Xuất khẩu rau quả có thể đạt trên 5 tỷ USD
Với kim ngạch xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu 4 tỷ USD cho cả năm và thậm chí xác lập kỷ lục mới cho ngành hàng này.
Xuất khẩu rau quả đang là điểm sáng của ngành nông nghiệp. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, ngành hàng này đã mang về gần 2,8 tỷ USD, bằng 81,8% của cả năm 2022. Nếu không có gì thay đổi, kỷ lục mới của năm nay sẽ sớm được xác lập.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 14 trên thế giới về sản xuất cây ăn trái với tổng diện tích trên 1,2 triệu hecta. Diện tích trồng mới hàng năm tăng liên tục, trung bình hơn 62.000 hecta/năm ở khu vực miền Nam, tập trung vào các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: thanh long, sầu riêng, mít, xoài, bưởi… Đây là điều kiện để nước ta đứng thứ 9 về xuất khẩu rau quả trên thị trường thế giới.
Giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam bắt đầu vượt mốc 1 tỷ USD từ năm 2013 và liên tục nhiều năm gần đây vượt mức 3 tỷ USD mỗi năm. Với kim ngạch của 6 tháng đầu năm nay, nước ta hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu 4 tỷ USD cho cả năm và thậm chí xác lập kỷ lục mới cho ngành hàng này.
"Chúng ta còn vùng sầu riêng lớn ở Tây Nguyên, hứa hẹn mang về con số lớn. Như vậy khả năng đạt 5 tỷ trong năm nay nằm trong tầm tay. Kim ngạch bùng nổ là nhờ thị trường Trung Quốc. Đóng góp lớn nhất là sầu riêng. Kim ngạch sầu riêng năm nay sẽ vượt 1 tỷ, khả năng đạt 1,5 tỷ", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết.
Tuột cơ hội vì thiếu cây giống chất lượng
Mỗi năm, Trung Quốc chi khoảng 4 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng. Chính vì vậy, chiếm lĩnh được thị trường này là mục tiêu của cả ngành hàng rau quả trong thời gian tới. Tuy nhiên đây là câu chuyện dài hơi, cần sự đồng bộ của nhiều khâu; trong đó, quan trọng hơn cả là đảm bảo chất lượng từ cây giống ban đầu.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, nếu so về vị trí địa lý thì Việt Nam có nhiều lợi thế hơn Thái Lan hay Malaysia trong việc xuất khẩu sầu riêng. Chẳng hạn để đến được các chợ của Trung Quốc, Thái Lan mất thời gian vận chuyển từ 8 - 10 ngày, trong khi Việt Nam chỉ khoảng 1,5 ngày. Vận chuyển ít ngày nên các khoản chi phí đều kéo giảm, giúp cạnh tranh về giá bán ở thị trường tỷ dân. Tuy nhiên, lợi thế này không là tất cả.
"Chúng ta thua nhau là giống, hiện nay Trung Quốc quen ăn sầu riêng Monthong của Thái Lan hay Musang King của Malaysia, do vậy sầu riêng của ta dù rẻ nhưng tiêu thụ ít và giá cũng thấp hơn", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho hay.
Thương hiệu là một chuyện, còn chuyện quan trọng khác là chúng ta chưa thực sự làm tốt công tác giống, chưa có những giống cây ăn trái chất lượng. Đó cũng là lý do khiến nhiều loại trái cây như xoài, nhãn yếu thế trước sự cạnh tranh của các nước xuất khẩu khác.
Báo cáo mới đây của Cục Trồng trọt cho thấy, số lượng cây đầu dòng (cây có năng suất, chất lượng cao và ổn định) của các tỉnh phía Nam chỉ vỏn vẹn 666 cây; trong khi nhu cầu thực tế mỗi năm của cả nước lên đến 250 triệu cây giống. Điều này cũng có nghĩa nông dân đang sử dụng cây giống không rõ nguồn gốc hoặc kém chất lượng để sản xuất cây ăn trái.
"Nếu mình trồng sai thì công sức bao năm đổ bỏ, do vậy cần có sự kiểm soát chặt chẽ", ông Trần Hữu Hậu, Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu, nhận định.
Kết quả kiểm tra 5 đơn vụ sản xuất giống và 201 đơn vị kinh doanh giống cây ăn trái của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phía Nam trong năm 2022 cho thấy, chỉ có 18 đơn vị kinh doanh giống đảm bảo yêu cầu theo quy định. Như vậy, có tới 91% số cơ sở không đạt yêu cầu. Đây thực sự là mối e ngại về khâu đầu vào của ngành hàng tỷ đô và còn rất nhiều dư địa này.
Chú trọng nâng cao chất lượng cây giống
Thương hiệu trái cây phải được xây dựng trên nền tảng chất lượng. Điều này cho thấy tầm quan trọng của công tác sản xuất cây giống. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đã đến lúc đưa ra những biện pháp kiên quyết hơn nhằm giúp ngành hàng tỷ đô phát triển bền vững trong thời gian tới.
Mỗi năm Bến Tre cung ứng cho thị trường hơn 20 triệu cây giống chất lượng nhờ công tác tập huấn, tuyên truyền, truy xuất nguồn gốc sản xuất cây đầu dòng, vườn đầu dòng được đảm bảo.
"Chú trọng công nghệ sinh học vào sản xuất giống, tạo điều kiện gắn kết thông qua hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã", ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, cho biết.
Loại giá thể được Hợp tác xã Thắng Lợi nghiên cứu cách đây 5 năm, với các nguyên vật liệu quen thuộc như: than bùn, phân và dưỡng chất hữu cơ, men vi sinh, mụn dừa. Tất cả được phối trộn nhằm cung cấp dưỡng chất cho cây giống phát triển ổn định từ 6 tháng đến 1 năm. Đây cũng là điều kiện để nhà vườn rút ngắn thời gian sản xuất từ 1 - 3 lần so với cách làm truyền thống.
"Vấn đề đầu ra rất khả quan. Thứ hai, do nguồn giống đi theo quy trình khép kín nên giống đạt hiệu quả, con giống của mình rất khỏe mạnh", ông Phạm Hồng Khánh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thắng Lợi, Bến Tre, cho hay.
Các địa phương, doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên có định hướng phát triển giống cho các vùng, chẳng hạn Đồng bằng sông Cửu Long chọn 1 - 2 địa phương có năng lực để đầu tư nhằm phát triển mạnh.
"Làm sao giống đưa ra trồng phải được kiểm soát, như dán tem kiểm định, quản lý phù hợp", ông Trần Hữu Hậu, Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu, nói.
"Chúng tôi sẽ tăng cường hoàn thiện các tiêu chuẩn Việt Nam cũng như quy chuẩn kỹ thuật, là công cụ giúp các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các quyết định lưu hành giống cây trồng mới cũng như gia hạn lại các giống cây trồng theo quy định của pháp luật", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung, nhận định.
Thời gian tới, ngành chức năng sẽ công khai những đơn vị, cơ sở vi phạm về công tác sản xuất, kinh doanh cây giống; khuyến khích đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới, liên kết, chuyển giao đưa vào sản xuất.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/xuat-khau-rau-qua-co-the-dat-tren-5-ty-usd-post106271.html