghiệm của người nước ngoài tại Việt Nam rất quan trọng, bởi họ có thể cung cấp hành vi, thái độ mua hàng và cả văn hóa của người mua hàng, giúp doanh nghiệp Việt Nam có dữ liệu cơ bản để nghiên cứu trước khi bước ra thị trường lớn”, ông Remi Nguyễn phân tích