Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Khó khăn và giải pháp

Thị trường Trung Quốc đang có nhiều thay đổi và hiện đã trở nên khó tính hơn.

Một tin vui là trong danh sách 225 “DN xuất khẩu uy tín” năm 2018 mà Bộ Công thương công bố mới đây, có tới hơn một nửa là các DN xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp (từ gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, các loại rau củ quả, cao su đến thủy sản, gỗ…). Tuy nhiên nhìn về tổng thể, tốc độ xuất khẩu đang giảm đi, trong đó đặc biệt là các mặt hàng nông sản, và một trong những nguyên nhân chính là do xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đã chậm lại đáng kể.

Thêm một năm khó khăn

Trong các tháng đầu năm 2019, hoạt động xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại, giá của nhiều mặt hàng giảm sau khi đã đạt mức cao trong các năm 2017 - 2018. Kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 16,6 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của nhóm hàng nông thủy sản, thì Trung Quốc - thị trường quan trọng nhất - đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong thời gian qua.

Năm 2018, xuất khẩu nông sản, thủy sản sang Trung Quốc đạt 8,65 tỷ USD, giảm 4,26% so với năm 2017 và chỉ có 3 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (rau quả 2,78 tỷ USD; cao su đạt 1,37 tỷ USD; và gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,07 tỷ USD), giảm 2 mặt hàng so với năm 2017. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 7/2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,64 tỷ USD, giảm 7,9% so cùng kỳ năm 2018. Căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, việc xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản vào thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm và có thể ở mức cao hơn so với năm 2018.

Tại Hội nghị “Phát triển xuất khẩu hàng hóa nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc” do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN & PTNT tổ chức ngày 13/9, các đại biểu nhận định, xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới sẽ tiếp tục gặp phải nhiều khó khăn, thách thức như sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ nội địa của Trung Quốc do tình hình kinh tế nước này trong những tháng đầu năm 2019 không khởi sắc; tác động từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung dẫn tới xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nhập khẩu nông sản làm nguyên liệu để chế biến và tái xuất khẩu; đồng NDT giảm giá; tác động từ các chính sách mới và thực thi chính sách từ năm 2018 của các cơ quan quản lý Trung Quố́c, như tăng cường kiểm nghiệm, kiểm dịch, an toàn thực phẩm nhập khẩu; chính sách thương mại biên giới được Trung Quốc siết chặt theo hướng ngày càng đi vào chính quy, thu hẹp diện mặt hàng trao đổi cư dân biên giới; tăng cường công tác thực thi pháp luật, thực hiện nghiêm các quy định đối với hoạt động nhập khẩu nông thủy sản trên tuyến biên giới đất liền, thông qua các biện pháp như tăng cường giám sát, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính

Chia sẻ về những điểm cần lưu ý trong xuất khẩu sang thị trường này, bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương) cho rằng, thị trường Trung Quốc đang có nhiều thay đổi và hiện đã trở nên khó tính hơn. Một trong những biểu hiện là tầng lớp trung lưu đông đảo và tiếp tục tăng nhanh, kéo theo nhu cầu nông sản chất lượng cao, an toàn, mẫu mã đẹp, nguồn gốc rõ ràng cũng gia tăng. Cùng với đó, quá trình cải tổ nền kinh tế, hướng đến dựa nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa của Trung Quốc cũng khiến yêu cầu về chất lượng đối với hàng hóa ngày càng cao hơn. Một biểu hiện rõ nét khác là các cơ chế, chính sách pháp luật của Trung Quốc liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm cũng ngày một hoàn thiện và gắn chặt với việc triển khai thực thi.

Tuy nhiên, có một thực tế là trong suốt những năm qua, Trung Quốc vẫn luôn là thị trường quan trọng đối với nông thủy sản của Việt Nam, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của chúng ta (Trung Quốc hiện đang là thị trường đứng thứ 1 về cao su, rau quả, gạo và sắn các loại; đứng thứ 2 về hạt điều; đứng thứ 3 về thủy sản; đứng thứ 4 về chè; đứng thứ 12 về cà phê...), đồng thời vẫn đang là thị trường tiềm năng đối với một số mặt hàng nông sản khác.

Tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, Trung Quốc là thị trường vô cùng tiềm năng cho nông sản của Việt Nam. Vì vậy, dù có những thách thức, khó khăn phía trước nhưng phải nhận diện đúng để có các giải pháp đúng, chuẩn và đồng bộ để vượt qua. Theo đó, hoạt động xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc cần phải chú trọng về quy hoạch, cơ cấu. Đồng thời coi trọng, quan tâm đến công tác đàm phán mở cửa thị trường, tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn hàng nông thủy sản nhằm vượt qua các hàng rào kỹ thuật. Bên cạnh đó, cần thông tin kịp thời và định hướng, hỗ trợ cho người nông dân, các DN trong hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu, cũng như các chính sách nhằm tăng cường liên kết chuỗi.

Trong khi đó, theo các đại diện đến từ Bộ Công thương, để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc cần sự chung tay của Chính phủ, các Bộ ngành, UBND các địa phương, cũng như các DN, hiệp hội ngành hàng và truyền thông. Đồng thời, cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch, định hướng lại tổ chức sản xuất (trong bối cảnh thị trường Trung Quốc đã thay đổi); hướng dẫn về các quy định, tiêu chuẩn của Trung Quốc đối với hàng hóa nhập khẩu; đẩy mạnh đàm phán, mở cửa thị trường cho nông sản; định hướng đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch; xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và tạo thuận lợi cho thủ tục thông quan tại biên giới. Và hơn hết, cần đặc biệt coi trọng, quan tâm tới việc nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường này.

Hội nghị “Phát triển xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc” do Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường đồng chủ trì. Tham dự hội nghị có khoảng 350 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng DN.

Đỗ Lê

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/xuat-khau-nong-san-sang-trung-quoc-kho-khan-va-giai-phap-92198.html