Xuất khẩu nông sản tìm cách hồi phục

Sau Trung Quốc, các thị trường chính của nông - lâm - thủy sản Việt Nam đều xảy ra dịch khiến các doanh nghiệp nông nghiệp gặp khó

Ngày 17-3, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group, chuyên xuất khẩu trái cây tươi sang các thị trường khó tính, cho hay đại dịch Covid-19 lan rộng ra phạm vi toàn cầu khiến việc xuất khẩu bằng đường hàng không sang Mỹ, EU, Canada bị sụt giảm 70%-80% do các hãng cắt giảm đường bay.

Khó khăn kéo dài

"Các chuyến hàng đi bằng đường biển tương đối ổn định nhưng việc thông quan ở nước nhập khẩu dự kiến kéo dài do người lao động, viên chức nhà nước của họ nghỉ làm vì dịch có thể ảnh hưởng chất lượng hàng hóa. Do đó, ít nhất trong 1 tháng tới xuất khẩu rau quả sang những thị trường trên sẽ giảm mạnh" - ông Tùng nhận định.

Đối với ngành thủy sản, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định do các thị trường chính của Việt Nam là: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có dịch Covid-19 nên giao thương bị ảnh hưởng. Trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 935 triệu USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường chịu tác động mạnh nhất là Trung Quốc, kim ngạch giảm tới 46,8%, đạt 80 triệu USD; EU kim ngạch 106 triệu USD, giảm 17,4%; Hàn Quốc gần 90 triệu USD, giảm 16%.

Theo khảo sát của VASEP, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đang hy vọng sang tháng 4 thị trường sẽ hồi phục, họ sẽ tập trung xuất khẩu bằng đường biển để ổn định. Đối với cá tra, dự kiến đến tháng 5 mới khôi phục được 70% và tháng 6 sẽ khôi phục hoàn toàn. Ngoài ra, để ổn định thị trường, ngành cá tra sẽ hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua thương lái hoặc gia công để tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt. Ngoài vấn đề thị trường, theo VASEP, dịch bệnh gây ra tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên - vật liệu đầu vào, hoạt động sản xuất - kinh doanh và xuất nhập khẩu bị gián đoạn hoặc đình trệ.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, dự báo đại dịch Covid-19 sẽ khiến ngành nông sản trị giá hơn 10 tỉ USD lần đầu tiên không có tăng trưởng trong năm 2020. Tác động bởi dịch bệnh, nhiều khách hàng đề nghị chậm giao hàng, chậm thanh toán; rồi tình trạng thiếu nguyên - phụ liệu và sắp tới là thiếu lao động…

Xuất khẩu trái cây tươi, trong đó có vú sữa, bằng đường hàng không đang sụt giảm do các hãng cắt giảm đường bay. Ảnh: NGỌC ÁNH

Xuất khẩu trái cây tươi, trong đó có vú sữa, bằng đường hàng không đang sụt giảm do các hãng cắt giảm đường bay. Ảnh: NGỌC ÁNH

Cần hỗ trợ ngay

Thống kê chung của ngành nông nghiệp cho thấy tổng giá trị xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2020 ước đạt 5,34 tỉ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Các DN cho rằng nếu Chính phủ và các bộ ban ngành liên quan không có sự hỗ trợ kịp thời thì triển vọng xuất khẩu của ngành trong thời gian tới sẽ còn ảm đạm hơn nhiều.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, mong muốn lớn nhất của các DN là được hỗ trợ lãi suất, kéo giãn thời gian đáo hạn ngay lập tức chứ không bàn nữa để duy trì hoạt động qua mùa dịch. "Về dài hạn, đối với ngành rau quả, nhà nước cần quan tâm hơn nữa công nghệ bảo quản và khuyến khích các dự án chế biến sâu để kéo dài thời gian bán hàng. Nếu không có công nghệ bảo quản sẽ không thể đa dạng hóa thị trường mà chỉ quanh quẩn ở những thị trường gần. Vấn đề này cần bàn tay của nhà nước vì nếu để DN tự nghiên cứu, đầu tư họ sẽ giữ làm bí quyết riêng để thu hồi vốn đã bỏ ra, không chia sẻ cho toàn ngành. Trong khi đó, thị trường nội địa rất lớn nhưng để khai thác hiệu quả, DN cần phải đi từ vùng trồng chất lượng cao như chuẩn xuất khẩu mới lấy được niềm tin người tiêu dùng" - ông nhìn nhận.

Tương tự, ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho hay các DN chế biến và xuất khẩu hạt điều đang gặp khó do dịch Covid-19. Bởi phần lớn đã thu mua dự trữ nguồn nguyên liệu từ cuối năm ngoái với giá cao, nay giá giảm đáng kể, ngay cả giá thành phẩm giao dịch hiện tại cũng giảm khiến DN thiệt hại rất lớn. Đặc biệt, các DN vừa và nhỏ trong ngành đang gặp bài toán nan giải về vốn nên họ rất cần được khoanh nợ, giãn nợ; đồng thời tiếp cận được nguồn tín dụng lãi suất thấp, thời hạn cho vay kéo dài hơn để cầm cự trong mùa dịch bệnh này.

Ngoài ra, theo ông Giang, DN ngành điều rất cần nhà nước hỗ trợ tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại tại nhiều thị trường mới để họ có thêm cơ hội xuất khẩu tốt hơn. Ngay cả thị trường trong nước cũng cần được xúc tiến vì tiềm năng rất lớn nhưng không phải DN nào cũng tiếp cận được vì nhiều lý do như nhu cầu, khẩu vị, đặc điểm vùng miền…

Cũng là DN lớn trong ngành rau quả, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nafoods Group, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - quan tâm vấn đề mở cửa thị trường. "Với Trung Quốc, cần tiếp tục đàm phán để mở thêm cửa cho quả sầu riêng, chanh leo và khoai lang vì thị trường này chiếm đến 80% thị phần" - ông Hùng kiến nghị.

Vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu 42 tỉ USD

Dù gặp nhiều thách thức từ tình hình thực tế nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đặt ra mục tiêu xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp năm 2020 tăng 0,7 tỉ USD so với năm 2019, đạt 42 tỉ USD. Đáng chú ý, ngoài các hoạt động dài hạn để mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, bộ lưu ý tình huống nhu cầu nông sản, thủy sản lên cao do dịch bệnh. Như tại tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc (nơi có thành phố Vũ Hán khởi phát dịch) thời gian qua thực hiện nghiêm việc cách ly, nông dân không ra sản xuất trên đồng ruộng, dẫn đến thiếu hụt lương thực, thực phẩm phải nhập khẩu. Do đó, ngay khi Trung Quốc mở cửa lại thị trường, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các đoàn xúc tiến, phát triển thị trường tại các tỉnh trọng điểm của Trung Quốc.

NGỌC ÁNH - NGUYỄN HẢI

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/xuat-khau-nong-san-tim-cach-hoi-phuc-20200317221313842.htm